Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Xe chở rác ra vào bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Đến ngày 28-8, chưa một đơn vị nào thừa nhận mùi hôi thối đang tấn công Nam Sài Gòn do mình gây ra, nhưng các nhà chuyên môn nghi ngờ rằng việc tăng khối lượng rác tiếp nhận và chôn lấp mỗi ngày ở khu Đa Phước (Bình Chánh) do Công ty TNHH Xử lý chất thải VN (VWS) quản lý sẽ làm gia tăng áp lực đảm bảo môi trường.
Dồn rác làm gia tăng
áp lực môi trường
Trước đây, khu chôn lấp rác của VWS chỉ tiếp nhận 3.000 tấn/ngày, nhưng trong hơn một năm nay đã tăng thêm khoảng 2.000 tấn/ngày. Ngoài áp lực đảm bảo môi trường còn có áp lực đảm bảo giao thông của xe chở rác. Với khối lượng rác 3.000 tấn ngày, ước tính mỗi ngày có khoảng 300 lượt xe rác chạy qua quốc lộ 50 - con đường độc đạo - đưa rác về Đa Phước.
Còn với hiện tại, lượng rác đưa về Đa Phước tăng thêm 2.000 tấn thì số lượt xe rác đổ về khu vực này phải tăng lên tương ứng, ước 500 - 600 lượt xe rác mỗi ngày. Cùng với đó là khung thời gian cho phép xe chở rác chạy trên đường cũng phải thay đổi.
Theo các đơn vị chở rác, trước kia khi chưa có chuyện tăng lượng rác về khu Đa Phước thì xe rác chạy từ 18g - 6g hôm sau. Từ khi dồn rác về khu này, để có thể chuyển hết lượng rác phát sinh quá lớn, xe rác phải chạy cả vào các giờ nằm ngoài khung giờ nêu trên.
Theo PGS.TS Lê Văn Khoa (khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM), một địa phương có diện tích lớn, dân số đông và phân bổ rộng như TP.HCM, việc dồn khối lượng xấp xỉ 6.000 tấn rác/ngày tập trung về xử lý tại khu Đa Phước là không hợp lý. Vì sao? Về chi phí vận chuyển phải thu gom rác từ đầu này TP về đầu kia để xử lý.
Về hạ tầng: đường sá khu vực dẫn đến bãi rác, ví dụ quốc lộ 50, chưa được nâng cấp mở rộng để tiếp nhận đoàn xe chở rác ra vào bãi, có thể dẫn đến ùn tắc.
Vận chuyển rác dễ dẫn tới khả năng phát tán ô nhiễm cao: rác rơi rớt, mùi hôi, nước rỉ rác, vi trùng gây bệnh... Đó là chưa kể về an ninh môi trường (nước, rác), việc tập trung lượng rác của TP xử lý ở một nơi, của một công ty khác nào “đem trứng vào một rổ”, có thể bị thao túng về giá xử lý và các vấn đề khác.
Nỗi ám ảnh từ những xe chở chất thải
Trưa 28-8, đoạn quốc lộ 50 đi qua ấp 1 (xã Đa Phước) rất đông xe cộ qua lại. Nhiều nhất vẫn là xe ép rác và xe ben chở chất thải của Công ty Môi trường đô thị TP và công ty dịch vụ công ích của các quận huyện. Mỗi lần có xe rác hay xe ben chở chất thải đi ngang qua, mùi khăm khẳm, chua chua của rác lại bốc lên nồng nặc.
Quốc lộ 50 hiện là con đường độc đạo đi vào khu xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (khu xử lý chất thải Đa Phước). Nơi đây có bãi rác với công suất xử lý 5.000 tấn rác mỗi ngày, có khu xử lý bùn hầm cầu của Công ty Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình. Ngoài ra còn có khu xử lý bùn thải của Công ty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh xử lý 40 tấn bùn/ngày.
Bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) nhìn từ trên cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bà Phan Thị Ngọc Huệ, chủ một quán cơm ở mặt đường quốc lộ 50 (thuộc ấp 1, xã Đa Phước), cho biết: “Khoảng 16g đến đêm xe rác chạy liên tục, có khi nối đuôi thành từng đoàn 7 - 10 chiếc, mùi hôi khăm khẳm bốc lên nặng nề. Còn xe rác mà đậu thì mùi hôi càng nồng nặc, ai đi qua cũng phải bịt mũi. Lúc nào có xe chở rác ướt thì nước rỉ xuống đường, mùi hôi có khi nửa tiếng mới hết”.
Ông Lê Văn Thiện, một hộ dân ở ấp 1, cho biết do ảnh hưởng của khu xử lý chất thải Đa Phước mà nhiều hộ dân xung quanh mất kế sinh nhai. Ông Thiện cho biết gia đình ông còn ruộng nằm trong khu quy hoạch cây xanh cách ly của khu xử lý chất thải Đa Phước chưa được Nhà nước bồi thường, nhưng hiện gần như bỏ không. “Một phần do người dân sợ nước trong khu vực bị ô nhiễm vì có người đi làm ruộng về bị ngứa ngáy, lở loét tay chân. Dân trồng lúa chỉ để cho vịt ăn, người dân biết vịt nuôi trong ruộng ở gần khu xử lý chất thải Đa Phước cũng không dám ăn thịt” - ông Thiện lý giải.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, chủ tịch UBND xã Phong Phú, cho biết người dân nhiều lần phản ảnh đến UBND xã về việc bị ảnh hưởng do ô nhiễm. UBND xã có phản ảnh sự việc đến UBND huyện. “Nặng mùi nhất là những lúc trời đang nắng gắt rồi đổ mưa.
UBND huyện có biết và đề xuất cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý rồi. Những lần trước, khi người dân phản ảnh gay gắt thì phía bãi rác cũng có xử lý nhưng qua một thời gian sau thì đâu vào đó, mùi hôi tiếp tục xuất hiện” - ông Nghiệp cho hay.
Không khó tìm ra đối tượng gây ô nhiễm
Liên quan tới vấn đề xác định đối tượng gây ra mùi hôi ở khu Nam Sài Gòn, PGS.TS Lê Văn Khoa (khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng cần dựa trên ba tiêu chí: cường độ, phạm vi và thời gian tác động. Cường độ: mùi hôi có nồng nặc hay thoang thoảng? Phạm vi: cả một vùng rộng lớn ở Phú Mỹ Hưng hay chỉ một vùng nhỏ nào đó? Thời gian: mùi hôi cảm nhận suốt ngày hay đôi lúc, theo mùa gió, theo tháng... Nếu ba tiêu chí trên có mức độ lớn thì đối tượng gây ô nhiễm phải có quy mô lớn, thường trực, lưu cữu.
Theo phản ảnh “mùi hôi thối tựa như mùi rác”, có thể loại trừ các nguồn gốc ô nhiễm do các hoạt động công nghiệp như dung môi, sơn, hóa chất, cần tập trung vào những khu vực có tập trung một lượng chất thải hữu cơ lớn, có khả năng phân hủy. Những nguồn cần chú ý như bãi rác hở; nơi đổ thật nhiều xác chết, ví dụ heo chết, hải sản chết; đầm lầy vùi lấp nhiều cây cối; trạm xử lý nước thải đô thị, bùn thải không được vận hành đúng... Với những nguồn ô nhiễm như thế, không thể “lấy thúng úp voi”, cho nên các cơ quan chức năng dễ dàng khoanh vùng và chỉ ra thủ phạm.
Về phương pháp để truy tìm mùi hôi thối, theo PGS.TS Lê Văn Khoa, ngoài việc dựa vào khứu giác để lần theo vết (càng gần nguồn thì mùi càng đậm) thì khi khảo sát thực tế cần dựa vào bản chất, thành phần của nguồn thải để xác định thành phần mùi tương ứng sinh ra. Trong trường hợp của khu Nam Sài Gòn, mùi hôi có thể đo qua các thông số mercaptan, H2S (hydro sulfua), NH3 (khí amoniac), một số chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) và các chất vi lượng như acetone, benzene, chlorobenzene, chloroform, vinyl chloride... Cũng có thể kết hợp sử dụng các mô hình toán (phần mềm modelling), không ảnh để xác định được mức độ phát tán mùi, khoảng cách phát tán ô nhiễm để khẳng định một nguồn đang nghi ngờ là nguồn gây mùi hôi hay không.