Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chiều 24-8, ông Otto De Jager, đại diện công ty Global Home đã đến văn phòng Hiệp hội Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) để trao đổi về các thông tin quanh việc công ty này nợ các công ty gỗ VN thời gian qua.
Trong đó, ầm ĩ nhất là khoản nợ với Công ty chế biến gỗ Gia Hân (Đồng Nai).
Nhiều doanh nghiệp gỗ kêu cứu vì Global Home?
Về nội dung làm việc, ông Otto có đưa ra một số bằng chứng của các doanh nghiệp gỗ khẳng định uy tín làm việc của Global Home ở VN.
Khi đại diện Hawa đưa ra các trường hợp doanh nghiệp gỗ VN kêu cứu vì khoản nợ của Global Home, đại diện Global Home nói rằng có bằng chứng về các giao dịch và ông Otto sẽ gặp các công ty để thỏa thuận giải quyết số công nợ với các công ty, trong đó có Công ty Gia Hân, Công ty Cửu Long và Công ty Vinafor ở Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Văn Hạnh phó chủ tịch HAWA đề nghị các công ty nên cung cấp thông tin và bằng chứng để Hawa có thể hỗ trợ cho hội viên tốt hơn và đưa ra những cảnh báo kịp thời.
“Ông Otto nói sẽ xem lại các các khúc mắc với doanh nghiệp gỗ VN và hẹn hai tuần sau gặp tiếp để giải quyết những tồn đọng còn lại”, ông Hạnh nói.
Trước đó, trong suốt thời gian diễn ra vụ lùm xùm về thanh toán với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Otto De Jager chưa một lần lên tiếng chính thức cũng như gặp gỡ báo giới.
Vụ tranh chấp thương mại giữa Gia Hân và Global Home được quan tâm khi cuối tháng 7-2016 trên một tài khoản mạng xã hội đăng hình ảnh cho thấy một số người đứng trước nhà ca sĩ Thu Minh, dùng xe bán tải treo băng rôn có nội dung yêu cầu vợ chồng ca sĩ này thanh toán nợ (ông Otto hiện là chồng của ca sĩ Thu Minh - PV).
Sự việc càng lan rộng hơn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp lên tiếng “tố” công ty của ông Otto chây ì nợ nần với nhiều khoản nợ khác nhau.
Sau hơn một tháng diễn ra lùm xùm, chiều 24-8 Hiệp hội Hiệp hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM đã có buổi chia sẻ về quản trị rủi ro trong mua bán quốc tế.
Hàng giao nhưng tiền không trao?
Theo ông Nguyễn Hữu Ngọc, giám đốc Công ty Gia Hân, đơn vị đang có tranh chấp gần 500.000 USD với bên mua hàng là Công ty Global Home (Cộng Hoà Séc) do ông Otto De Jager làm đại diện.
Ông Ngọc cho biết từ năm 2012, ông bắt đầu làm ăn với Globe Home.
Trong quá trình sản xuất, người mua hàng lấy đơn hàng từng tháng. Nhưng từ tháng 4-2015, việc thanh toán bắt đầu chậm trễ, sau này phía Global Home mới thông tin qua mail cho biết nhiều sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Tuy vậy, Global Home vẫn tiếp tục mua hàng và không trả tiền. Gia Hân tin tưởng vẫn tiếp tục giao hàng.
Sự việc tiếp tục kéo dài, tưởng chừng tìm được lối ra khi Global Home đề nghị mua 50.000 USD số hàng tồn kho nhưng sau đó đòi chiết khấu 30%.
Theo đại diện Gia Hân cho biết đến nay số nợ mà Global Home nợ lên đến hơn 490.000 USD. Ngoài ra, tại kho hàng của Gia Hân còn một lượng hàng trị giá 280.000 USD có đóng dấu kiểm định của Global Home nhưng không được xuất đi.
Theo đại diện Gia Hân, Global Home chỉ một ký hợp đồng khung ban đầu với Gia Hân, bán theo giá FOB với nhiều điều khoản được đánh giá là bất lợi cho doanh nghiệp.
Đến nay có hơn 20 doanh nghiệp, trong đó 15 doanh nghiệp bị bỏ hàng với 80.000 sản phẩm được Global Home đặt nhưng không lấy hàng.
Phần lớn các doanh nghiệp bị nợ tiền hàng vì hàng giao rồi nhưng Global Home viện cớ không đạt chất lượng hay giao hàng không đúng thời hạn nên bị phạt hợp đồng.
Đại diện Hawa cũng thừa nhận các doanh nghiệp ngành gỗ từ trước đến nay ít nhiều cảm tính khi ký kết hợp đồng.
Năm 2015, kim ngạch xuất của ngành gỗ chế biến VN đạt 6,9 tỷ USD và là nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời đứng thứ 4 trên thế giới, thành quả này có phần rất lớn chính nhờ niềm tin vào nhà mua hàng. Nếu nhà mua hàng dựa vào kẽ hở này để xù nợ chắc doanh nghiệp VN sẽ khó có thành quả này” - ông Nguyễn Thanh Phong, phó chủ tịch Hawa nói.