(Tin Môi Trường) - Trước thời điểm bắt đầu xảy ra hiện tượng cá chết ở biển Vũng Áng đầu tháng 4.2016, Formosa đã 7 lần gửi thông báo vận hành thử nghiệm các dây chuyền, hạng mục nhưng Tổng cục Môi trường không có phản hồi nào.
Một góc công trình Nhà máy nhiệt điện Formosa Hà Tĩnh tại khu kinh tế Vũng Áng -Ảnh: Nguyên Dũng
Theo những tài liệu PV thu thập được, khoảng đầu năm 2016 đến đầu tháng 4.2016, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) có gửi đến Bộ TN-MT một số văn bản thông báo vận hành thử nghiệm các dây chuyền. Thế nhưng, chỉ khi xảy ra thảm họa thì Tổng cục Môi trường mới có văn bản trả lời.
Cụ thể, ngày 18.2.2016, Formosa có văn bản báo cáo kế hoạch vận hành thử nghiệm dây chuyền xưởng cán tấm thuộc bộ phận cán thép vào ngày 29.2.2016 gửi Bộ TN-MT và Sở TN-MT Hà Tĩnh.
Chạy thử lò gia nhiệt số 3 liên tục 42 ngày
Đến ngày 23.2.2016, văn bản này đến Bộ TN-MT. Bản kế hoạch vận hành thử nghiệm gửi kèm nêu rõ, ngày 29.2.2016 bắt đầu vận hành thiết bị lò gia nhiệt số 3. “Tác nghiệp chạy thử lần này tiến hành đối với lò gia nhiệt số 3 của xưởng cán tấm, nguồn nguyên liệu tự nhiên là khí lò cốc COG. Khí thải được tạo thành do quá trình gia nhiệt phôi cán, quá trình sản sinh khí thải chủ yếu là do khí lò cốc từ thiết bị vòi đốt thổi ra phục vụ quá trình nung nóng, làm phôi cán đạt đến nhiệt độ thích hợp cho quá trình cán. Khí thải sinh ra sau quá trình nung nóng được dẫn theo đường ống dẫn khí kín và cách nhiệt dưới tầng hầm, sau đó theo các hệ thống đường khói, thiết bị trao đổi không khí nóng, thiết bị quá nhiệt hơi nước, ống khói, cuối cùng thải ra khí lớn. Lần chạy thử nghiệm này dự định thực hiện trong 42 ngày, sau quá trình vận hành thử nghiệm sẽ tiến hành kiểm tra các thiết bị không có bất thường mới có thể chính thức hoạt động. Tổng lượng khí đốt là 19,966 Nm3/giờ, mỗi ngày 24 giờ trong 42 ngày sẽ là 20,125,728 Nm3 khí lò cốc”, thuyết minh chạy thử thiết bị bảo vệ môi trường do Formosa nêu rõ. Cũng theo văn bản này, Formosa cho rằng lượng lớn khí thải ra phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật về khí thải công nghiệp gang thép của nước ta. Các yếu tố về nước, xyanua, phenol... cũng được nhắc đến trong kế hoạch vận hành thử nghiệm.
Chạy thử máy thiêu kết số 2 trong 6 tháng
Đến ngày 5.4, Bộ TN-MT tiếp tục nhận được văn bản của Formosa về thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm tổ máy khí đốt số 1 nhà máy điện thuộc bộ phận năng lượng. Nội dung của văn bản này nêu rõ, dự định ngày 10.4.2016 sẽ vận hành thử nghiệm tổ máy khí đốt số 1. Văn bản của Formosa chỉ nêu chung chung là “sẽ thải ra khói”.
Đến ngày 12.4, Formosa lại có thông báo kế hoạch vận hành thử máy thiêu kết số 2 của xưởng thiêu kết. Ngày 20.4, Bộ TN-MT nhận được văn bản này, nội dung nêu dự định ngày 19.4.2016, Formosa sẽ vận hành máy thiêu kết số 2 của xưởng thiêu kết bộ phận luyện gang sẽ thải ra khói đã được xử lý và sản sinh các chất thải nhưng không nêu rõ loại chất thải gì. Cụ thể, theo kế hoạch chạy thử gửi kèm, Formosa nêu máy số 2 của xưởng thiêu kết sẽ thử có tải nóng, dùng nguồn nhiên liệu là cốc, thời gian thử dự định trong 6 tháng. Lượng nhiên liệu đốt mỗi ngày là 806 tấn cốc...
Ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Tổng cục Môi trường, cho biết bản chất của việc vận hành thử nghiệm dây chuyền là sản xuất thử. Việc sản xuất thử này đương nhiên sẽ phát sinh ra chất thải, nếu không kiểm soát tốt sẽ có thể gây hại cho môi trường.
Một lãnh đạo Bộ TN-MT cho biết, trước thời điểm bắt đầu xảy ra hiện tượng cá chết ở biển Vũng Áng đầu tháng 4.2016, Formosa đã 7 lần gửi thông báo vận hành thử nghiệm các dây chuyền, hạng mục nhưng Tổng cục Môi trường không có phản hồi nào.
Cá chết mới yêu cầu cung cấp hồ sơ
Những tài liệu thu thập được thể hiện, sau khi xảy ra thảm họa, đến ngày 19.4.2016 Tổng cục Môi trường mới có văn bản do ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng ký, gửi Formosa thông báo “một số hạng mục và công trình bảo vệ môi trường gồm tổ máy số 1 của nhà máy điện và hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đã hết thời hạn vận hành thử nghiệm và đi vào hoạt động chính thức nhưng không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định”; đồng thời yêu cầu “khẩn trương báo cáo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường” để Bộ TN-MT xem xét.
Văn bản ngày 19.4.2016 của Tổng cục Môi trường cũng cho biết, có thông tin trên báo chí phản ánh có hiện tượng cá chết tại khu vực cửa biển Vũng Áng, trong đó có đề cập đến nguyên nhân môi trường biển bị thay đổi do có tác động từ Formosa. Và lúc này Tổng cục Môi trường mới yêu cầu Formosa dừng ngay việc vận hành thử nghiệm trái phép một số công trình bảo vệ môi trường tại dự án; thực hiện đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt...
Tiếp đó, khi hiện tượng cá chết xảy ra trên diện rộng ở biển miền Trung, đến ngày 13.5.2016, Tổng cục Môi trường mới có văn bản gửi Formosa yêu cầu cung cấp hồ sơ về thiết kế cơ sở, hồ sơ bản vẽ hoàn công công trình bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; biên bản bàn giao, nghiệm thu công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa vào sử dụng; kết quả kiểm định, kiểm chuẩn thiết bị quan trắc tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về cơ quan quản lý nhà nước theo quy định; thuyết minh, đánh giá hiệu quả xử lý các công trình bảo vệ môi trường đã thực hiện.
Thanh Niên đã liên hệ và đặt câu hỏi về những nội dung trên với ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhưng được chỉ sang liên hệ với ông Lê Văn Hợp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT). Tuy nhiên, ông Hợp chỉ ghi nhận câu hỏi và hứa sẽ hồi đáp sớm.
Phải tự thấy xấu hổ
Một lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết chức năng về kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường thuộc về Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường do ông Lương Duy Hanh làm Cục trưởng. Do vậy, khi Formosa gửi văn bản thông báo vận hành sản xuất thử mà không kịp thời phản ứng, kiểm tra, giám sát là sự tắc trách không thể thoái thác.
Đáng nói hơn là trước đó, ông Hanh cũng đã có đợt thanh tra Formosa và không phát hiện gì. “Không thể nói, khi thanh tra Formosa vào cuối tháng 6.2015 là vào giai đoạn xây dựng dự án, chưa đi vào vận hành nên khó quy trách nhiệm cho đoàn thanh tra. Với nhiệm vụ là thanh tra thì không thể lơ là giám sát bất cứ lúc nào, dù là giai đoạn xây dựng hay vận hành thử nghiệm. Phải tự thấy xấu hổ khi với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có chức năng thanh tra, bảo vệ môi trường mà để xảy ra thảm họa hủy hoại môi trường biển lớn như vậy”, một chuyên gia môi trường xin giấu tên nêu quan điểm.