(Tin Môi Trường) - Ngày 22.8, tại TP.Đông Hà (Quảng Trị), Bộ TN-MT, UBND tỉnh Quảng Trị, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã tổ chức hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Chủ trì hội nghị là ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN-MT. Ngoài ra, tham dự hội nghị còn có nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, lãnh đạo các bộ ngành T.Ư và lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Nhiều câu hỏi đang mong chờ được giải đáp trong hội nghị này - ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Tiếp tục giám sát Formosa
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Hồng Hà nhắc lại diễn tiến của sự cố cá chết ven biển miền trung do sự cố Formosa gây nên. Ông Hà đã cảm ơn nghĩa cử của người dân 4 tỉnh miền trung đã bền bỉ tin tưởng vào sự lãnh đạo, xử lý sự cố Formosa của Đảng, Chính phủ.
Ông Hà cho biết, ngay sau khi có sự cố cá chết bất thường, Bộ TN-MT đã huy động một lượng lớn chuyên gia trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực (môi trường biển, thủy văn, sinh vật học, hóa học...) vào cuộc làm rõ nguyên nhân, hậu quả.
Ông Hà cho rằng hội nghị lần này sẽ công bố cho người dân thông tin vùng biển nào sạch, vùng biển nào chưa sạch, ở đâu đã có thể nuôi trồng thủy sản...
Ông Hà mong rằng, sau hội nghị Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT sẽ cùng Bộ TN-MT có những bước đi tiếp theo phù hợp, công bố rộng rãi cho quần chúng nhân dân. Riêng Bộ TN-MT, ông Hà cho biết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa.
Chưa rõ đã ăn được cá hay chưa?
Hội nghị đã dành khoảng 1 giờ đồng hồ đầu tiên để GS.TS Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhóm trưởng nhóm chuyên gia do Bộ TN-MT huy động, báo cáo chung.
Theo GS.TS Nhuận, trong các tháng từ tháng 4 đến tháng 8, đoàn các nhà khoa học đã tiến hành nhiều bước khảo sát, lấy mẫu bằng các phương pháp tiên tiến để lấy số liệu đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh miền trung. Có trường hợp, các nhà khoa học phải lặn biển để lấy mẫu...
Nhận định ban đầu của nhóm khoa học này là tại vùng biển các tỉnh miền Trung vào tháng 4, 5 bị tác động tiêu cực. Cụ thể, có nhiều rạn san hô chết trắng, hàm lượng các chất độc (fenol, cianua...) vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, các loại cá rạn san hô hầu như chết hết...
Tuy nhiên, môi trường biển các tỉnh càng ngày càng tốt dần lên, cụ thể, theo kết quả của GS.TS Nhuận công bố thì đến tháng 7,8 hàm lượng các chất động trong nước đã giảm rất nhiều (có nơi giảm trên 90%) các rạn san hô đã không còn chết, độ che phủ tăng, các sinh vật bắt đầu xuất hiện trở lại... Hệ sinh thái biển đang được hồi phục dần.
Giáo sư tiến sĩ Mai Trọng Nhuận phát biểu - ẢNH: NGUYỄN PHÚC
GS.TS Nhuận đưa ra kết luận rằng:
Thứ nhất, các thông số môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định của Quy chuẩn việt nam 10- MT: 2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.
Thứ 2, vẫn còn một số khu vực có dòng xoáy cục bộ (Sơn Dương (Hà Tĩnh), phía Đông của Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Chà), khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn nên cần tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Thứ 3, Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ đất liền và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian.
Thứ 4, Hệ sinh thái rạn san hô, có biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã bắt đầu có sự hồi phục tích cực.
Về chất lượng hải sản đánh bắt, GS.TS Nhuận cho rằng theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ 28.4 đến 8.8 kêt quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền trung cho thấy: Hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian.
Tuy nhiên, ông Nhuận không cho biết hàm lượng chất ô nhiễm trong cá đã giảm như thế nào, đã ăn được chưa?