Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chùa Cầu lung linh trong đêm phố cổ Hội An - Ảnh: Hồng Hoàng Sơn
TS.KTS Lê Vĩnh An (trưởng khoa kiến trúc ĐH quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM, nguyên phó giám đốc Ban tư vấn bảo tồn di sản văn hóa Huế - Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn trùng tu di tích kiến trúc gỗ) cho rằng muốn giải quyết triệt để các vấn đề kỹ thuật của di tích đặc biệt này cần phải áp dụng biện pháp trùng tu hạ giải toàn phần.
* Vì sao biện pháp ưu tiên lại là hạ giải toàn phần?
- Năm 1994, chuyên gia Nhật Bản là GS S. Shigeru (Đại học Nihon, Nhật Bản) và bậc thầy của ông là GS Tanaka Fumio đã đặt vấn đề hạ giải toàn phần khi trùng tu công trình Hữu Tùng Tự - lăng hoàng đế Minh Mạng.
Vào thời điểm đó, ai cũng e ngại vì sợ tháo ra rồi không lắp lại được, vấn đề vật liệu thay thế, và vì khoa học bảo tồn đối với Việt Nam cách đây 20 năm còn quá mới mẻ.
Nhật Bản có 100 năm kinh nghiệm về bảo tồn trùng tu di tích kiến trúc gỗ và đạt kết quả rất tốt nên việc áp dụng biện pháp trùng tu này đối với công trình đầu tiên ở di tích Huế được tiến hành rất bài bản, từ khâu khảo sát nghiên cứu, tiến hành trùng tu hạ giải đến khâu lập báo cáo khoa học và tư liệu hóa di sản sau khi trùng tu.
Kết quả thuyết phục được các cấp lãnh đạo và giới chuyên môn. Từ đó đến nay, ở di tích Huế hầu như không còn trùng tu cục bộ nữa vì nó không giải quyết triệt để các vấn đề kỹ thuật.
Biện pháp này chuyển thành hạng mục “chống đỡ cấp thiết”. Và biện pháp ưu tiên là hạ giải toàn phần...
Chùa Cầu Hội An cũng tương tự như vậy, hạ giải toàn phần để trùng tu là biện pháp cần thiết. Với sự xuống cấp như hiện nay, tôi cho rằng trong lần trùng tu này, hạ giải toàn phần sẽ là cơ hội tốt để nghiên cứu kỹ thuật xây dựng của người xưa, và can thiệp một cách triệt để làm cho công trình “cường tráng hơn” nhưng vẫn giữ được những giá trị cơ bản của một di tích kiến trúc lịch sử.
Du khách đến chùa Cầu - Ảnh: Hoàng Văn Thủy
* Có nhiều ý kiến lo ngại chùa Cầu sẽ bị biến dạng, biến di tích 400 tuổi thành 1 tuổi, như đã từng thấy trong các “sự cố”
trùng tu...
- Ý kiến ấy rất đáng suy ngẫm trong tình hình trùng tu ở Việt Nam hiện nay. Song, xin khẳng định thêm rằng công việc tu bổ bằng phương pháp hạ giải toàn phần này là tối ưu, nhưng kèm theo nó là tiềm tàng những mối nguy hại có thể phá hỏng di tích.
Theo tôi, vấn đề cần đặt ra trước hết là công tác khảo sát hiện trạng trước lúc trùng tu. Nếu không khảo sát kỹ hiện trạng thì khó có thể kết luận chính xác nguyên nhân hư hỏng. Thông thường công tác này được thực hiện rất qua loa, chỉ mang tính chất thủ tục hành chính, làm cho có...
Công tác điều tra hạ giải trong quá trình trùng tu là bước tiếp theo cũng nằm trong hạng mục khảo sát di tích.
Việc khám nghiệm chi tiết từng cấu kiện hạ giải sẽ giúp hiểu được quá trình biến đổi di tích qua các lần trùng tu, xác định được chính xác nguyên nhân hư hỏng, định lượng tỉ lệ phần trăm giá trị nguyên gốc còn lại sau khi trùng tu để từ đó có giải pháp trùng tu phù hợp. Nói cách khác, công tác tư liệu hóa di sản không thể không thực hiện nghiêm túc.
* Nhưng đó mới là thao tác đầu tiên. Trên thực tế, nguy cơ tiềm tàng phá hỏng di tích không chỉ nằm ở bước đi ban đầu đó?
- Với tâm lý nhanh, dễ, an toàn, bền đẹp trong trùng tu di sản kiến trúc sẽ dẫn đến việc thay mới ồ ạt các cấu kiện gốc của công trình, hoặc không cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định vật liệu thay thế hoặc áp dụng kỹ thuật.
Khoa học bảo tồn hiện nay cho phép áp dụng công nghệ mới nhưng rất hạn chế, chỉ được áp dụng cho những hạng mục công việc không cấu thành nên giá trị di sản, còn biểu hiện bề mặt hoàn thiện công trình thì cần tuyệt đối tuân thủ công nghệ xây dựng truyền thống.
Bên cạnh đó còn là mối lo “tô son trát phấn” làm trẻ hóa và rẻ hóa di tích.
Đối với trường hợp chùa Cầu, đây là di tích kiến trúc gỗ có giá trị văn hóa, lịch sử và hiện tượng giao lưu kỹ thuật rất hiếm có ở Việt Nam.
Những yếu tố kỹ thuật nào của người Nhật, người Minh Hương (Trung Quốc), người Việt thời nhà Nguyễn khi xây dựng hoặc tu bổ công trình này còn được lưu giữ ở đây?
Màu thời gian và dấu ấn lịch sử nào cần được bảo tồn là điều các nhà chuyên môn cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Nếu không, sự lo ngại về công trình 400 tuổi chỉ còn lại 1 tuổi là điều khó tránh khỏi.
Nhóm nghệ sỹ kiếm Samurai Kamui trình diễn trước chùa Cầu trong chương trình giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần 10 -2012 - Ảnh tư liệu
* Ông Nguyễn Sự (nguyên bí thư Thành ủy
Hội An): Đụng vào chùa Cầu phải hết sức cẩn trọng
Việc hạ giải toàn bộ chùa Cầu sẽ có nguy cơ biến dạng bởi nhiều chi tiết làm thủ công, nếu tháo dỡ sẽ xáo trộn di tích. Tôi đặt vấn đề này với những người tham dự hội thảo hôm đó, họ trả lời rằng với khoa học hiện đại có thể làm được.
Nhưng đó là nói vậy thôi, còn làm được hay không là vấn đề khác. Không khéo trùng tu xong thì di tích không còn là chính nó nữa mà là làm mới di tích 400 tuổi thành di tích vài tuổi.
Chỉ nên áp dụng phương án hạ giải toàn bộ khi có khảo sát cụ thể và có phương án kỹ thuật đảm bảo chắc chắn bảo tồn được nguyên gốc và tính chân xác. Muốn làm được điều này phải mất hàng chục năm. Trong thời gian đó có thể cấp cứu những phần xuống cấp trước.
Chùa Cầu có giá trị rất lớn, tạo nên diện mạo của Hội An, do đó đụng tới chùa cầu phải hết sức cẩn trọng.
* Ông Nguyễn Văn Dũng
(chủ tịch UBND TP Hội An, Quảng Nam): Phải nghe thêm để có
giải pháp tốt nhất
Tại hội thảo vừa rồi các nhà khoa học đưa ra hai giải pháp cho chùa Cầu, một là tu sửa từng phần và hai là hạ giải toàn bộ. Tỉnh Quảng Nam và TP Hội An tiếp thu tất cả ý kiến, tập hợp các ý kiến để tham mưu cho UBND tỉnh mời một đoàn chuyên gia tiến hành khảo sát lại thực trạng chùa Cầu. Sau đó sẽ tổ chức tiếp các cuộc hội thảo để có những giải pháp tiếp theo. Hội An sẽ làm rất thận trọng, hết sức cẩn thận để làm thế nào giữ nguyên gốc mức cao nhất.
"Cụ Cầu hễ bị bệnh nhẹ thì phải chữa trị, tránh can thiệp sâu. Còn nếu khám bệnh thật kỹ, xét cần chữa trị triệt để thì cũng phải làm. Nhưng động cơ chọn phương pháp can thiệp phải là từ căn bệnh chứ không thể là quy mô đầu tư cho dự án. Phải nhớ rằng trùng tu di tích là làm cho ông già khỏe ra chứ không phải làm cho ông già trẻ ra!"- GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính