(Tin Môi Trường) - Khó ai tin nổi một dự án lớn như Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) nhưng chỉ được thanh tra trong nửa ngày và chẳng bao lâu sau thì xảy ra thảm họa môi trường.
Một góc dự án Formosa Hà Tĩnh.-ẢNH: NGUYÊN DŨNG
Khó ai tin nổi một dự án lớn như Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) nhưng chỉ được thanh tra trong nửa ngày và chẳng bao lâu sau thì xảy ra thảm họa môi trường.
Đến nay, cơ quan chức năng đã tìm ra thủ phạm làm cá chết, thảm họa hủy hoại môi trường tại biển 4 tỉnh miền Trung. Formosa cũng thừa nhận và cam kết bồi thường 500 triệu USD, nhưng trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Formosa vẫn chưa được làm rõ xử lý.
Thanh tra cho có
Tuy nhiên, theo nguồn tin, trước khi thảm họa ô nhiễm môi trường xảy ra không lâu, đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường đã vào thanh tra Formosa trong… nửa ngày và đưa ra kết luận chung chung.
Nội dung thanh tra được công bố tại Sở TN-MT Hà Tĩnh là thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của Formosa; tiến hành lấy mẫu giám định các nguồn chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất của Formosa; xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Formosa theo quy định của pháp luật nếu phát hiện.
Biên bản thanh tra ngày 24.6.2015 của đoàn thanh tra do ông Lương Duy Hanh làm trưởng đoàn có nhiều nội dung trùng khớp với kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường ban hành ngày 22.1.2016 do ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ký ban hành dài 3 trang, bên dưới mỗi trang đều có chữ ký nháy của ông Lương Duy Hanh.
Theo nội dung kết luận này, Formosa đầu tư 3 hạng mục: nhà máy gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm, nhà máy điện công suất 650 MW và cảng Sơn Dương, bắt đầu triển khai từ 2008, dự kiến hoàn thành năm 2017. Tại thời điểm thanh tra, Formosa đang vận hành thử nghiệm đối với nhà máy điện (tổ hợp đốt than số 1, công suất 150 MW) và trạm xử lý nước thải công nghiệp nhà máy gang thép từ 17.2.2015; đã đưa 2 bến S1, W1 trong số 13 bến thuộc cảng Sơn Dương vào hoạt động chính thức từ tháng 4.2015.
Kết luận của Tổng cục Môi trường cho biết dự án của Formosa đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và được phê duyệt. Formosa cũng đã thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ theo quy định; đã được cấp phép xả thải vào nguồn nước; được Sở TN-MT Hà Tĩnh cấp sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại; đã kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đến quý 1/2015; đã lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho nhà máy điện và gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh nhưng chưa được phê duyệt, chưa lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho cảng Sơn Dương...
Về chất thải rắn thông thường, kết luận thanh tra có nêu, chủ yếu là chất thải sinh hoạt với số lượng trung bình khoảng 63,4 tấn/tháng. Số chất thải này được thu gom và chuyển cho Công ty CP tư vấn xây dựng - quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh xử lý. Tuy nhiên, đây chính là công ty do ông Lê Quang Hòa làm giám đốc vừa bị phát hiện chôn lấp trái phép hơn 300 tấn chất thải trong trang trại của gia đình. Thành phần chất thải đã được Bộ TN-MT lấy mẫu, phân tích và công bố chứa xyanua vượt ngưỡng cho phép.
Lập lờ để giảm nhẹ vi phạm
Chi tiết rất đáng chú ý là Formosa để xảy ra tràn dầu liên tiếp vào tháng 4 và tháng 5.2015, nhưng trong nội dung biên bản thanh tra do ông Lương Duy Hanh làm trưởng đoàn cũng như kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường chỉ nhắc phớt qua.
Ảnh: C.T.V
Cũng theo kết luận thanh tra, nơi lưu giữ phế liệu thuộc khu vực thi công cảng Sơn Dương, chất thải nguy hại để lẫn với chất thải thông thường, chưa đăng ký bao bì bằng kim loại, bao bì bằng nhựa nhiễm thành phần chất thải nguy hại trong sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Một số chuyên gia về môi trường cho rằng với những lỗi này, lẽ ra đoàn thanh tra phải kết luận đây là điểm vi phạm nghiêm trọng nhưng lại chỉ được đề cập chung chung, hời hợt. Hay chi tiết, tính đến thời điểm giữa năm 2015, Formosa đã tiêu thụ 9.000 tấn than, từ đó sẽ sinh ra lượng chất thải rắn rất lớn. Nhưng, đoàn thanh tra hoàn toàn không đề cập đến số chất thải được đưa đi đâu, xử lý thế nào. Ngay trong phần “Các yêu cầu đối với công ty”, kết luận thanh tra chỉ nêu chung chung “thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...”, được các chuyên gia cho là thanh tra cho có, hình thức, không hiệu quả.
Theo kết luận thanh tra, về tình hình quản lý và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, “công ty đã xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải. Sau khi có kết quả thanh tra, công ty đã khắc phục các tồn tại: phân loại chất thải nguy hại, khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại của công ty đã được gắn biển cảnh báo, dán nhãn chất thải nguy hại theo quy định”.
Sau khi thảm họa hủy hoại biển miền Trung xảy ra, nhiều bộ ngành, nhà khoa học được huy động vào cuộc đã tìm ra nguyên nhân do Formosa xả thải có chứa phenol và xyanua ra biển. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau sự cố ô nhiễm môi trường, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện ra 53 vi phạm của Formosa. Trong đó, vi phạm nghiêm trọng nhất là tự ý thay đổi công nghệ luyện cốc từ dập cốc khô sang dập cốc ướt. Quá trình dập cốc ướt đã phát sinh chất độc được thải ra biển gây chết cá. Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, nếu đoàn thanh tra do ông Lương Duy Hanh làm chặt chẽ, có trách nhiệm, theo đúng quy trình, có thể thảm họa biển miền Trung đã không xảy ra.
Tháng 5.2015, Bộ TN-MT có quyết định cử ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường làm trưởng đoàn thanh tra công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại một số tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh. Đoàn thanh tra có nhiều thành phần là cán bộ thuộc Tổng cục Môi trường, Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, cùng với đầy đủ các bên liên quan ở địa phương. Người ký quyết định là ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT. Tại Hà Tĩnh, có gần 20 đơn vị thuộc diện thanh tra, trong đó có Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa).