Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa: TL
*Phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế
Thống kê của UBND tỉnh Phú Yên cho thấy, tính đến hết tháng 7/2016, ngoài xảy ra một vụ cháy rừng trồng thiệt hại gần 11 hecta, ngành kiểm lâm đã lập biên bản và xử lý 306 vụ vi phạm lâm luật, tăng 53 vụ so cùng kỳ năm trước, chủ yếu là phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép từ các tỉnh Tây Nguyên xuống Phú Yên.
Đáng chú ý có 26 vụ phá rừng với diện tích thiệt hại hơn 131 hecta. Nghiêm trọng nhất là vụ phá rừng tự nhiên và lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra vào cuối tháng 4 vừa qua với diện tích gần 110 hecta tại xã vùng cao Phú Mỡ thuộc huyện miền núi Đồng Xuân; trong đó 27,5 hecta rừng với trạng thái thực bì rất dày. Một số loại gỗ như: Cầy, Giẻ, Cồng, Chò… đang tái sinh phát triển tốt. Còn lại 81,2 hecta là đất trống lâm nghiệp; trong đó có 21,6 hecta được quy hoạch chức năng phòng hộ xung yếu. Phần diện tích này do Ủy ban nhân dân xã Phú Mỡ quản lý, đang được quy hoạch cho một doanh nghiệp để trồng rừng.
Phân tích về nguyên nhân phá rừng, ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “Do nhu cầu đất để trồng rừng, chủ yếu là cây keo. Vài năm gần đây, gỗ cây keo có giá, nhân dân đổ xô phát dọn đất lâm nghiệp trước đây từng sản xuất nương rẫy để trồng rừng, nhưng chưa được chính quyền cho phép. Những diện tích này, nay phần lớn đã phục hồi thành rừng”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng tự nhiên là do quy hoạch không còn phù hợp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, việc quy hoạch 3 loại rừng ở địa phương này có từ năm 2007 và được áp dụng cho tới nay. Qua gần 10 năm, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được điều chỉnh; trong khi những diện tích được xếp vào rừng nghèo trước kia, nay đã tái sinh với nhiều loài gỗ đường kính từ 20 cm trở lên; thảm thực vật, hệ động vật dưới tán rừng đã phát triển đa dạng và phong phú. Thế nhưng, các ngành chức năng của tỉnh Phú Yên gần như phớt lờ chuyện này, hoặc không kiểm tra, thẩm định thực tế kỹ lưỡng, mà quyết định cho thực hiện các dự án trồng rừng hoặc các dự án khác, gây phá rừng tự nhiên đã và đang tái sinh. Đây cũng là căn nguyên dẫn đến nhiều người dân lợi dụng, phân bì, đổ xô phá rừng chiếm đất.
Bên cạnh đó, do đời sống người dân sống gần rừng còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, thiếu đất sản xuất nên bị một số đối tượng lợi dụng thuê mướn, xúi giục tham gia phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Công tác giao đất cho dân để phát triển lâm nghiệp còn nhiều bất cập, diện tích giao đúng với thực địa nên khi phát dọn thực bì trồng rừng dễ dẫn đến nhiều sai phạm. Trong khi đó, chính quyền xã chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về rừng nhất là những diện tích đã được UBND tỉnh Phú Yên thu hồi và giao lại cho các xã quản lý để lập thủ tục giao cho dân.
*Chú trọng bảo vệ rừng giáp ranh
Để ngăn chặn nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, ngoài chỉ đạo kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm, tỉnh Phú Yên đang tăng cường bảo vệ rừng; trong đó đặc biệt chú ý đến giải pháp bảo vệ rừng vùng giáp ranh với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Khánh Hòa.
Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch HĐND huyện Sông Hinh cho biết, từ năm 2013, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh đã phối hợp với các đơn vị như Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh và Ban quản lý Rừng phòng hộ Hòn Vọng Phu (tỉnh Đắk Lắk) xây dựng quy chế phối hợp trong tuần tra bảo vệ rừng, thường xuyên thông tin những dấu hiệu vi phạm và phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng; tuyên truyền trong dân các quy định về quản lý và bảo vệ rừng; bước đầu vận động 365 hộ dân ký cam kết không phá rừng. Nhờ vậy đã hạn chế tình trạng phá rừng giáp ranh.
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng đang thực hiện có hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ môi trường rừng với mục đích thu tiền từ những tổ chức, cá nhân có sử dụng rừng để sản xuất, kinh doanh (thủy điện, nước sinh hoạt, du lịch….); qua đó sử dụng số tiền trên bù đắp lại cho các chủ rừng.
Tỉnh Phú Yên hiện có 52.466 hecta rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chiếm 32% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Diện tích rừng nói trên do 22 tổ chức, doanh nghiệp và trên 500 hộ quản lý, chăm sóc đã được hưởng kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng.
Theo ông Lương Minh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, tới đây, UBND tỉnh sẽ cùng với các ban, ngành liên quan tăng cường lực lượng tuần tra, lập các chốt để bảo vệ rừng để giữ nguồn nước đầu nguồn cho địa phương, vừa đáp ứng được yêu cầu vừa bảo vệ được môi trường, sinh thái.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, qua thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần duy trì độ che phủ của rừng và cải thiện môi trường sinh thái; diện tích rừng được bảo vệ, chăm sóc và cung ứng dịch vụ môi trường rừng cũng tăng từ 38.700 hecta lên 52.466 hecta, đồng thời giảm hẳn tình trạng vi phạm lâm luật.
Đặc biệt, liên quan đến những vụ phá rừng đã phát hiện, Công an tỉnh Phú Yên cũng đang phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương điều tra, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đối tượng tham gia phá rừng, nhất là đối tượng chủ mưu cần đầu tham gia phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.