Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu nước uống đóng chai mà người dân vẫn quen gọi là nước suối, được đóng gói vào chai nhựa hay thủy tinh với nhiều kích thước khác nhau từ nhỏ (330ml) đến lớn (21 lít). Thực ra, nước uống đóng chai bao gồm ba loại: nước khoáng, nước suối và nước tinh khiết, được phân loại dựa trên thành phần khoáng chất, nguồn sản xuất và giá trị sử dụng. Các loại nước này đều không chứa đường, các chất tạo ngọt hay các chất tạo hương cũng như các thành phần tạp chất khác.
Cần lưu ý rằng nước tinh khiết đóng chai không phải là “nước máy đóng chai”-Ảnh minh họa: TL
Nước tinh khiết không có thành phần vi khoáng, chủ yếu lấy từ nguồn nước giếng khoan hoặc nước máy. Cần lưu ý rằng nước tinh khiết đóng chai không phải là “nước máy đóng chai”. Loại nước này được sản xuất thông qua các phương pháp xử lý như chưng cất, khử ion, thẩm thấu ngược hoặc các phương pháp phù hợp khác… để loại bỏ các ion cũng như tẩy trùng, khử mùi. Sản phẩm sau cùng cần phải đạt tiêu chuẩn cho phép về các chỉ tiêu của nước tinh khiết và được đóng chai trong điều kiện hợp vệ sinh.
Nước suối nằm trong các tầng địa chất đặc biệt, bắt nguồn từ các mạch nước ngầm nơi nước chảy tự nhiên qua bề mặt trái đất, có chứa các khoáng chất có lợi cho sức khỏe nhưng hàm lượng không cao và không ổn định. Nước suối phải được khai thác và đóng chai tại nguồn, không qua các phương pháp xử lý làm ảnh hưởng thành phần mà chỉ sử dụng các biện pháp khử trùng đảm bảo nước không bị nhiễm khuẩn. Nói chung, có thể định nghĩa nước suối là nước thiên nhiên tiệt trùng.
Nước khoáng có hàm lượng khoáng cao và tương đối ổn định, có chứa không ít hơn 250ppm tổng chất rắn hòa tan, được khai thác và đóng chai ngay tại nguồn suối khoáng tương tự như nước suối. Ngoài công dụng nước uống, nước khoáng còn cung cấp nhiều nguyên tố vi lượng tốt cho sức khỏe, giúp chữa bệnh và làm đẹp. Từ xa xưa, nhiều người đã tin rằng nước lấy từ các vùng suối khoáng có các đặc tính chữa bệnh và tắm trong dòng nước này cũng giúp điều trị rất nhiều bệnh thông thường.
Có thể nhận thấy, ba loại nước uống đóng chai này đều trong suốt, không màu nên rất khó phân biệt bằng mắt thường. Tuy nhiên, do trong nước khoáng có một hàm lượng CO2 nhất định nên thường xuất hiện các hạt khí nhỏ khi lắc nhẹ. Nước khoáng thường cũng có vị hơi mặn, ngọt và cảm giác mát lạnh, tê tê đầu lưỡi. Còn nước tinh khiết thì không mùi, không vị.
Ở nước ta, cả ba loại nước này đều được quản lý nghiêm ngặt, đảm bảo tuân thủ theo Thông tư 34/2010/TT-BYT ngày 02/06/2010 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai của Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ 01/01/2011, quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai được sử dụng với mục đích giải khát. Thông tư cũng quy định trên nhãn hàng hóa của nước khoáng thiên nhiên đóng chai bắt buộc phải có dòng chữ “Nước khoáng thiên nhiên” kèm theo tên nguồn nước khoáng và thành phần hóa học, và phải ghi “Sản phẩm không sử dụng cho trẻ em dưới 7 tuổi” nếu có hàm lượng fluorid > 1.5mg/l. Nước tinh khiết không được đặt tên có kèm chữ “nước thiên nhiên” hay “nước khoáng”. Vì vậy, khi mua nước, người tiêu dùng nên đọc kỹ nhãn, địa chỉ sản xuất để phân biệt các loại nước này.
Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất nước uống đóng chai cần phải tuân thủ theo Nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ Quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, đảm bảo các yêu cầu về địa điểm xây dựng cũng như yêu cầu về nguồn nước sử dụng trong sản xuất nước uống đóng chai, đảm bảo chất lượng nước phù hợp với quy định về chất lượng nước ăn uống; các nguồn nước do cơ sở khai thác phải được kiểm tra và bảo đảm phù hợp với quy định về chất lượng ít nhất 12 tháng/lần.
Rõ ràng chính phủ đã có những yêu cầu nghiêm ngặt đối với nước uống đóng chai từ các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh đến quy trình súc rửa và đóng chai, nhưng vẫn không tránh khỏi một số lượng lớn các sản phẩm nước đóng chai không đạt chất lượng, đặc biệt là sản phẩm của các cơ sở sản xuất nhỏ. Nhiều đơn vị chỉ dừng lại ở mức độ xử lý lắng lọc và khử trùng đơn giản bằng ozone hoặc tia cực tím, không đảm bảo loại hết các ion cũng như diệt hết được vi khuẩn trong nước. Các loại nước không tinh khiết này chắc chắn gây hại cho sức khỏe con người.
Tuy nhiên, nước quá tinh khiết cũng không tốt. Chúng ta không nên lạm dụng nước tinh khiết vì theo thời gian, cơ thể sẽ thiếu khoáng chất do các loại nước này đã được loại bỏ hết các thành phần khoáng chất thông thường trong nước. Tương tự như vậy, uống nước khoáng trong thời gian dài cũng gây ra hiện tượng thừa khoáng. Nói chung, nếu bạn chọn uống nước đóng chai hàng ngày, bạn cần hỏi thăm ý kiến của bác sĩ để đảm bảo bạn đang uống nước đúng cách.
Theo quy định trên nhãn hàng hóa của nước khoáng thiên nhiên đóng chai bắt buộc phải có dòng chữ “Nước khoáng thiên nhiên” kèm theo tên nguồn nước khoáng và thành phần hóa học, và phải ghi “Sản phẩm không sử dụng cho trẻ em dưới 7 tuổi” nếu có hàm lượng fluorid > 1.5mg/l. Nước tinh khiết không được đặt tên có kèm chữ “nước thiên nhiên” hay “nước khoáng”. Vì vậy, khi mua nước, người tiêu dùng nên đọc kỹ nhãn, địa chỉ sản xuất để phân biệt các loại nước này.