Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cà phê hay chất độc? Tin mới nhất

(19:13:28 PM 25/07/2016)
(Tin Môi Trường) - Nhiều thương hiệu có tiếng trên thị trường như Wake up, G7, Phương Vy, Nescafe… đang sử dụng đậu nành để chế biến cà phê, nhưng không công bố liều lượng cụ thể. Người tiêu dùng không biết mình đang uống gì, bột cháy hay hóa chất.

Cà phê hay chất độc?
Nhiều SP tỷ lệ cà phê hòa tan trong đó rất hạn chế - Ảnh: Internet


Cà phê thật: chỉ 1-2%

Theo khảo sát riêng của phóng viên báo Phụ Nữ, rất nhiều sản phẩm (SP) cà phê, đặc biệt là cà phê hòa tan trên thị trường của các nhà sản xuất trong và ngoài nước có thành phần đậu nành. Nhiều SP tỷ lệ cà phê hòa tan trong đó rất hạn chế (trên dưới 10%), lượng cafein chỉ xấp xỉ 2%, trong khi hương cà phê tổng hợp, chất tạo ngọt hầu như SP nào cũng có.

Tỷ lệ đậu nành trong cà phê được mỗi nhà sản xuất công bố trên bao bì theo cách khác nhau, nếu không chú ý, người mua sẽ khó nhận biết. Chẳng hạn, SP cà phê hòa tan mang nhãn hiệu Phương Vy, của Công ty TNHH cà phê trà Phương Vy, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) dù công bố thành phần cà phê Moka chiếm tới 90%, còn lại là đậu nành, bơ, hương cà phê tổng hợp… nhưng hàm lượng cafein trên bao bì chỉ >1%. SP cà phê hòa tan Wake up Sài Gòn có bảng thành phần dài dằng dặc nhưng cà phê hòa tan lại xếp sau hàng loạt những thành phần khác như: bột kem thực vật, chất ổn định, chất nhũ hóa...

Cà phê G7 của Trung Nguyên chọn cách công bố thành phần đậu nành khéo léo hơn, khi không xếp đậu nành vào thành phần chính (bao gồm: đường; maltodextrin, cà phê hòa tan 15%, muối, chất điều chỉnh độ chua, hương cà phê tổng hợp, chất tạo ngọt tổng hợp). Đậu nành được đưa vào mục thông tin cảnh báo “SP có chứa đậu nành” mà không có con số cụ thể.

Ông Hoàng Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Công ty Nescafe cho biết, SP Nescafe hòa tan của công ty được chia làm nhiều loại, có loại 100% là cà phê nguyên chất hòa tan, cũng có loại là hỗn hợp pha trộn, sở dĩ như vậy là đáp ứng gu của người sử dụng.

Không cấm vì chưa có quy chuẩn?

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn quốc gia cho SP cà phê. Do khi xây dựng quy chuẩn quốc gia cho mặt hàng này, các tiêu chuẩn dựa vào Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm (Codex) của Liên Hiệp Quốc nhưng Codex lại không có quy chuẩn cho cà phê. Do vậy, Bộ Y tế đành tham khảo bộ quy chuẩn cho SP cà phê của Thái Lan, nhưng có một số vấn đề chưa thống nhất nên đến nay chưa thể đưa ra bộ quy chuẩn.

Phải chăng, vì chưa có quy chuẩn và cũng không cấm dùng bắp, đậu nành… trộn với cà phê nên các doanh nghiệp lớn nhỏ dù công bố có thành phần bột đậu nành trong đó, nhưng không doanh nghiệp nào công bố chi tiết tỷ lệ? Theo kết quả khảo sát mới nhất của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), hàm lượng cafeine trong 253 mẫu cà phê tại bốn địa phương lớn trong cả nước, trong đó có TP.HCM cho thấy, rất nhiều mẫu cà phê chứa cafein rất ít, thậm chí không có.

Thượng úy Đinh Văn Mạnh, Đội phó đội 3, phòng 7, Bộ Công an cho biết, nhiều cơ sở chế biến cà phê “bẩn” bị phát hiện dùng 100% nguyên liệu đậu nành, trong khi trên nhãn mác, bao bì vẫn công bố là cà phê nguyên chất để đánh lừa người tiêu dùng. Đậu nành được các cơ sở này tẩm ướp các hóa chất, hương liệu không được phép sử dụng, không rõ nguồn gốc như: đường hóa học, thuốc các loại, chất bảo quản… đa phần có nguồn gốc từ nơi mua bán hóa chất sôi động của TP.HCM là chợ Kim Biên.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, tại TP.HCM, cà phê được tiêu thụ rất nhiều, nhưng trên nhãn SP lại không công bố thành phần, tỷ lệ. Đây là sự gian lận. Nhiều nước cũng pha trộn thêm thành phần vào cà phê nhưng họ công khai, minh bạch các thành phần để người tiêu dùng có quyền quyết định sử dụng hay không.

Một số chủ cơ sở rang xay, chế biến cà phê thừa nhận rằng, bản thân bắp, đậu nành không phải là chất độc, nhưng quá trình chế biến (rang cháy) có thể sinh độc tố. Vì vậy, vấn đề không phải ở chỗ cà phê trộn hay không trộn, quan trọng là thứ trộn vào cà phê có đảm bảo chất lượng, có là chất được phép sử dụng hay không.

Thư Hùng/PNO