Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tượng đá là pho tượng nàng Biang theo truyền thuyết địa phương, được tạo hình với bộ ngực trần. Còn sàm sỡ là hành động của một người đàn ông đang rướn người trèo lên và ngoạm vào ngực pho tượng.
Từ một bức ảnh được đưa lên facebook, cảnh “sàm sỡ” ấy gây nên phản ứng vô cùng gay gắt của cộng đồng. Để rồi, chỉ vài ngày sau, nhân vật chính của câu chuyện nhanh chóng được tìm ra: một cán bộ của huyện Vụ Quang (Hà Tĩnh) vừa có chuyến thăm Đà Lạt trước đó.
1. Bức tượng nàng Biang được dựng tại đỉnh Lang Biang, bên cạnh tượng chàng Lang. Theo truyền thuyết, đó là đôi nam nữ yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì những tục tập khắt khe trong các bộ tộc của mình. Có nghĩa, đó là một sản phẩm văn hóa, gắn với sự tôn vinh các giá trị cao quý của con người.
Nhưng, dù là một bức tượng bình thường, thay vì biểu trưng của những huyền tích dân gian, cũng không gì có thể biện minh cho hành động của người “sàm sỡ” tượng. Bởi, về bản chất, những bức tượng ngoài trời luôn ra đời với mục đích thẩm mỹ và hướng tới không gian chung của cộng đồng. Ở đó, không có chỗ cho những hành động chỉ được phép xuất hiện trong phòng ngủ.
Cán bộ huyện có hành vi thiếu văn hóa trước tượng nàng Biang gây bức xúc dư luận. Ảnh: FB
Trước câu chuyện của vị cán bộ huyện Vụ Quang, chúng ta cũng nhiều lần nhắc tới những trường hợp tương tự - khi mà chỉ từ một vài bức ảnh được “khoe” trên facebook với mục đích lưu niệm, người xem đã thấy... vô cùng thiếu thiện cảm với nhân vật trong hình. Điển hình, vài năm trước, một số nam sinh, nữ sinh mặc quần cộc, “kẹp ba” cưỡi lên cụ rùa Văn Miếu để tạo dáng chụp ảnh cũng đã từng gây cơn phẫn nộ đặc biệt trên không gian mạng.
Và hình như, những câu chuyện kiểu này cũng không phải chỉ diễn ra riêng trong tại các không gian công cộng của chúng ta. Tại Trung Quốc, vào cuối 2015, ban quản lý suối nước nóng Hoa Thanh (Tây An) đã phải treo hẳn một tấm biển yêu cầu du khách có sự văn minh tối thiểu khi chụp ảnh. Lý do: bức tượng ngực trần của Dương Quý Phi tại đây cũng thu hút vô vàn kiểu chụp ảnh khiếm nhã và sàm sỡ của những người tới tham quan.
Tương tự, bức tượng vợ Hạ Vũ (tại Vũ Hán) của họ chỉ có một bên ngực trần, nhưng cũng bị du khách sờ nhiều tới mức biến màu.
2. Trong cuộc sống ngày thường, sẽ là… thần kinh, nếu có ai tự dưng “sàm sỡ” một bức tượng đá, nhất là ở nơi không có người qua lại. Và, tất cả những câu chuyện “quấy rối” các bức tượng mà chúng ta vừa kể đều có một kịch bản chung: diễn ra chỉ trong khoảnh khắc, khi người ta muốn chụp một bức ảnh kỷ niệm cho mình.
Nghĩa là, những người mắc vào cái lỗi ấy đều là các cá nhân bình thường trong suy nghĩ cũng như hành động. Chỉ có điều, khi say mê “tạo ấn tượng” cho bức ảnh của mình, họ lại cho thấy sự bốc đồng, hoặc tệ hơn là thiếu nhận thức về văn hóa.
Có lẽ, đa phần trong số chúng ta ít nhất trong cuộc đời mình cũng đã hơn một lần có những phút bốc đồng và để lại cảm giác lố bịch với người khác theo cách nào đó. Có điều, nếu may mắn, sự thiếu suy nghĩ ấy chỉ diễn ra trước một số ít người, và theo thời gian sẽ trôi vào quên lãng, khi chúng ta dần có sự chín chắn hơn.
Nhưng, với sự bùng nổ của mạng xã hội (và kèm theo đó là những chiếc smartphone có chức năng chụp ảnh), thì câu chuyện không còn đơn giản như vậy nữa. Chỉ cần một cú click chuột, những sai lầm của một ai đó rất dễ được toàn xã hội “soi” vào, và mổ xẻ. Thậm chí, theo thời gian, những “bia miệng” quanh câu chuyện ấy vẫn sẽ tồn tại mãi trong không gian mạng, như một “án tích” không dễ gì xóa đi.
Trở lại câu chuyện “sàm sỡ” tượng đá. Ở thời điểm hiện tại, “nhân vật chính” đã lên tiếng xin lỗi và bày tỏ… cảm giác xấu hổ khi nhìn lại hành động của mình. Chí ít, câu chuyện ấy cũng lại một lần nữa nhắc chúng ta: trong thời buổi của mạng internet và smartphone, hãy suy nghĩ thêm một chút, trước khi định làm một hành động “khác người” nơi công cộng.