Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Lai Châu cần xây dựng phương án phòng chống thiên tai phù hợp với từng địa bàn -Ảnh minh họa: TL
Lai Châu là một trong các tỉnh vùng núi chịu ảnh hưởng sâu sắc của thời tiết cực đoan, trái quy luật với mức độ và sức tàn phá ngày càng lớn. Địa bàn rộng, dân cư thưa, tập quán sinh hoạt, canh tác của người dân và sự khắc nghiệt của thiên tai đã gây ra những hậu quả nặng nề. Trong năm 2015, gió lốc và mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh làm 11 người chết, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện bị sạt lở, hư hỏng; thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân ước tính trên 130 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm 2016, tình hình thiên tai tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều đợt rét đậm, rét hại, băng tuyết, mưa đá, gió lốc hoành hành tại nhiều địa phương trong tỉnh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, thiên tai đã làm 2 người chết, 30 người bị thương, hơn 4.360 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng, với tổng thiệt hại ước tính trên 27,4 tỷ đồng.
Tỉnh Lai Châu kiến nghị Trung ương hỗ trợ cho tỉnh về kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; lập bản đồ quy hoạch chung toàn quốc, trong đó "đánh dấu đỏ" các địa phương có nguy cơ cao xảy ra thiên tai để giao chỉ tiêu, hỗ trợ các địa phương trong việc di dời, ổn định nơi ở, nơi sản xuất cho người dân; nhanh chóng lập quan trắc nước thượng lưu các sông, hồ để kiểm soát lưu lượng, tần suất nước đổ về. Để bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn, rừng xung yếu, Lai Châu đề nghị Trung ương nâng phí bảo vệ chi trả dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo cho người dân có thể sinh sống được từ rừng...
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người, thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị tỉnh Lai Châu cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt công tác phòng tránh, phối hợp kịp thời. Ngoài ra, tỉnh cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, mưa lũ. Cùng với đó, Lai Châu cần rà soát, tu bổ các công trình phòng chống thiên tai, ưu tiên xây dựng các công trình quan trọng, lồng ghép với các chương trình mục tiêu, xây dựng cơ bản; đặc biệt cần kiểm tra đánh giá và xây dựng phương án phòng chống thiên tai phù hợp với từng địa bàn.
Với các kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ tổng hợp để báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương và Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhằm hỗ trợ Lai Châu trong thời gian sớm nhất.