Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
MDEC - Hậu Giang 2016: Đi sâu vào từng nguyện vọng cụ thể
Hậu Giang lần đầu đăng cai MDEC 2016
Sau 8 lần tổ chức thành công “Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long”,Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã giao cho Hậu Giang nhiệm vụ tổ chức MDEC - Hậu Giang 2016. Lãnh đạo địa phương đã vô cùng đắn đo, không phải ngại khó mà lo công tác chuẩn bị sao cho tốt nhất trong điều kiện còn khá nhiều khó khăn, trong khi MDEC - Hậu Giang 2016 yêu cầu cao.
Chúng tôi nhận thức rằng hội nghị MDEC 2016 lần thứ 9 sẽ là một cơ hội đẩy mạnh những lợi thế về Du lịch, Tiềm năng kinh tế nông nghiệp, Các cơ chế chính sách đặc thù, vùng đất và con người Hậu Giang,... để bè bạn gần xa trong nước và quốc tế có thông tin và hình ảnh để hiểu sâu sắc hơn về Hậu Giang, về ĐBSCL, từ đó thu hút các nhà đầu tư đến Hậu Giang ngày càng nhiều hơn – Bí thư Chánh cho biết.
Tại buổi họp báo MDEC- Hậu Giang 2016, Ban tổ chức phấn khởi cho hay, đã có tới 1.000 gian hàng đăng ký tham gia. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp dành cho Hậu Giang là rất lớn. Và chương trình “Nghĩa tình Hậu Giang” tôn vinh các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và bè bạn gần xa đã có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội của Hậu Giang cũng nằm trong chuỗi sự kiện ý nghĩa này.
Để chuẩn bị cho TPP, "MDEC-Hậu Giang 2016" cần tập trung những gì?
Về thúc đẩy kinh tế, trong 14 sự kiện diễn ra lần này, có 3 nội dung được chú ý đặc biệt, đó là: hội nghị “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”, hội thảo "Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị" và diễn đàn "Doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long 2016" - đã nói lên được tâm huyết và mong muốn cũng như kỳ vọng của nhân dân vùng ĐBSCL là không chỉ phát triển mà phát triển bền vững và tăng trưởng mạnh mẽ hàng quý hàng năm, xứng đáng là vựa cung ứng nông sản lớn nhất cả nước.
Trong xu thế hội nhập, nhất là khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, cộng đồng kinh tế ASEAN cùng hàng loạt các hiệp định thương mại tự do,... thì qua diễn đàn MDEC - Hậu Giang 2016 này, toàn Tỉnh xác định cụ thể là hội nhập chỗ nào, hội nhập ở đâu, hội nhập vì cái gì chứ không chỉ hô hào hội nhập trong khi hàng hóa tiêu thụ chưa nhiều, xuất khẩu ì ạch, cá da trơn bị thoái giá,...
Không đổ lỗi cho sự non trẻ của một Tỉnh mới vừa thành lập được hơn 10 năm, Bí thư Tỉnh Ủy Hậu Giang thẳng thắn nhìn nhận: Thị trường bán lẻ đang bị các tập đoàn kinh tế nước ngoài chi phối và cạnh tranh thị phần gay gắt. Hiện tại hàng hóa, nông sản lúagạo của chúng ta chưa có đầu ra, trong khi hàng ngoại nhập thì tràn ngập thị trường. Sức cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ sản phẩm của chúng ta chưa đủ mạnh. Nếu làm chưa tốt việc này, chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn; Theo ý kiến của một chuyên gia Nhật Bản đã nói với chúng tôi “Lúa gạo của các anh nhiều quá, nhưng chỉ có xuất khẩu không thôi thì hiệu quả kinh tế không cao! Trong khi từ lúa gạo của các anh, người Nhật chúng tôi có thể làm ra được 30 loại sản phẩm khác nhau". Từ bài học cạnh tranh, lại thêm việc ứng dụng khoa học, công nghệ, việc đầu tư từ sản xuất đầu vào đến đầu ra cho hàng hóa, Hậu Giang chủ động, tính toán để từ hạt lúa có thể làm ra nhiều mặt hàng khác có giá trị cao hơn.
Một vấn đề đặt ra nữa là liên kết vùng. Chính liên kết này Hậu Giang có thể tách để đưa chuỗi giá trị vào từng mặt hàng cụ thể là một việc làm không hề đơn giản. Nếu từng tỉnh chỉ liên kết một cách chung chung thì vẫn không hiệu quả, mà sự liên kết này nhà nước cần có chính sách cơ chế đặc thù cho vùng ĐBSCL. Đây là chiến lược rất quan trọng về mặt cấp quốc gia, cần có sự chỉ đạo của Chính phủ thì địa phương mới triển khai chứ không phải nay liên kết chỗ này mai liên kết chỗ kia, vì đó chỉ là hợp tác làm ăn thôi. Đây là một bài toán không dễ, phải có những nhà chiến lược ở tầm vĩ mô thì mới giải được bài toán này. Có như vậy Việt Nam mới giải quyết được căn cơ của nền nông nghiệp quốc doanh.
Hiện, Đồng Tháp đang triển khai “chuỗi giá trị” có hiệu quả cho người nuôi cá da trơn và cá tra, đây cũng là một chiến lược và bứt phá... Với mô hình này, các tỉnh trong vùng cần nghiên cứu và áp dụng để gia tăng sản lượng xuất khẩu cho vùng ĐBSCL.
“Cởi trói” doanh nghiệp!
Việc tăng cường không gian chính sách nhằm hỗ trợ quá trình điều chỉnh cơ cấu của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các cơ hội cũng như đối diện với những thách thức khi hội nhập là điều cần thiết.
Cụ thể, Hậu Giang chia sẻ bớt gánh nặng với nhà đầu tư có dự án hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như: Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, Phụng Hiệp, Châu Thành A và thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ bằng những ưu đãi thiết thực: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 09 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế; cho hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới; miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động. Trường hợp dự án đầu tư vào địa bàn này thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư thì sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 15 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động, tăng thêm 04 năm so với các dự án bình thường; Trường hợp dự án đầu tư vào địa bàn này thuộc lĩnh vực ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư thì sẽ được miễn toàn bộ tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê; Trường hợp dự án đầu tư vào nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì ngoài các ưu đãi trên sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi sau: Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; Được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất; Được miễn nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định nếu dự án nằm trong quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;...
Đối phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào chăm lo đời sống người dân
Một hoạt động hết sức thời cuộc tại MDEC - Hậu Giang 2016 là tìm ra giải pháp kiểm soát nước mặn và dự trữ nước ngọt phục vụ trong sản xuất và đáp ứng được nhu cầu của nhân dân vùng ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng.
Được biết, quá khứ những nhà thiên văn nói ĐBSCL là một vùng thiên thời địa lợi nhân hòa, nhưng vừa qua ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc xâm nhập mặn, hạn hán kỷ lục từ trước đến nay chưa bao giờ có. Để tìm ra nguyên nhân và khắc phục hiệu quả vấn đề này, Hậu Giang cũng cần chuẩn bị kỹ về mặt nội dung, để làm sao thông qua Hội thảo, có thể đưa ra những ý kiến đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp công trình và phi công trình dự trữ nguồn nước ngọt với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN.
Hậu Giang hơn mười năm xây dựng và thực hiện các quyền hành pháp, lập pháp đã rất quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội. Đến nay, cùng với những nỗ lực của lãnh đạo các cấp cơ sở, Hậu Giang đã huy động từ nguồn xã hội hóa được trên 100 tỷ đồng, sử dụng chủ yếu vào các dự án: nhà ở cho người có công với cách mạng, gia đình diện chính sách, trường học, bệnh viện,..
Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Trần Công Chánh chia sẻ về vấn đề môi trường:
Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Trần Công Chánh phát biểu tại họp báo giới thiệu MDEC - Hậu Giang 2016.
Hỏi: Tình trạng đất nhiễm mặn và hạn hán đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp Vùng. Địa phương có những giải pháp nào để kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL?
Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Trần Công Chánh trả lời: Hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những tháng đầu năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra cực kỳ gay gắt. Địa phương đã có nhiều giải pháp để ứng phó, kể cả giải pháp công trình và phi công trình:
1. Giải pháp công trình
- Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đê bao, công bọng (hệ thông đê bao Nam Xà No, đê bao Long Mỹ - Vị Thanh,…).
- Tiếp tục đề nghị Trung ương cho triển khai xây dựng một số công trình biển đổi khí hậu trên địa bàn, trước mắt là Hồ trữ nước ngọt 100ha tại huyện Vị Thủy.
2. Giải pháp phi công trình
- Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trữ ngọt (đào ao trữ ngọt, mua thêm lu, bồn chứa nước ngọt để sử dụng,..).
- Kịp thời cung cấp thông tin về thiên tai, hạn, mặn để người dân cùng với chính quyền ứng phó.
- Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho nhân dân; tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu.