Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hải Dương: Xử lý đất dôi dư, xen kẹp còn nhiều vướng mắc

(12:14:49 PM 30/06/2016)
(Tin Môi Trường) - Hiện nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh Hải Dương còn tồn tại diện tích lớn đất dôi dư, xen kẹp ở các khu dân cư. Để xử lý triệt để đất này còn gặp nhiều vướng mắc vì nguồn gốc đất, vị trí đất và diện tích đất. Mặc dù, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các huyện thống kê rà soát nhưng tiến độ chậm vì mất nhiều thời gian. Trong khi đó, nhiều hộ dân không muốn xử lý những diện tích đất này vì tốn nhiều kinh phí.


Hải Dương: Xử lý đất dôi dư, xen kẹp còn nhiều vướng mắc

Ảnh minh họa: TL


Theo ông Vương Văn Giang, phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách, đến nay huyện mới xử lý được 20 hộ đất dôi dư ở xã An Lâm, 10 hộ ở xã Thanh Quang. Các xã còn lại đang thống kê và rà soát. Ông Giang cho rằng tính theo khung giá đất chuyển mục đích sử dụng đối với một hộ dân là quá cao nên nhiều hộ không thiết tha với việc chuyển mục đích và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất dôi dư, xen kẹp của gia đình và địa phương.

Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang chia sẻ: Trung bình một hộ gia đình ở thị trấn có diện tích đất dôi dư từ 60 - 70m2, còn lại ở nông thôn là 100 - 200m2, nhiều hộ có đất dôi dư lên đến 30 - 400m2. Theo khung giá chuyển quyền sử dụng đất cho diện tích đất ở nông thôn từ 350 nghìn - 2 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Còn đất ở thị trấn từ 500 nghìn đến 7 triệu/m2. Như vậy, để hợp thức đất dôi dư này của một hộ dân trung bình 100m2, người dân phải nộp từ 200 - 400 triệu đồng thậm chí có nhà phải nộp đến gần 1 tỷ đồng để chuyển mục đích sử dụng đất. Với số tiền quá lớn như vậy người dân không muốn hợp thức hóa diện tích đất này. Nhiều hộ cứ để vậy mà sử dụng.

Ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng nghiệp vụ quản lý về đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, tỉnh đã gửi văn bản thông báo cho các địa phương từ nhiều năm qua, nhưng đến nay chưa có huyện nào thống kê và báo cáo với Sở về số lượng cũng như diện tích đất dôi dư, xen kẹp ở địa phương. Thực tế do phải nộp số tiền lớn nên người dân không thống kê, vì vậy rất khó giải quyết phần diện tích đất này.

Tại nhiều địa phương phần đất dôi dư và đất xen kẹp là do người dân tự lấn chiếm và xây dựng công trình trên đất, hoặc do quá trình lập hồ sơ đo đạc chưa chuẩn nên tồn tại những phần đất thừa, đất công cộng không sử dụng.

Xử lý đất dôi dư, xen kẹp là một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên để xử lý triệt để loại đất này còn nhiều khó khăn vì loại đất này đã tồn tại từ lâu khó giải quyết và phần lớn diện tích đất này nằm ở các xã. Vì vậy, để xử lý triệt để việc này cần sự vào cuộc của chính quyền xã, huyện và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn trong đo đạc, thống kê nguồn gốc đất; trong đó cần có sự hỗ trợ và cơ chế đặc thù cho các hộ dân ở vùng nông thôn, vùng khó khăn. Có như vậy công tác thống kê và xử lý đất dôi dư, xen kẹp ở các địa phương mới đạt hiệu quả cao.

Tiến Vĩnh