Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quản lý, hỗ trợ bảo vệ môi trường tại các làng nghề Việt Nam

(10:54:49 AM 29/06/2016)
(Tin Môi Trường) - Làng nghề là một trong những nét văn hóa đặc thù trong đời sống của người dân nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên lượng rác thải, khí đốt... từ các làng nghề thải ra môi trường là bất cập đang tồn tại và cần có biện pháp khắc phục, xử lý.

Quản lý, hỗ trợ bảo vệ môi trường tại các làng nghề Việt Nam

Hình ảnh về ô nhiễm môi trường tại làng chế biến nhựa Minh Khai


Một số đặc điểm làng nghề Việt Nam


Khái niệm “làng nghề” còn chưa được thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước; chưa phân định rõ ràng giữa làng nghề thủ công truyền thống và làng có nghề, thậm chí là làng sản xuất quy mô nhỏ. Về phân bố, làng nghề chủ yếu tập trung tại nông thôn, một số làng nghề nằm ở khu đô thị do quá trình đô thị hóa nhưng tập trung không đồng đều giữa các vùng, miền (tập trung ở ĐB Bắc Bộ - 60%). Nhìn nhận mặt tích cực không thể phủ nhận làng nghề đã góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết nhu cầu việc làm, giảm tệ nạn xã hội.


Tuy nhiên, tính chất của các làng nghề không giống nhau và có xu thế ngày càng tăng về số lượng các làng nghề tái chế phế liệu/chất thải, sản xuất sản phẩm nông nghiệp; các làng nghề thủ công truyền thống có nguy cơ giảm về quy mô sản xuất và số lượng. Tác động của kinh tế thị trường nên sản xuất tại các làng nghề liên tục có biến động về sản phẩm dẫn đến biến động về công nghệ, nguyên liệu, chất thải; quy mô sản xuất tại các làng nghề mở rộng dẫn đến phát triển sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ ở khu vực nông thôn.

Vì thế tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề có xu hướng ngày càng gia tăng và tạo áp lực cho cộng đồng cũng như hình thành xung đột giữa các nhóm lợi ích khác nhau trên cùng một địa bàn. Từ năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng Cục Môi trường) đã xác định Danh mục 47 làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 57 làng nghề bị ô nhiễm cần lập kế hoạch xử lý (lưu ý danh sách luôn biến động do đặc điểm sản xuất).


Môi trường ô nhiễm đã tác động không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Tỷ lệ người dân mắc các bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa, hô hấp tại các làng nghề khá phổ biến.

Vấn đề tồn đọng về ô nhiễm môi trường tại các làng nghề


Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đang ngày càng gia tăng tuy nhiên chính sách quản lý làng nghề còn chưa đồng bộ với chính sách BVMT (chính sách mỗi làng một nghề; tiêu chí công nhận làng nghề). Chưa có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho các làng nghề được công nhận nhằm khuyến khích việc công nhận và quản lý làng nghề. Cùng với đó các hình thức xử lý chất thải làng nghề gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc về công nghệ và cơ chế vận hành.


Cùng với đó là sự chống đối, chây ỳ mang tính tập thể của các cơ quan sản xuất đối với chính quyền và cơ quan BVMT các cấp, sự thiếu hiểu biết về tác động, ảnh hưởng trước mắt và lâu dài từ ô nhiễm tới sức khỏe con người đã khiến vấn nạn ô nhiễm môi trường càng khó giải quyết.


Quản lý, hỗ trợ bảo vệ môi trường tại các làng nghề Việt Nam
Chú thích ảnh: Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cần sự chung tay từ cả hai phía (làng nghề đan đát ở Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).


Đề xuất giải pháp QL, hỗ trợ về BVMT làng nghề


Nên xây dựng chính sách riêng về khuyến khích phát triển làng nghề thủ công truyền thống (theo Phụ lục I Nghị định 19/2015/NĐ-CP). Cần có lộ trình cụ thể phù hợp với từng địa phương để hạn chế, tiến tới xóa bỏ các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ, các cơ sở tái chế phế liệu/chất thải trong khu dân cư và giám sát chặt chẽ việc thực hiện (đề cao vai trò và trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở).


Thay đổi phương thức tuyên truyền về BVMT trong sản xuất ở làng nghề bằng việc phổ biến các tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường, đánh giá rủi ro môi trường, tuyên truyền các giải pháp BAT/BEP... Hỗ trợ để nghiên cứu/ chuyển giao các biện pháp xử lý chất thải, tăng cường năng lực cho chính quyền cơ sở. Xây dựng những quy định đặc thù cho sản xuất ở làng nghề: QCVN, phương án/KH BVMT đơn giản...

HỒNG NHUNG /Tinmoitruong.vn