Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xả mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm gây hại sản xuất

(11:59:53 AM 28/06/2016)
(Tin Môi Trường) - Những ngày này, lịch thời vụ gieo sạ lúa Hè Thu 2016 sắp kết thúc, nhưng tại xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang còn nhiều nông dân chưa dám xuống giống, mặc dù đồng ruộng đủ nước, điều kiện sản xuất thuận lợi. Bên cạnh đó, dù đã gieo sạ lại lần hai nhưng lúa vẫn khó sống, nguy cơ mất mùa đang là nỗi lo của người nông dân nơi đây.

Nguyên nhân do một số người xả nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm, gây nhiễm mặn tràn lan, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất vụ lúa Hè Thu.

 

Xả mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm gây hại sản xuất

Ảnh: TL


Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, địa bàn có nhiều người tự phát nuôi tôm từ kênh Thứ Năm đến kênh Nhị Tỳ thuộc ấp Nam Qúy, xã Đông Thái (An Biên). Vùng này quy hoạch trồng lúa và phát triển những mô hình kinh tế thích hợp với hệ sinh thái nước ngọt, không nuôi tôm nước lợ, với hơn 100 hộ nông dân canh tác sản xuất.

Ông Lê Văn Liền, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên cho biết, kiểm tra ban đầu có 13 hộ dân tự ý chuyển đổi sang nuôi tôm nước lợ; đã lập biên bản, yêu cầu ngưng ngay việc lấy nước mặn nuôi tôm, bắt buộc bơm tháo ra ngoài sông rạch và rửa mặn khi có mưa, hoàn trả lại hiện trạng đất sản xuất ban đầu, đồng thời đề nghị, nếu gây thiệt hại hộ dân trồng lúa thì có trách nhiệm bồi thường.

Hệ lụy của việc xả nước mặn vào nuôi tôm là gần 90 hộ dân trồng lúa ở đây yêu cầu chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện An Biên can thiệp, giải quyết. Bà Nguyễn Thị Hoàng, ấp Nam Qúy, xã Đông Thái bức xúc: “Vụ Hè Thu này gia đình tôi sản xuất hơn 40 công, với chi phí 700.000 đồng/công. Lúa gieo sạ khoảng 15 ngày tuổi thì hiện nay chết sạch do nước mặn ở các đầm vuông nuôi tôm lân cận xâm nhiễm tràn lan. Đất bây giờ bỏ hoang, không dám gieo sạ lại vì tiếp tục gieo xuống là chết nữa, nước mặn như vậy làm sao lúa sống nổi.”

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Dung, cùng địa chỉ trên, diện tích đất sản xuất lúa hơn 15 công, đến thời điểm này vẫn không gieo sạ được. Bà Dung nói: “Nông dân ở đây sống nhờ 2 vụ lúa/năm, nhưng năm nay vẫn chưa giám xuống giống vụ lúa Hè Thu do nước trong ruộng còn quá mặn. Nhiều hộ dân tự ý làm vuông nuôi tôm, bơm nước mặn vào nên càng mặn thêm. Người dân ở đây đề nghị chính quyền can thiệp, nhưng chờ hoài không thấy ai giải quyết.”

Nhiều hộ nông dân cũng đã đề nghị chính quyền can thiệp, giải quyết, yêu cầu các hộ nuôi tôm bồi thường. Đồng thời, kiến nghị làm cách nào đó xóa bỏ việc nuôi tôm để nông dân yên tâm làm ruộng.

Ghi nhận trên đồng đất Nam Qúy, bên cạnh nhiều đầm vuông đang thả tôm nuôi trong vùng quy hoạch đất lúa là những mảnh ruộng còn xanh màu cỏ, chưa gieo sạ lúa; nhiều thửa ruộng xuống giống 10 - 15 ngày tuổi, rễ lúa không bám được mặt đất nổi bồng bềnh trên mặt nước; không ít những mảnh ruộng gieo sạ lần hai nhưng lúa chết hoặc sống lay lắt, kém phát triển trông thật xót xa.

Những nông dân ở đây còn cho biết thêm, ngoài một số người tự phát nuôi tôm còn có cán bộ của huyện An Biên và tỉnh Kiên Giang đến trực tiếp nuôi tôm. Họ tự ý đào đắp đê bao, bơm nước mặn vào bất chấp sự ngăn cản, phản đối của nông dân. Theo biên bản xác minh của Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên ngày 17/6/2016 lập tại tổ 4, ấp Nam Qúy (Đông Thái), hai cán bộ là ông Trần Văn Vinh và Trần Văn Sang đang công tác tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện An Biên trực tiếp tham gia nuôi tôm ngoài quy hoạch trên tổng diện tích 6 ha. Cùng với đó, một cán bộ tên Giang của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang đã thuê khoảng 10 ha đất của người dân ở đây mặc nhiên nuôi tôm dù cán bộ này biết rằng, đây là khu vực đất sản xuất nông nghiệp 2 vụ lúa/năm, không nằm trong quy hoạch nuôi tôm nước lợ.

Trước vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện An Biên chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương khẩn trương kiểm tra, xử lý các hộ tự ý nuôi tôm ngoài quy hoạch và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người trồng lúa. Những trường hợp cán bộ huyện, tỉnh thuê đất nuôi tôm gây thiệt hại cho người dân sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lê Huy Hải