Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Biến đổi khí hậu thách thức sinh kế 10 triệu dân ĐBSCL

(10:25:00 AM 28/06/2016)
(Tin Môi Trường) - Các đại biểu tham gia diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 tổ chức tại TP.HCM vào ngày 27-6 đều nhấn mạnh biến đổi khí hậu sẽ thách thức sinh kế của 10 triệu dân vùng đất này.

Biến đổi khí hậu thách thức sinh kế 10 triệu dân ĐBSCL
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2016 sáng 27-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN


Tham dự diễn đàn có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đại diện Ngân hàng Thế giới, các bộ ban ngành và đại diện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của VN.

Được coi là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất VN, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp gần 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu.

Tuy nhiên “vựa lúa lớn nhất VN” đang đứng trước khó khăn và thử thách, nhất là biến đổi khí hậu, nước biển đang xâm nhập mặn.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nếu nước biển dâng 1 mét thì 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập, ảnh hưởng đến sinh kế của gần 10 triệu dân số của vùng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của VN và thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, đợt hạn hán năm 2016 làm 208 nghìn ha lúa, 9,4 nghìn ha cây ăn quả ở đồng bằng sông Cửu Long mất trắng hoặc năng suất giảm rõ rệt. Hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Trong bối cảnh trên, Thủ tướng yêu cầu làm rõ chiến lược thích ứng, sự phối hợp liên tỉnh đa ngành; các mô hình kinh tế bền vững với biến đổi khí hậu; các giải pháp công trình và phi công trình cũng như cơ chế chính sách và nguồn lực để triển khai thực hiện.

Nhiều địa phương cho biết đang rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như mô hình xen canh tôm lúa ở Kiên Giang, Bến Tre, An Giang, Cà Mau hoặc xen canh lúa - sen - bắp (ngô); mô hình phát triển rừng ngập mặn nuôi tôm sinh thái giá trị cao; xây dựng các hồ chứa nước ngọt...

 

Biến đổi khí hậu thách thức sinh kế 10 triệu dân ĐBSCL
Đại diện tỉnh Bến Tre phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: DUYÊN PHAN


Ngoài giải pháp công trình, đại diện nhiều tỉnh thành cho rằng cần triển khai các giải pháp phi công trình đó là việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc chọn những mô hình kinh tế phù hợp cũng như cơ chế chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, con giống…

Theo ông Tom Kompier - chuyên gia Hà Lan, cần có quy hoạch chuẩn về thủy lợi để tránh sự xung đột giữa người nuôi tôm và người trồng lúa cùng trong một khu vực. Để triển khai hiệu quả vấn đề này, ông Tom Kompier khuyến nghị cơ quan quản lý cần tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong khi đó, ông Leo Sebastian - chuyên gia nghiên cứu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu - cho rằng VN cần có thêm nhiều nghiên cứu giống lúa mới thích ứng biến đổi khí hậu cũng như nâng cao công tác quan trắc dự báo thời tiết để chủ động hơn trong việc chọn lựa cây trồng vật nuôi thích hợp.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng ngoài vấn đề biến đổi khí hậu thì VN cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nước, phù sa do lượng nước về từ thượng nguồn sông Mekong ít đi, đây không còn là vấn đề của một số tỉnh ở VN mà mang tầm quốc tế.

Vì vậy ông Huệ đề nghị các đối tác, cơ quan hợp tác quốc tế có ý kiến mạnh mẽ về vấn đề này trong các diễn đàn quốc tế.

Nhận định việc triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở VN là vấn đề cấp bách, ông Huệ mong mỏi Ngân hàng Thế giới và các cơ quan quốc tế sớm có những hợp tác, hỗ trợ cụ thể từ vấn đề tài chính đến chuyển giao kỹ thuật…

Quang Khải/TTO