Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thực tiễn biến đổi khí hậu tại Nam Định
Nam Định là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ với 1,83 triệu dân và 72 kilomet đường bờ biển. Tám mươi phần trăm số dân tại Nam Định dựa vào nông nghiệp làm kế sinh nhai. Tuy nhiên diễn biến của biến đổi khí hậu tại tỉnh Nam Định những năm gần đây cho thấy những điểm không khả quan. Lượng mưa tăng từ 5-7% so với trung bình thời kỳ 1980 – 1990, nhiệt độ tăng 2,7 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 49 – 65 cm và đã có 5% diện tích (khoảng 80 km2) thường xuyên bị ngập lụt, tập trung ở nhiều ở các huyện ven biển.
Biến đổi khí hậu đã có những tác động nhất định đến sinh kế nông nghiệp của người dân tỉnh Nam Định. Hiện tượng khô hạn kéo dài dẫn đến thiếu nước ngọt, ô nhiễm nước mặn, nước ngầm. Mực nước thấp, độ mặn cao đã xâm nhập sâu vào các cửa sông đã ảnh hưởng lớn đến việc lấy nước phục vụ sản xuất. Đồng thời làm thu hẹp diện tích đất canh tác, đặc biệt là diện tích đất trồng lúa. Mất mùa, năng suất giảm, dịch bệnh trên cây trồng làm ảnh hưởng đến thu nhập và sinh kế của người dân.
Theo thống kê hàng năm có 38.000 ha đất canh tác ven biển bị nhiễm mặn, trong đó có trên 12.000 ha nhiễm mặn nặng. Từ năm 2011 – 2014 đã có trên 2.000 ha lúa của 3 huyện ven biển bị chết do ảnh hưởng của mặn. Những tác hại của biến đổi khí hậu là không thể làm ngơ, đòi hỏi chính quyền và người dân tỉnh Nam Định có giải pháp canh tác mới.
Ông Nguyễn Công Chức- Cán bộ Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam của USAID nói về thực hiện mô hình trồng lúa giảm phát thải
Mô hình canh tác mới tại xã Giao Hải, tỉnh Nam Định
Mô hình canh tác lúa giảm phác thải được áp dụng tại xã Giao Hải, tỉnh Nam Định. Dự án được tài trợ bởi USAID (do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ). Mỗi vụ mô hình sẽ được triển khai trên một xóm cụ thể và trên 1ha mẫu. Các lớp dạy cách canh tác và sản xuất theo mô hình trên được ban khuyến nông mở và trực tiếp giảng dạy cho các học viên. Sau đó, những học viên này lại tiếp tục truyền đạt lại cho các bà con không tham dự. Cứ như vậy mà nhân rộng mô hình.
Điểm đặc biệt của mô hình là việc giảm lượng phân, thuốc bón so với cách canh tác thông thường. Chi phí đó được lấy làm lãi cho bà con nông dân. Theo Phó chủ tịch xã Giao Hải cho biết “sản lượng lúa mà bà con nông dân sản xuất đã đến mức kịch trần, nên việc tăng lãi suất từ nông nghiệp chỉ còn cách là giảm đầu vào. Xưa nay bà con vẫn quen với việc phun thuốc trừ sâu, phân bón theo giai đoạn rất ảnh hưởng đến chất lượng gạo mà còn tốn kém chi phí. Theo mô hình sản xuất này chỉ cần bón rất ít và tuân thủ phương pháp canh tác thì sẽ đem lại hiệu quả cao”.
Phóng viên phỏng vấn ông Trần Văn Cảnh - Phó chủ tịch xã Giao Hải
Một nông dân xã Giao Thủy cho biết giống lúa thực hiện mô hình canh tác giảm phác thải này vẫn là những giống lúa bình thường họ trồng trước đây. Cái lợi trước mắt mà họ nhận thấy là tiết kiệm được chi phí sản xuất, sản phẩm gạo đạt chất lượng sạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo thống kê của ngành chức năng, thì với mô hình sản xuất này, lượng thuốc BVTV giảm còn gần 30% so với sản xuất thông thường, đặc biệt cho năng suất cao hơn từ 7 - 10%. Theo trạm khuyến nông xã Giao Thủy mô hình áp dụng quản lý nước theo ướt khô xen kẽ, 3 giảm 3 tăng và phương pháp cấy bằng máy phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu ở tỉnh Nam Định. Thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng mô hình để bà con có điều kiện tìm hiểu và áp dụng.
Mô hình canh tác lúa giảm phát thải là mô hình thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm ngập mặn đang diễn biến tại tỉnh Nam Định hiện nay. Nhờ chế độ quản lý nước theo phương pháp ướt khô xen kẽ và phòng trừ dịch bệnh theo phương pháp IPM.
Mô hình canh tác lúa giảm phát thải là mô hình ứng dụng gói giải pháp 3 giảm – 3 tăng . Đó là giảm giống, giảm lượng phân bón hóa học và giảm thuốc bảo vệ thực vật. Giảm giống áp dụng phương pháp cấy bằng máy với lượng giống chỉ còn 50 kg/ha, giúp đồng ruộng hạn chế cỏ dại đầu vụ và sâu bệnh.