Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Về nơi trời sinh voi nhưng không sinh cỏ

(19:45:47 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Ở một vùng đất nghèo và hẻo lánh thuộc tỉnh Lâm Ðồng, chúng tôi đã gặp những đứa trẻ nheo nhóc, rách rưới đến tội nghiệp.

Các cháu có nhiều bữa cơm không đủ no và mặc những bộ áo quần không đủ ấm. Cái ý nghĩ lạc hậu "trời sinh voi, sinh cỏ" tồn tại bao đời đã khiến cho nhiều gia đình ở huyện Ðam Rông phải chịu cảnh đông con -  thất học - đói nghèo.


Gánh nặng cơm áo


Mặc dù UBND xã Ðạ Tông đã khuyến khích đưa chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình vào hương ước tại chín thôn trong xã, thế nhưng tình trạng vi phạm hương ước vẫn xảy ra rất nhiều.

Chị Ka Măng ở thôn Ðạ Nhing 1 có lẽ là một trong những phụ nữ có nhiều con nhất tỉnh Lâm Ðồng, với 14 người. Tuy năm nay chị mới 45 tuổi nhưng đã già như một bà lão.

Trong số những người con của Ka Măng, cháu lớn nhất 27 tuổi và nhỏ nhất mới 24 tháng tuổi. Tất cả đều ít được học hành. Nghĩ cũng phải, nhà có 16 người thì đến gạo ăn còn bữa đói bữa no, lấy đâu ra để cho lũ trẻ tới lớp.


Rời nhà Ka Măng, vào thôn Ðạ Nhing 2. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là nhà nào cũng có rất nhiều trẻ con. Những đứa trẻ chỉ hơn nhau từ một đến hai tuổi, đứa lớn dắt hoặc bồng đứa bé; mặt mũi lấm lem bùn đất, tóc cháy khét, quần áo lôi thôi, lếch thếch.

Chúng tôi gặp Ka Mhô, năm nay chị mới 41 tuổi nhưng trông cũng rất già, người lạ khó có thể đoán được tuổi thực của chị. Tuy đang là Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Ðạ Nhing 2 nhưng Ka Mhô cũng có đến 10 đứa con, đứa lớn nhất là Ka Mác sinh năm 1991, còn nhỏ nhất mới được một tuổi.

Trong số 10 người con thì năm đứa không được đi học, còn năm đứa đang đến trường, nhưng cũng chưa biết phải nghỉ học lúc nào. Em gái của Ka Mhô là chị Ka Brông cũng có đến 10 đứa con. Và tất nhiên, lũ trẻ nhà Ka Brông cũng phải sống trong lam lũ và thất học.


Ở Ðam Rông, số hộ có từ sáu đến tám con không phải là ít. Tại các xã Ðạ M'rông, Rô Men hay Liêng Srônh... chúng tôi đều chứng kiến những gia đình đông con như vậy. Ðó là ba gia đình: Hầu Seo Phừ, Sang Seo Chứ, Lý Seo Vàng ở thôn 5 xã Rô Men, cộng lại có đến 27 người con.

Ba ông bố người Mông này mới chỉ từ 40 đến 43 tuổi, nhưng đã bắt mỗi bà vợ đẻ đến chín người con. Các bà mẹ phải nghĩ lâu lắm mới nhớ và đọc được hết tên của những đứa con mình.

Câu nói quen thuộc "trời sinh voi, trời sinh cỏ" hay "nhà đông con cháu là phúc đức" vẫn còn hằn sâu trong suy nghĩ và hành động của bà con. Bon Jrang Ka Sinh là cộng tác viên dân số của thôn Liêng Trang 1, xã Ðạ Tông tâm sự: Khi đi vận động các cặp vợ chồng nên sinh đẻ có kế hoạch thì có người còn bảo với Ka Sinh rằng, "mình đẻ nhiều nhưng mình có lấy đất và lấy gạo của cán bộ đâu mà cán bộ lo. Mình đẻ thì mình nuôi mà".

Chính vì suy nghĩ đó của bố mẹ mà bọn trẻ phải sống trong tuổi thơ với bao nhọc nhằn, thua thiệt. Cơm ngon, áo đẹp là điều gì đó quá xa xôi đối với chúng.


Nỗi lo của chính quyền


Các gia đình đông con và đói nghèo là nỗi lo lớn đối với lãnh đạo huyện Ðam Rông. Với hơn 53 phần trăm dân số đang sống ở mức nghèo, Ðam Rông là địa phương nghèo nhất tỉnh Lâm Ðồng và là một trong 61 huyện nghèo trong cả nước.

Theo báo cáo của trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình Ðam Rông: Tính đến cuối năm 2008, toàn huyện có 7.402 hộ dân, nhưng tổng số nhân khẩu lại lên đến 37.230 người - bình quân 5,03 người/hộ gia đình, số chị em phụ nữ sinh nhiều con (từ ba đến năm con/gia đình) ở Ðam Rông hiện vẫn chiếm phần lớn số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Nguyên nhân chủ yếu khiến cho các hộ gia đình sinh nhiều con là do bà con còn tư tưởng lạc hậu. Ngay cả khi Pháp lệnh Dân số ra đời năm 2001, nhiều cán bộ, đảng viên đã hiểu sai chủ trương, chính sách và vẫn cứ sinh nhiều con, vì cho rằng, pháp luật không cấm.

Theo thống kê của ngành chức năng, trong hơn bốn năm qua (kể từ khi thành lập huyện) đã có hàng chục cán bộ, đảng viên vi phạm Pháp lệnh Dân số.


Quy mô gia đình lớn, sinh nhiều con, sinh dày hiện đang là vấn đề rất khó giải quyết ở Ðam Rông. Ðó cũng là lý do dẫn đến đói nghèo triền miên; trẻ em suy dinh dưỡng, thất học còn rất cao so với các địa phương khác.

Giám đốc trung tâm dân số huyện, chị Nguyễn Thị Tuyết, cho biết, hiện nay có 24 phần trăm trẻ em dưới sáu tuổi bị suy dinh dưỡng. Nhiều đứa trẻ phải bỏ học giữa chừng vì điều kiện gia đình quá khó khăn, các em phải nghỉ học để làm nương rẫy hoặc đi làm thuê kiếm tiền cho gia đình. Hàng nghìn đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.


Với địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp nên đã gây không ít khó khăn cho công tác tuyên truyền. Toàn huyện có 51 thôn, buôn của tám xã, nhưng chỉ có tám cán bộ chuyên trách và 72 cộng tác viên dân số. Và điều dễ hiểu là những cán bộ dân số này không thể quán xuyến hết công việc của mình được giao.

Chẳng hạn, cộng tác viên Bon Krông Hân ở thôn 2 xã Liêng Srônh quản lý 201 hộ; cộng tác viên Rơ Ông Ka Nhợt ở thôn 1 xã Liêng Srônh quản lý 177 hộ. Trong 51 thôn, buôn toàn huyện mới chỉ có thôn 4 xã Ðạ Long đăng ký xây dựng mô hình truyền thông hạn chế người sinh con thứ ba và mô hình đưa chính sách dân số KHHGÐ vào hương ước tại xã Ðạ Tông.


Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong ba năm qua ở Ðam Rông chưa có chiều hướng giảm mà còn đang tăng lên. Nếu năm 2006 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 2,24 phần trăm thì năm 2008 là 2,29 phần trăm. Tổng số sinh của năm 2008 lên đến 893 cháu, trong đó có 286 trường hợp sinh con thứ ba, chiếm 34,1 phần trăm.

Thực tế cho thấy, hiệu quả của công tác tuyên truyền không chỉ gói gọn trong các đợt chiến dịch truyền thông dân số mà phải thường xuyên theo kiểu "mưa dầm thấm lâu".

Tuy cán bộ DSKHHGÐ tương đối đông, nhưng chỉ có... hai người đạt chuẩn, vì vậy việc tuyên truyền cho đội ngũ "xung kích" trên mặt trận này vẫn còn nhiều bất cập. Ở Ðam Rông hiện còn hơn hai nghìn chị em trong độ tuổi sinh đẻ chưa áp dụng bất cứ một biện pháp tránh thai nào.


Ðông con - thất học - đói nghèo quả thực đang là "khoảng tối" ở vùng đất này. Không thể để kéo dài lâu hơn tình trạng đó.

(Theo Uông Thái Biểu - Văn Duẩn/Nhân Dân)