Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét không cho phép Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (gọi tắt là Công ty Vĩnh Sơn - Sông Hinh) đầu tư xây dựng dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kon Chư Răng.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, nếu xây dựng thủy điện Vĩnh Sơn 2 ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, dòng suối Say sẽ bị khô cạn Ảnh: Doãn Vinh
Quyết liệt bác dự án
Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện thượng sông Côn đã được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt năm 2006, dự kiến đưa vào vận hành năm 2013. Dự án có hồ chứa Suối Say (trên suối Say - nhánh cấp 1 của sông Côn thuộc huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chuyển nước sang hồ Đắk Kron Bung (trên sông Côn thuộc huyện An Lão, tỉnh Bình Định) để điều tiết phát điện với công suất lắp máy 80 MW.
Theo các nhà khoa học, dự án khi được xây dựng sẽ gây ngập 265 ha rừng thuộc Khu BTTN Kon Chư Răng, rừng đặc dụng nguyên sinh cần bảo vệ nghiêm ngặt. Việc chuyển dòng nước này sẽ làm cạn kiệt 10 km dòng suối Say trong mùa khô, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái của cả khu vực đầu nguồn thượng sông Côn thuộc tỉnh Gia Lai. Vì vậy, UBND tỉnh Gia Lai đã có nhiều văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không đồng ý đầu tư dự án thủy điện này. Tuy nhiên đến nay, Công ty Vĩnh Sơn - Sông Hinh tiếp tục có văn bản đề nghị đầu tư dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2.
Ông Kpah Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết thời gian qua, thủy điện An Khê - Ka Nak đã chuyển nước từ sông Ba về sông Côn (tỉnh Bình Định) gây tác động tiêu cực tới môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 cũng chuyển dòng nước sang sông Côn làm ảnh hưởng đến hạ lưu của sông Ba nên tỉnh Gia Lai không đồng ý.
Còn ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, quyết liệt bác bỏ dự án trên. “Khu vực xây thủy điện là rừng nguyên sinh rất quý, cần bảo tồn nguồn gien. Thủy điện sẽ ảnh hưởng nặng đến hoạt động du lịch và hàng loạt vấn đề dân sinh khác. Chúng tôi không đồng tình xây dựng thủy điện này” - ông Trường nhấn mạnh.
Nhà đầu tư biện hộ
Ông Huỳnh An, Phó Ban Quản lý dự án thủy điện Công ty Vĩnh Sơn - Sông Hinh, cho rằng dự án thủy điện không ảnh hưởng nhiều như trong văn bản của UBND tỉnh Gia Lai gửi Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, nếu triển khai thi công, dự án chỉ làm ảnh hưởng đến 16 ha rừng, trong đó 9 ha rừng thuộc khu bảo tồn, 7 ha là sông suối. Dự án nằm ở 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định. Phần lòng hồ ở Suối Say (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chỉ dẫn lưu lượng qua chứa ở hồ Đắk Kron Bung, từ đây sẽ đưa nước về nhà máy.
“Hồ ở Bình Định lớn, còn hồ ở khu BTTN rất nhỏ vì nằm trong khu bảo tồn. Chúng tôi đã tính toán giảm thiểu tối đa mức độ thiệt hại. Việc dẫn nước cũng được thực hiện thông qua đường hầm” - ông An lý giải.
Theo ông An, việc UBND tỉnh Gia Lai nói khi triển khai thi công sẽ chuyển dòng là không đúng. Bản thân suối Say và suối Đắk Kron Bung đều là nhánh của sông Côn đổ về tỉnh Bình Định. Khi nước từ suối Say dẫn qua suối Đắk Rung Bung về chứa hồ Đắk Kron Bung rồi đưa về nhà máy phát điện và vẫn trả về sông Côn.
“Vì vậy, nó khác với thủy điện An Khê - Ka Nak. Nước vẫn trả về dòng chính là sông Côn. Đây không phải là chuyển dòng nước” - ông An khẳng định và thừa nhận việc chuyển nước này sẽ làm cạn suối Say.
Chờ chỉ đạo
Ông Huỳnh An cho biết thủy điện này dự kiến xây dựng vào năm 2007, phát điện năm 2013. Qua quá trình hiệu chỉnh thì sau năm 2015 mới xây dựng. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó vốn của Công ty Vĩnh Sơn - Sông Hinh chỉ có 30%, còn lại là vay.
Dự án này đã được phê duyệt quy hoạch, cho phép chủ trương, đang lập dự án đầu tư. Bản đánh giá tác động môi trường cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Sau khi biết kiến nghị của tỉnh Gia Lai, công ty đang đợi văn bản của Văn phòng Chính phủ chỉ đạo và sẽ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Gia Lai và Bình Định để làm rõ những vấn đề liên quan.