Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Kỳ I: Về quê nội... "Bà chúa thơ nôm"!
Chúng tôi đã tìm về xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu-Nghệ An)- nơi mà sự đồng nhất của nhiều nhà nghiên cứu văn học là quê nội của “Bà chúa thơ nôm” mới thấy những dấu tích trong giai thoại vẫn còn vẹn nguyên…
Bảng chỉ dẫn Bia hay mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở xã Quỳnh Đôi?
Bia hay Mộ Hồ Xuân Hương nằm ở làng Quỳnh?
Nằm bên QL 1A cách TP Vinh chừng 60 cây số là một tấm biển to đùng ghi bằng hai thứ tiếng Việt-Anh khiến cho du khách ra Bắc vô Nam cũng phải tò mò. Biển có đoạn ghi: “…Bia, Mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương” với sự xác nhận bởi dòng chữ phía trên là Sở Du lịch Nghệ An hẳn hoi. Vậy mộ của nhà thơ đang ở Quỳnh Đôi chăng ?
Đọc biển chỉ dẫn thì ai cũng ngỡ là chắc có phát hiện mới của các nhà nghiên cứu văn học. Vả chăng là mộ của nhà thơ nữ này đã được đưa về quê nội của mình ở xã Quỳnh Đôi (hay còn gọi là làng Quỳnh). Vì theo các nhà nghiên cứu đầu tiên về Hồ Xuân Hương và sau này có nhiều đồng nhất thì nữ sĩ là con gái của ông Hồ Phi Diễn (Sinh 1703-1786) xã Quỳnh Đôi.
Ông Diễn thi đậu tú tài năm 24 tuổi dưới triều Lê Bảo Thái. Nhà nghèo không thể tiếp tục học, ông ra dạy học ở Hải Hưng (Hà Bắc) để kiếm sống. Tại đây ông đã lấy cô gái Bắc Ninh, họ Hà, làm vợ lẽ- Hồ Xuân Hương ra đời là kết quả của mối tình duyên đó. Một tài liệu khác lại cho rằng bà là con ông Hồ Sĩ Danh (1706-1783) cũng cùng quê quán , vì vậy Hồ Xuân Hương dù là con ai thì đây đích thị là nơi “cha sinh” của bà.
Cách QL1A chừng 5-6 cây số, Bia tưởng niệm của nữ sĩ nằm nho nhỏ bên đường. Lối vào Bia hai bên là 8 cây xà cừ, tràm… sần sùi, xương xẩu. Cây đã già nhưng bóng lá đủ che mát khuôn viên. Cạnh bên Bia là ruộng lúa xanh mướt thì con gái. Xế trưa nắng vàng xỏ xiên vào chính diện bia. Một mình ở đây xung quanh thanh vắng chợt thấy lòng ngả ngớn khó tả. Nhìn kỹ mới thấy đây chỉ là Bia tưởng niệm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Nguyên văn Bia ghi: “Bia tưởng niệm Hồ Xuân Hương (1772-1822). Bà là người Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu-Nghệ An) là một nhà thơ nữ kiệt xuất, nổi tiếng về những bài thơ không công thức, chống phong kiến ở thế kỷ 18-19. Tác phẩm: Xuân Hương thi tập; Lưu Hương ký; Đồ sơn bát vịnh…”.
Bia còn dịch ra tiếng Anh viết bên cạnh. Đủ cả ngày sinh, ngày mất. Đúng sai cứ liệu này vẫn còn nhiều bàn cãi nhưng đủ thấy đây đích thị chỉ là Bia tưởng niệm nữ sĩ chứ không phải là mộ của bà như lầm tưởng theo cách ghi của biển chỉ dẫn?!
Bà Hồ Thị Sáu 55 tuổi (Xóm 4 xã Quỳnh Đôi) đang hái rau muống đoạn gần bia cho hay: “Tui nào biết chi mộ bà ở mô (ở đâu). Lớn lên chỉ nghe bảo bà là người làng Quỳnh thôi. Còn mộ ở mô bầy tui không rõ mô. Đó chỉ là bia tưởng niệm thôi, không có mộ mô…”. Tìm hiểu được biết mùa thu năm Mậu Dần (1998) bia này được xây dựng với sự tài trợ của Quỹ phát triển văn hoá Việt Nam-Thuỷ Điển.
Nhà và bia tưởng niệm của “bà chúa thơ nôm”
Mộ của nữ sĩ ở đâu ?
Đến nay đã có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học khẳng định sự hiện diện của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương và tài năng văn học của bà trong lịch sử dân tộc. Vậy nhưng mộ của nữ sĩ đặt ở nơi nào cho đến nay không ai tường tận.
Theo tài liệu thì khoảng tháng 5/1997, ông Vũ Thế Khôi đã đặt ra vấn đề này trên tạp chí Xưa và Nay số 39 và tháng 5/2000, nhà văn Tô Hoài cũng đã tiếp tục đưa một số dự đoán của mình về nơi đặt mộ bà trên tạp chí này. Và sau đó, các nhà nghiên cứu văn học khác cũng đã đưa ra nghi vấn một trong ba địa điểm quanh Hồ Tây, có thể là nơi đặt mộ bà: Nghĩa địa Lạc Chính (Trúc Bạch); Nghĩa địa Đồng Tảo (Nghi Tàm); Gò Thất Tinh (giữa Thụy Khuê và Hồ Khẩu).
Cũng theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu thì những người làm nghề sông nước quanh Hồ Tây lâu đời ở các làng Hồ Khẩu, Thụy Khuê và Nghi Tàm kể lại thì phường Nghi Tàm xưa có nghĩa địa Đồng Tảo rất lớn, bà con phường Khán Xuân thường sang chôn cất, đặt mộ ở nghĩa địa này.
Kể từ sau khi dân ba làng Trúc Lâm, Trúc Yên, Yên Quang cho đắp con đập ngăn nước Hồ Tây để đánh cá vào năm 1620, nay là đường Thanh Niên kề cận ngay với phường Khán Xuân thuở ấy. Một điều nữa cũng cần quan tâm là nghĩa địa Đồng Tảo lại nằm bên cạnh chùa Kim Liên, cách chùa một đoạn không quá 300m.
Trước khi xây khách sạn Thắng Lợi, vùng này còn ngổn ngang mồ mả, nay là những nhà tầng san sát... địa hình cảnh quan rất phù hợp với một chi tiết Miên Thẩm nói đến trong bài thơ: “Đầy hồ rực rỡ hoa sen; Sai người xuống hái đem lên cúng đàn”. Nơi cúng đàn phải chăng là chùa Kim Liên, nơi có bà Chúa Tằm?
Tuy nhiên một số tài liệu khác lại dẫn ra câu chuyện rằng: Vào một ngày trong dịp tết lập xuân, cuối đông năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1869) một người họ Hứa, tiểu hiệu là Ngô Ban đã xác nhận là vừa đi chôn cất “nàng Xuân Hương” ở cạnh núi Nguyệt Hằng, phủ Từ Sơn, huyện Đức Giang (thuộc Bắc Ninh cũ)!?
Bia thì ở đây, còn mộ của nữ sĩ họ Hồ ở đâu hiện đang còn là dấu hỏi lớn?
Vậy mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở đâu hiện vẫn đang là dấu hỏi lớn. Về đến “quê cha” bà ở làng Quỳnh hỏi chuyện ai cũng thuộc ít nhiều thơ bà. Cũng biết được cái tài sắc của nữ sĩ họ Hồ. Nhưng hỏi về đời riêng và nơi an nghỉ cuối cùng của người vợ ông Tổng Cóc thì không ai rõ.
“Ở đây bầy tui chỉ biết là bà chết ở mô ngoài Bắc. Chứ còn mộ ở mô tui mần răng (Làm sao) biết được…”, bà Hồ Thị Sáu cho hay. Tuy nhiên có một sự thật là tại làng Quỳnh xã Quỳnh Đôi vẫn còn những dấu tích sống mà theo tìm hiểu thì có nhiều điểm khớp với giai thoại về nữ sĩ Hồ Xuân Hương?!
Quỳnh Đôi là một xã thuộc huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, cách Hà Nội 250 cây số về phía Nam.Xưa kia là một làng ở phía Bắc huyện Quỳnh Lưu, khi đó chỉ là một vùng cây hoang, cỏ dại giáp sông Mai (gọi là sông Mõ), gần biển cửa Quèn là một trong ba cửa biển của huyện Quỳnh Lưu: Cửa Cờn (Càn), Cửa Quèn (Quyền) và Cửa Thơi (Thai). Đây là Quê hương của nhà Cách mạng Hồ Tùng Mậu, Anh hùng Cù Chính Lan (Hiện mộ của hai người nằm bên cạnh bia tưởng niệm của, nữ sĩ Hồ Xuân Hương), nhà thơ Hoàng Trung Thông, Giáo sư Phan Cự Đệ, Văn Như Cương... Quỳnh Đôi còn được Nhà nước phong tặng là xã "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân'' năm 1996.
Xem tiếp kỳ II: Dấu tích thật và giai thoại nơi "cha sinh"