Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ở Đồng bằng sông Cửu Long nông dân đã bắt đầu gieo sạ lúa hè thu, tu bổ lại ao đầm nuôi trồng thủy sản. Nhiều địa phương đã nạo vét kênh mương nội đồng để giữ nước mưa, tưới tiêu cho lúa và hoa màu. Đó là việc làm thường nhật của người dân ở vùng hạn khi bước vào mùa mưa. Cũng là một cách thích nghi hay là một kiểu ứng xử của nông dân trước những đổi thay của thời tiết ở vùng có hai mùa mưa nắng rõ rệt trong năm.
Giữ nước trong mùa mưa -Ảnh: TL
Tuy nhiên cách thích ứng như vậy chỉ phù hợp với điều kiện thời tiết bình thường, không còn phù hợp với những diễn biến bất thường, cực đoan, không có qui luật của thời tiết, khí hậu như hiện nay. Nhất là khi điều kiện sống và môi trường sống đang ngày càng bị tác động tiêu cực bởi biến đổi khí hậu và con người. Có thể nhìn nhận nguyên nhân gây nên thiên tai hạn hán năm là do hiện tượng El Nino, nhưng cũng không thể xem nhẹ sự tác động tiêu cực đến môi trường sống do con người.
Cần nhìn rõ nguyên nhân này để chủ động phòng chống và ứng phó với hạn hán ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, hạn và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long khi không còn bị ảnh hưởng bởi El Nino; rằng việc ứng phó với hạn, mặn không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do chính con người. Từ đó, con người cần phải thay đổi hành vi của mình để bảo vệ môi trường. Theo đó tất cả các dự án, các công trình tác động tiêu cực vào nguồn nước đều phải được kiểm soát, hạn chế. Tài nguyên nước phải được bảo vệ, gìn giữ và phân bổ theo tự nhiên như nó vốn có. Không ai, không một quốc gia nào được sử dụng nguồn nước vì mục đích riêng để làm tổn hại đến môi trường chung.
Đó là ý chí, nguyện vọng của mỗi người dân, là sự đòi hỏi nhận thức của mỗi doanh nghiệp, địa phương khi ứng xử với nguồn nước; cũng là cái lý đòi hỏi mỗi quốc gia khi cùng sử dụng chung nguồn nước của hệ thống sông xuyên quốc gia. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.
Nhìn vào hệ thống sông Mekong là một dòng sông chảy qua nhiều quốc gia, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc. Với gần một nửa chiều dài chảy trên lãnh thổ Trung Quốc, nước này đã xây 7 đập thủy điện và dự kiến sẽ xây 11 con đập, chia cắt sông Mekong thành từng khúc làm cho lượng nước đổ về hạ du rất ít. Đó là chưa kể các nước khác cũng đã xây các công trình thủy điện, thủy lợi chiếm hữu nguồn nước sông Mekong làm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở cuối nguồn nhiều năm đã không còn lũ; tạo ra tình huống mặn xâm nhập sâu và sớm vào nội đồng. Việc các nước xây dựng nhiều đập thủy điện trên Mekong đã làm giảm lượng phù sa, dòng chảy bào mòn trầm tích khiến dòng sông sâu thêm làm cho xâm mặn ngày càng khốc liệt hơn với Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, đã phá vỡ qui luật của tự nhiên, làm thay đổi môi trường của toàn vùng. Thực tế đó đòi hỏi phương thức canh tác và cơ cấu cây trồng, mùa vụ cũng phải thay đổi.
Đối với Tây Nguyên do phát triển phá vỡ qui hoạch về cây cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa nước nên diện tích rừng bị thu hẹp, mực nước ngầm bị tụt xuống từ 3-5 mét đã gây ra hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Mùa khô kéo dài, trong khi rừng không đủ để giữ nước nên vào mùa khô các công công trình thủy điện, thủy lợi đã không chống hạn được cho Tây Nguyên.
Có thể thấy rằng, biến đổi khí hậu làm thay đổi thời tiết là điều khó lường thì sự phá hoại môi trường của con người lại được thấy rõ những tác động tiêu cực trước mắt cũng như lâu dài. Cụ thể là lượng nước trên các hệ thống sông Cửu Long và các sông ở Tây Nguyên sẽ còn giảm sút, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ diễn ra thường xuyên. Do đó, ngoài các công trình đại thủy nông, các chiến lược trồng rừng để giữ nước tưới tiêu cho sản xuất cần thời gian tính bằng những thập kỷ, trước mắt mỗi hộ dân nên xây bể, đào ao, giếng để giữ nước mưa bảo đảm cho sinh hoạt, đời sống. Làm được như vậy, vấn đề hạn mặn sẽ bớt khốc liệt. Người dân Đồng bằng Bắc Bộ ở những vùng chưa có nước sạch, nước máy đã xây bể chứa nước mưa đủ dùng cho những tháng không có mưa. Đó là kinh nghiệm quí để mỗi hộ gia đình chủ động chống hạn cho bản thân mình.