Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Già làng Mà Giá và tiếng đàn đá trên đại ngàn Yangly

(19:45:26 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - (VFEJ) - Một già làng người Rắc Lây, sau ngót 20 năm làm Chủ tịch xã, đã biến những căn nhà bên suối với tiếng đàn đá luôn âm vang thành khu du lịch sinh thái cho những ai mệt mỏi vì nắng hè lên rừng tận hưởng chút mát lạnh của đại ngàn…

Từ một “chốn riêng” nên thơ


Cách Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hơn 35km thuộc xã Yang Ly huyện Khánh Vĩnh, “chốn riêng” của già làng Mà Giá là ba căn nhà sàn nhỏ liền kề nằm bên suối, chính xác hơn là nằm ngay trên một nhánh suối nhỏ. Muốn vào thăm nhà Mà Giá chỉ còn cách lội qua một nhánh suối nước chảy quanh năm.


Con suối Lách chảy qua nhà Mà Giá vốn có bảy nhánh, rậm rịt cau núi và vô số các loại rắn. Trước đây, khi còn làm Chủ tịch xã Yang Ly, ông đã tự tay khơi nguồn tạo thêm một dòng nước suối thứ tám chảy về vùng đất phía dưới suối rồi vận động bà con trồng lúa nước.

 

Con suối nhỏ do ông dẫn về đã tạo nên một ruộng lúa rộng và xanh tốt. Mà Giá nhường những phần đất bằng phẳng nhất do bà con trong làng làm lúa nước. Còn ông nhận vùng đất “xương xẩu” nhất ngay sát suối. Sau 20 năm làm Chủ tịch xã Yang Ly, năm 2004 ông nghỉ hưu và quyết định đến đây để “làm nhà bên suối”.


nhabensuoi

Mà Giá và ngôi nhà bên suối

 

Lúc đầu ông chỉ nghĩ đơn giản rằng nơi này quá đẹp, dựng trên nhánh suối mới này ba gian nhà sàn nữa là có được một nơi ở tuyệt đẹp cho cả nhà. Và còn tạo ra một chỗ chơi, chỗ nghỉ cho lũ làng và đám thanh niên.

 

Ông bỏ ra hàng năm trời dọn dẹp bớt cây xúp, bụi rậm, bắt sạch lũ rắn, xếp đá cuội dọc những con đường mòn nhỏ loanh quanh theo suối lượn. Rồi ông đào hai cái ao thông nhau trước nhà sàn, dẫn nước từ nhánh suối mới khơi vào ao, thả đặc cá chép.

 

Cuối cùng, nước của nhánh suối được dẫn xuống mương tưới cho ruộng lúa xanh tốt cạnh ao cá. Thu nhặt những gốc cây khô, bắc vài cây cầu khỉ rất “độc” từ đường vào nhà sàn, từ nhà sàn ra hồ cá.

 

Ngay bên cạnh nhà, ông dăng dây đặt một bộ đàn đá bảy âm sắc tự động âm vang tiếng tung teng, tung teng nhờ một hệ thống dây – gàu, hứng - đổ nước từ dòng suối được thừa hưởng từ đời ông cha để lại… Mà Giá đã tạo ra một khung cảnh thơ mộng, tuyệt đẹp mà không làm mất đi vẻ hoang sơ vốn có của đại ngàn.


Đến khu du lịch sinh thái tự tạo

 

Ban đầu, chỉ có đám thanh niên trong làng và các xã lân cận đến chơi. Sau đó “chốn riêng” của Mà Giá bỗng nổi tiếng khắp nơi và người người tìm đến nghỉ ngơi các dịp cuối tuần hay ngày lễ, ngày tết. Thế rồi, cả nhà Mà Giá “lăn” ra làm du lịch.

 

Ông làm thêm gần 10 cái sạp nằm ven ven suối để khách có chỗ ngồi nghỉ, uống rượu cần, thưởng thúc những món ăn dân giã do gia đình ông chế biến giúp. Vợ Mà Giá ủ mì, ủ nếp làm rượu cần phục vụ khách. Con cái Mà Giá làm chân chạy, chỉ dẫn khách leo suối, leo núi và chạy chợ phục vụ nhu cầu ăn uống của khách. Còn Mà Giá, kiêm nghiệm cái chân thu dọn cho “chốn riêng” của mình và là  Khu du lịch sinh thái của khách luôn sạch đẹp.


danda

“Mỗi bộ đàn đá phải có đủ bảy âm sắc khác nhau”


Ở khu du lịch này, Mà Giá chỉ bán sản phẩm do vợ chồng ông làm ra, đó là rượu cần. Khách đến chơi không phải mất tiền mua vé, khách ngồi nghỉ trên sạp không buộc phải trả tiền chỗ, khách muốn được dẫn đi xem đầu nguồn con suối cũng không phải trả phí…

 

Cách làm du lịch rất … “hào phóng” với khách, với thiên nhiên này của Mà Giá như buộc khách trở nên ý thức hơn trong việc gìn giữ vệ sinh cho một khu du lịch độc đáo và nên thơ này.


Ý tưởng phát triển bền vững


Không đặt việc thu lợi lên đầu, nhưng thu nhập từ “chốn riêng” này của gia đình Mà Giá không phải nhỏ. “Ờ, được thì tiền triệu, không thì cũng tiền trăm mỗi ngày đông khách. Có đủ tiền để khi mấy thằng con nó đòi mua xe máy, đòi xây nhà riêng thì có mà cho..” Khi được gợi ý nuôi gà, nuôi heo rừng, mở rộng khu du lịch, làm nhà hàng phục vụ khách… Mà Giá lắc đầu quầy quậy “làm thế ô nhiễm lắm, dơ bẩn con suối này mất thôi”.

 

Ông còn kể: Có lần có một vị cán bộ đầu ngành lên đây chơi, thấy khu du lịch của ông chưa có điện bèn gợi ý tặng cho ông bảy bộ thuỷ điện nhỏ đặt tại 7 nhánh suối lớn, nhưng ông từ chối.  Vì … “phức tạp lắm, mất công phải bảo vệ, lỡ có ai lấy trộm, bắt bớ, rồi sinh ra mất đoàn kết...”

 

suoi

Suối luôn được giữ tuyệt đối trong và sạch

 

Có lẽ Mà Giá sống như thế này quen rồi, đèn dầu leo lét bên núi rừng thăm thẳm, văng vẳng tiếng đàn đá, rì rầm tiếng suối chảy mới hợp với ông. Biết đâu khi kéo điện về sẽ phá vỡ mất nhịp sống bình yên, thanh thản nơi đây. Ông còn khoe, nguồn thu của gia đình còn được “bổ sung” nhờ âm thanh trầm bổng của bộ đàn đá kia. Rất nhiều “đại gia” lên đây chơi đã đặt mua những bộ đàn đá tương tự.

 

Bởi vậy, những ngày vắng khách, ông lại bỏ ra bốn ngày lội bộ lên núi Hòn Dù, gõ tìm cho đủ những thanh đá có âm thanh phát ra trầm bổng khác nhau để ghép lại thành những bộ đàn hoàn hảo bán cho khách. Nhiều vị khách mua về rồi không biết cách “thiết kế” dàn tự động bèn đánh xe chở ông xuống đặt dàn giúp. Chẳng màng đến thù lao, chỉ cần lâu lâu được đi “đổi gió” chút là ông vui rồi.


Gần đây, nhìn thấy đuợc tiềm năng của khu du lịch Mà Giá, một tổng công ty nổi tiếng Khánh Hoà trả tiền tỷ để mua lại nơi này nhằm đầu tư, mở rộng thành một khu du lịch quy mô. Vậy nhưng Mà Giá quyết không bán vì sợ rằng nơi này sẽ bị tận thu, bị đảo lộn và hơn hết là sợ mất đi cái “chốn riêng” mà ông đã dày công gây dựng bấy lâu nay.

Vũ Khuê