Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Các học viên của khóa tập huấn
Khóa tập huấn “Young, Wild and Living Green” đã chính thức kết thúc sau 6 ngày hoạt động (13/05 – 18/05/2016) tại xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam. 35 bạn trẻ đến từ 8 nước: Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã có khoảng thời gian học tập, tìm hiểu và nghe chia sẻ về nhiều vấn đề khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu thay đổi nhận thức từ đó thay đổi hành vi, hướng tới lối sống bền vững hơn.
Chương trình bắt đầu với việc tìm hiểu và chia sẻ về hiện trạng môi trường tại các quốc gia của các các học viên đang sinh sống nói riêng và trên quy mô ASEAN+1 nói chung. Từ đó, đưa khái niệm “Dấu chân sinh thái” đến gần hơn với các bạn trẻ để thấy được tầm ảnh hưởng củalối sống, đặc biệt là cách tiêu dùng của mình đến môi trường.
Thảo luận về hiện trạng môi trường tại các quốc gia
Hơn thế nữa, việc gặp gỡ và trao đổi với các diễn giả và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường trong khóa tập huấn cũng giúp các bạn trẻ có thêm được những kiến thức mới để có thể áp dụng vào trong chính cộng đồng của mình.
Các bạn học viên đã có những khoảng thời gian trao đổi và trò chuyện quý giá với ThS.KTS.Nguyễn Hoàng Phương về vấn đề: “Ngôi nhà là thứ gắn liền với cuộc sống hằng ngày của các bạn, nhưng liệu ngôi nhà của các bạn đã thực sự bền vững”. Thông qua buổi trao đổi này, các bạn trẻ đã có cái nhìn rõ nét hơn về tầm quan trọng của yếu tố bền vững trong ngôi nhà và các biện pháp để có thể làm cho ngôi nhà bền vững hơn từ những việc nhỏ nhất như thay đổi cách sắp xếp nội thất trong nhà hay lựa chọn các vật liệu có cách sản xuất thân thiện môi trường nhưng vẫn đảm bảo sự chắc chắn cho công trình.
ThS.KTS.Nguyễn Hoàng Phương báo cáo
Các bạn trẻ hoạt động nhóm, thảo luận về các yếu tố tạo nên sự bền vững của ngôi nhà
35 bạn trẻ cũng đượchiểu thêm về nông nghiệp hữu cơ từ khía cạnh kinh doanh thông qua phần chia sẻ của chị Mai Thị Thúy Hằng – người sáng lậpchuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Xanh Shop.
Chị Mai Thị Thúy Hằng chia sẻ về quá trình chuyển sang kinh doanh nông nghiệp hữu cơ của bản thân
Không những vậy, các bạn trẻ còn được tiếp cận với “Mô hình vòng xoáy thay đổi hành vi”. Đây là một lý thuyết mới và vô cùng hữu ích giúp các bạn trẻ có thể áp dụng trong các dự án về sau của mình. Lý thuyết này được giới thiệu bởi chị Đặng Hương Giang, giám đốc Trung Tâm Hành Động Vì Sự Phát Triển Đô Thị. Với bề dày kinh nghiệm tổ chức các hoạt động cộng đồng, chị Giang đã mang tới cho các bạn một cách tiếp cận mới trong việc xây dựng các dự án hướng tới sự thay đổi hành vi của người tham gia. Trong thời gian này, các bạn cũng sẽ được giải đáp các thắc mắc liên quan đến các dự án trong quá khứ để từ đó có thêm bài học cho các dự định sắp tới.
Chị Đặng Hương Giang chia sẻ về “Mô hình vòng xoáy thay đổi hành vi”
Trong suốt khóa tập huấn, ngoài việc tiếp nhận kiến thức trong không gian trong nhà cộng đồng Cẩm Thanh, các học viên còn có cơ hội trải nghiệm thực tiễn với các hoạt động: giúp đỡ làm vườn tại vườn rau hữu cơ Cánh Én và hỗ trợ thực hiện sân chơi tái chế tại trường Tiểu học Lý Tự Trọng cơ sở 2
Làm việc tại vườn rau hữu cơ Cánh Én
Cùng với đó, các bạn học viên còn có các khoảng thời gian cùng nhau khám phá và tìm hiểu Hội An qua các khía cạnh liên quan đến du lịch, kiến trúc và nông nghiệp. Sau hoạt động này, mỗi nhóm học viên đã hoàn thành một sản phẩm để đưa ra những tìm hiểu của mình cũng như ý kiến của các bạn thành viên về chủ đề cho trước.
Thuyết trình, chia sẻ về những gì đã khám phá và tìm hiểu được
Kết thúc khóa tập huấn, mỗi một bạn trẻ đều có trong mình những cảm xúc riêng. Bạn Khánh Trang đến từ Việt Nam cho biết Khóa tập huấn rất hữu ích và sẽ chia sẻ các kiến thức mình học được tới mạng lưới hoạt động của mình. Và Trang cũng tin rằng những kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, kiến trúc xanh, Dấu chân sinh thái,…sẽ dần dần được phổ biến rộng rãi hơn và ai cũng có thể áp dụng được chúng. Còn bạn Israel Ying Ding đến từ Myanmar thì chia sẻ rằng bạn đã có một khoảng thời gian vô cùng đáng nhớ tại Hội An, những kiến thức học được thật sự thú vị và ngay khi về nhà sẽ áp dụng nó vào trong cuộc sống của mình.
Cùng nhau đưa ra các giải pháp
Tự mình tính “Dấu chân sinh thái” để nhận thấy sự tác động của bản thân đến với môi trường
Bảng tổng hợp “Dấu chân sinh thái” của các thành viên tham gia chương trình
Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn cùng nhau chia sẻ về những mô hình bền vững tại đất nước mình. Hoạt động này góp phần tạo nên sự tương tác hai chiều giữa những thành viên tham gia khóa tập huấn nói chung và giúp cho các bạn nhận thấy rằng các mô hình bền vững không ở đâu xa mà nó có ở ngay xung quanh các bạn, tại nơi các bạn đang sinh sống.
Chia sẻ về mô hình bền vững tại quốc gia minh
Không dừng lại ở đó, các bạn trẻ còn được trực tiếp tham quan thực trạng và một số mô hình bền vững tại Hội An.
Tham quan biển Cửa Đại - nơi diễn ra thực trạng sụt lở cửa biển do các hoạt động phát triển và khai thác tài nguyên.
Tham quan vườn rau hữu cơ Thanh Đông – vườn rau hữu cơ đầu tiên tại Hội An
Bác Mèo – trưởng nhóm nông dân tại vườn rau Thanh Đông chia sẻ về ý tưởng và quá trình xây dựng vườn rau
Tham quan Cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre Taboo Bamboo
Anh Võ Tấn Tân – chủ của Taboo Bamboo chia sẻ về tính chất, tác dụng và những điều kì diệu mà tre có thể mang lại
Trực tiếp làm các sản phẩm từ tre
Về Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI):
Được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama công bố vào năm 2013, Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) hướng tới các thủ lĩnh trẻ trong độ tuổi 18-35 đến từ Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Họ là những thủ lĩnh trẻ có ý tưởng mới để giải quyết những thách thức lớn nhất của thế hệ mà họ nhận thấy trong khu vực ASEAN. Mỗi ngày, họ đưa ra các giải pháp sáng tạo - như cách sử dụng vi khuẩn có lợi làm sạch sông ngòi, tạo cơ hội việc làm bằng cách bán các sản phẩm được làm từ hoa súng... Hoa Kỳ đang hỗ trợ những thanh niên xuất sắc này bằng cách cung cấp các chương trình đào tạo và nguồn kinh phí cho họ - những thủ lĩnh cộng đồng và doanh nhân xã hội tương lai.