Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tham gia trồng cây
Tọa lạc trên một quả đồi nhỏ ven đường thôn Hương Lan, xã Trưng Vương (thành phố Việt Trì). Đền Thiên cổ (hay còn gọi là Thiên Cổ miếu) là nơi thờ tự vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang cùng hai người học trò là con Vua Hùng thứ 18 - Tiên Dung công chúa và Ngọc Hoa công chúa. Với vẻ trầm mặc, cổ kính, ngôi đền nhỏ không chỉ là điểm đến ý nghĩa của người dân địa phương mà còn thu hút những người hiếu học trên phạm vi cả nước. Sự hiện diện của Đền Thiên cổ là minh chứng nõ nét cho nền văn hiến lâu đời của đất nước và truyền thống “tôn sư trọng đạo” cao quý của nhân dân từ thời các Vua Hùng dựng nước.
Có lẽ điểm ấn tượng đầu tiên đối với mỗi người dân khi tới Thiên Cổ miếu chính là hình ảnh hai cây táu cổ thụ với dáng vẻ kì vĩ, uy nghi ngay trước cửa đền. Tương truyền, khi hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang qua đời, nhân dân sau khi chôn cất và lập đền thờ đã trồng hai cây táu quý. Đến nay hai cây táu đã có niên đại hàng nghìn năm tuổi. Theo Ban quản lý cụm di tích thì điều kì lạ ở hai cây táu cổ thụ là tuy hai cây cùng chung một gốc nhưng khi cây trổ hoa vào giữa tháng 5 đến tháng 7 thì một cây trổ hoa trắng, một cây trổ hoa vàng. Bởi vậy mà hai cây cổ thụ thường được gọi với cái tên cây Táu Bạc, cây Táu Vàng - như một biểu tượng của sự hưng vượng cho quê nhà. Theo quan niệm của nhiều người địa phương thì nơi nào khí vượng thì cây càng phát triển tốt, chính vậy hai tán cây ấy mới tồn tại đến ngày nay.
Cách đó không xa là cây da bò, một loại cây thuộc họ Xoan Đào có dáng vẻ cổ kính đẹp như một cây cảnh thế, tỏa bóng ôm trọn ngôi mộ của 3 anh em vệ sĩ của Vua Hùng Vương thứ 18, cũng là kỳ quan được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam. Là mảnh đất sở hữu 3 cây di sản quý giá của dân tộc, nhân dân xã Trưng Vương đã có ý thức bảo vệ và giữ gìn các bảo vật cho đến ngày nay. Những cây đa cổ thụ tại các ngôi đình, đền, chùa đã và đang góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp hữu tình cho cảnh quan nơi đó. Đồng thời càng khiến cho di tích thêm cổ kính, uy nghiêm hơn.
Ngày 16/5/2016, Trung tâm Phát triển Thế giới thêm xanh đã kết hợp cùng Ban quản lý cụm di tích đền, đình, chùa làng Hương Lan, Đoàn xã Trưng Vương tổ chức trồng 21 cây hoa ngọc lan tại 3 địa điểm: Đền Thiên cổ, lăng mộ 3 đô sĩ thời Hùng Duệ Vương, đình Hương lan. Đây cũng là 3 trong số các địa điểm được lựa chọn để trồng hoa ngọc lan trong dự án “Trồng hoa ngọc lan tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận” do Trung tâm Phát triển Thế giới thêm xanh tổ chức dưới sự chỉ đạo của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
Ông Trương Thành Doanh - phó tiểu ban quản lý cụm di tích đình đền chùa làng Hương lan cho biết: “Việc vinh danh các cây cổ thụ quý hiếm, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học là cây di sản Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực là rất rõ nét, nhất là đối với vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên. Song song với việc chăm sóc và bảo tồn các cây cổ thụ quý, chúng tôi cũng mong muốn trồng thêm nhiều cây xanh mới để tăng nét đẹp cảnh quan cho các khu di tích, tái tạo bầu không khí trong lành và nếu bảo vệ tốt, tương lai chúng sẽ trở thành những chứng nhân của lịch sử”.