Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cổng Vườn Quốc gia Bạch Mã -Ảnh minh họa: IE
Nhóm bảo tồn vì cộng đồng xã Thượng Nhật gồm 15 thành viên đến từ 7 thôn của xã. Đây là 1 trong những địa phương nằm ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Bạch Mã. Nhóm hoạt động theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần vào ngày mồng 5.
Trên tinh thần tự quản, tự nguyện, tự trang trải, đặt dưới sự quản lý của Ban chấp hành đoàn thanh niên xã và được hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Vườn Quốc gia Bạch Mã và Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF). Nhóm có nhiệm vụ đóng góp công sức, ủng hộ cho công tác bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn xã Thượng Nhật thuôc vùng đệm của Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Nhóm ra đời nhằm nâng cao nhận thức và sự tham gia cho người dân, cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học của rừng, bảo vệ Saola và các loài động vật hoang dã quý hiếm, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng đối với bảo tồn đối với công tác bảo tồn tự nhiên.
Ngoài hình thức tổ chức như trên, thời gian qua, để bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã giao khoán cho 46 cá nhân, 12 xã và 1 đơn vị lực lượng vũ trang nhận bảo vệ 10.000 ha rừng, với tổng kinh phí 2 tỷ đồng; bình quân mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng có thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/hộ/tháng. Bên cạnh đó, khi rừng được bảo vệ, các tổ chức và cá nhân trong vùng còn chia sẻ lợi ích rừng từ Vườn Quốc gia Bạch Mã, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng trong quản lý và bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn.
Để người dân được hưởng lợi thông qua việc quản lý, bảo vệ rừng, bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, các hộ đăng kí phương án đã thực hiện nghiêm túc việc khai thác và tham gia quản lý lâm sản ngoài gỗ trong phạm vi được giao. Những tác động tiêu cực, gây áp lực lên tài nguyên rừng cũng giảm đáng kể, số vụ vi phạm săn động vật và khai thác gỗ trái phép đã giảm 50%. Đặc biệt, một số người dân còn hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong việc tuần tra, giám sát, bảo vệ rừng; thông tin về các đối tượng săn bắt thú rừng, khai thác gỗ trái phép, hay ngăn chặn các hành vi khai thác, đào đãi vàng, khoáng sản…
Nhờ hoạt động tích cực của người dân, Vườn Quốc gia Bạch Mã luôn giữ được màu xanh trù phú, và những giá trị đa dạng sinh học đặc trưng. Vườn Quốc gia Bạch Mã hiện có diện tích hơn 37.487 ha, đa dạng về địa hình, diện mạo và nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, với 2.373 loài thuộc hệ nấm và thực vật, gồm 332 loài nấm, 87 loài rêu, 183 loài dương xỉ, 22 loài hạt trần và 1.749 loài hạt kín. Trong đó có 73 loài cây quý hiếm được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam và 204 loài cần ưu tiên bảo vệ; có trên 500 loài được sử dụng làm thuốc quý, đặc trưng như bảy lá một hoa; hoàng đàn, thích bắc bộ, thạch tùng, hoàng tinh hoa trắng, râu hùm, gừng dại, nghệ đen, sâm lông…có công dụng chữa bệnh.
Các loài cây phổ biến chủ yếu mọc ở đỉnh núi thuộc họ kim giao (như tùng bạch mã); một số loài cây lá rộng có giá trị thuộc họ dầu, hộ long não, loài cây gỗ (cẩm lai, trắc, trầm hương, sến đinh, lim, thông Đà Lạt, pơ mu, hồng quang, chổi sể ) và các loài cau dừa, dương xỉ, lan…
Ngoài ra Vườn cũng có những loài mới được phát hiện như chìa vôi, mây, bọt ếch bạch mã…Không chỉ thực vật mà khu hệ động vật ở Bạch Mã cũng rất phong phú với nhiều loài đặc hữu quý hiếm như voọc ngũ sắc, vượn đen má trắng, sao la, gấu ngựa, báo gấm, khỉ mặt đỏ, mang lớn…
Hệ động vật ở Vườn Quốc gia Bạch Mã có 1.715 loài động vật; trong đó có 132 loài thú, 143 loài ếch nhái, bò sát, 57 loài cá và 1.029 loài côn trùng. Khu hệ này có 69 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 15 loài đặc hữu cần có giải pháp ưu tiên bảo vệ. Vườn Quốc gia có 363 loài chim, chiếm khoảng 1/3 các loài chim của Việt Nam; trong đó đến 15 loài đặc hữu như họa mi, khướu bạc má, chích chòe lửa gà lôi trắng, gà lôi lam mào trắng, gà so trung bộ, trĩ sao…
Vì vậy, Vườn Quốc gia Bạch Mã còn được mệnh danh là một trong những "bảo tàng thiên nhiên" của Việt Nam...