Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội
Tham dự Hội nghị (tại đầu cầu Hà Nội) có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Trung tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Đô đốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và Hà Nội…
Theo báo cáo tổng hợp từ Ban chỉ đạo TW về PCTT, năm 2015 thiên tai đã làm 154 người chết (94 người chết do lũ, mưa lũ sau bão, lũ quét và sạt lở đất; 60 người chết do lốc, sét); 127 người bị thương; 1.242 nhà bị đổ, sập, trôi; 35.233 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 445.110 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 182km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 36 phương tiện khai thác thủy sản bị thiệt hại,.... Tổng thiệt hại về kinh tế ước khoảng 8.114 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung vào thiệt hại cây trồng nông nghiệp (lúa, hoa màu, cây lâu năm), sạt lở đường giao thông, thủy lợi, hệ thống cung cấp điện, viễn thông, hầm mỏ,...
Từ đầu năm 2016 đến nay thiên tai đã làm 11 người chết, 41 người bị thương; 475.580 hộ dân bị thiếu nước; 290.368 ha lúa, hoa màu và 161.365 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại; 19.804 con gia súc và 44.272 gia cầm bị chết; 7.145 ha thủy sản bị thiệt hại. Tổng thiệt hại khoảng 9.735 tỷ đồng, trong đó: Thiệt hại do rét đậm, rét hại là 700 tỷ đồng; thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn là 8.906 tỷ đồng; thiệt hại do dông, lốc, sét, mưa đá là 129 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp, cực đoan của thời tiết, thiên tai lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã giành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác phòng, chống thiên tai; tổ chức các đoàn công tác đi thị sát, chỉ đạo các địa phương kịp thời có các giải pháp khắc phục, hỗ trợ nhân dân. Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành các Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; Quyết định hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai với tổng kinh phí là 2.721,4 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ khắc phục bão, lũ là 500 tỷ đồng; hạn hán, xâm nhập mặn là 2.221,4 tỷ đồng) và 31.606 tấn gạo, 20 tấn giống cây trồng, 267 tấn ngô giống, 17,7 tấn hạt giống rau các loại…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTT, Ủy ban quốc gia TKCN, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt là sự đóng góp sức người, sức của của cộng đồng đã phần nào hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra những mặt còn hạn chế, những tồn tại, khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai.
Theo Phó Thủ tướng, hạn chế lớn nhất là công tác dự báo, cảnh báo. Đây là hạn chế đã được chỉ ra nhưng chậm được khắc phục. Việc quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, nhất là các hiện tượng thiên tai cực đoan như giông lốc, mưa lũ cục bộ vẫn còn khó khăn vì mật độ các trạm quan trắc còn quá thưa, hệ thống quan trắc chưa đồng bộ. Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, của doanh nghiệp trong phòng chống thiên tai hiệu quả còn thấp. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ cao phục vụ chỉ đạo, ứng phó, hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực còn bất cập…
Để thực hiện tốt công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và các năm tiếp theo, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, đề án về PCTT đã được Thủ tướng phê duyệt. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sớm chỉ đạo xây dựng các công cụ hỗ trợ điều hành theo thời gian thực khi các tình huống thiên tai xảy ra đặc biệt là bão mạnh và siêu bão… Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp cùng các địa phương, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm để sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu và trong mọi tình huống; tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai, sự cố nhằm bảo đảm chủ động ứng phó…