Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khô hạn và xâm nhập mặn rất nghiêm trọng -Ảnh minh họa: TL
* Độ mặn lên cao nhất từ trước đến nay
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, năm 2015 do ảnh hưởng của El Nino nên mùa mưa ở Đồng bằng sông Cửu Long đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, mực nước sông Mê Kông xuống thấp nhất trong 90 năm qua, tổng lưu lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long cũng thiếu hụt từ 20-50%, mức nước sông xuống thấp dẫn đến xâm nhập mặn với độ mặn cao lấn sâu vào nội địa, gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh trong khu vực.
Vĩnh Long trước đây chỉ có 2 huyện là Vũng Liêm và Trà Ôn bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nhiều với diện tích 23.600 ha, biên độ mặn từ 2-5‰. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, nước mặn đã tấn công rất sâu vào nội tỉnh, ranh giới mặn 4‰ đã vượt qua khỏi vàm Mang Thít (sông Cổ Chiên, cách biển 65 km) và vàm Rạch Chiếc (sông Hậu, cách biển khoảng 60km). Độ mặn đo được tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm) lúc cao điểm nhất lên đến 9,6‰, vàm Vũng Liêm 8,8‰, vàm Mang Thít 5,3‰... Đây cũng là độ mặn cao nhất xuất hiện từ trước đến nay.
Vũng Liêm cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh Vĩnh Long. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, do bị xâm nhập mặn nên 12.000 ha lúa vụ đông xuân năm 2015-2016 bị giảm năng suất từ 15-50%; diện tích 10.000 ha xuống giống vụ lúa hè thu năm 2016 muộn hơn 2 tháng so với kế hoạch; gần 700 ha cây màu bị thiếu nước tưới, năng suất giảm tới 60%...
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, tổng thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn của tỉnh từ đầu năm đến nay là trên 123,5 tỷ đồng với hơn 22.600 ha cây trồng bị hạn, nhiễm mặn, tập trung ở ba huyện Vũng Liêm, Mang Thít và Trà Ôn. Trong đó, thiệt hại do bị hạn là 16 tỷ đồng với diện tích gần 1.800 ha, thiệt hại do bị nhiễm mặn là 107,5 tỷ đồng với diện tích gần 21.000 ha. Ngoài ra, xâm nhập mặn còn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân, toàn tỉnh có 12 nhà máy, trạm cấp nước bị nhiễm mặn xấp xỉ và vượt 2‰ với trên 18.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
* Giải pháp ứng phó
Hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân, do đó cần có giảp pháp ứng phó lâu dài. Tại hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu về khô hạn và xâm nhập mặn ở tỉnh Vĩnh Long" do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long tổ chức ngày 12/5, ngoài việc tập trung đánh giá về thực trạng tình hình khô hạn và xâm nhập mặn tại tỉnh, các đại biểu đã dành nhiều thời gian đề xuất các giải pháp ứng phó lâu dài.
Theo ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long, biến đổi khí hậu có tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp dựa nhiều vào thời tiết và điều kiện tự nhiên. Trước mắt, để bảo vệ sản xuất, nhất là đối với cây lúa và vườn cây ăn trái, Sở đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho người dân biện pháp ứng phó xâm nhập mặn và định hướng lịch thời vụ phù hợp với tình hình. Đối với cây lúa, ngành Nông nghiệp khuyến cáo vùng bị nhiễm mặn trên 3‰ thì kiên quyết không được đưa nước tưới vào ruộng, không xuống giống; vùng bị nhiễm mặn dưới 3‰ thì sử dụng các loại giống chịu mặn, đồng thời cày ải, phơi đất, tranh thủ trữ nước ngọt. Đối với cây ăn trái thì phải thường xuyên theo dõi độ mặn, tránh tưới nước mặn trên 2‰; thiết lập hệ thống tưới nhỏ giọt và tranh thủ trữ nước ngọt phòng các đợt mặn xâm nhập vào các kỳ triều cao. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng triển khai xây dựng nhanh các công trình thủy lợi đã được bố trí vốn để đưa vào sử dụng nhằm tăng khả năng ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ tốt cho chống hạn, mặn.
Đối với các biện pháp lâu dài, ông Liêu Cẩm Hiền cho biết, trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Long sẽ dần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu; chuyển dần sang các phương pháp, quy trình sản xuất giảm phụ thuộc vào thời tiết như nhà màng, nhà lưới, sản xuất theo nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, sự điều chỉnh trong cơ cấu cây trồng vẫn phải dựa trên cơ sở kế thừa và phát huy các sản phẩm lợi thế của tỉnh như cây ăn trái, lúa, màu, chăn nuôi heo, gia cầm, bò thịt, cá tra và một số thủy sản đặc sản. Ngành nông nghiệp cũng rà soát lại quy hoạch các ngành có lồng ghép ứng phó với hạn, mặn và biến đổi khí hậu; rà soát, điều chỉnh trong thiết kế, xây dựng công trình có tính đến hạn mặn và biến đổi khí hậu nhằm tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Ông Trương Quang Phú, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long cho rằng, bên cạnh các giải pháp công trình thì giải pháp phi công trình cũng rất cần thiết. Tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân biết ảnh hưởng và tác hại của hạn hán, xâm nhập mặn để người dân có ý thức trong phòng tránh; hướng dẫn các phương pháp bảo vệ sản xuất, nhất là lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi trong tình hình hạn, mặn; khuyến khích người dân tận dụng mương, ao xung quanh nhà để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất; sử dụng tiết kiệm nước và không để ô nhiễm nguồn nước.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trọng Danh, hạn hán, xâm nhập mặn nằm trong quy luật tự nhiên và đã được dự báo trước. Vì thế, các ngành, các địa phương cần bình tĩnh ứng phó, phải thích nghi để biến thiên tai thành lợi thế mới cho nền sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa.