Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hạt Dẻ Trùng Khánh, sản vật quý ở vùng đất Cao Bằng

(19:44:41 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Hạt Dẻ Trùng Khánh nổi tiếng đã đi vào sách giáo khoa môn văn của học sinh cấp I (nay là cấp tiểu học) vào những năm 60 của thế kỷ trước. Nhưng ít ai có duyên được thưởng thức món ẩm thực chính hiệu độc đáo này, nếu có cũng rất là hiếm hoi.

hat de trung khanh

 

Hạt Dẻ Trùng Khánh, sản vật quý ở vùng đất Cao Bằng


Theo như lời ông Lê Văn Lạc, Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Cao Bằng, hạt dẻ ở nước ta là thứ quả chỉ có ở vùng đất biên cương Lạng Sơn, Cao Bằng mà thôi. Dù có chế biến theo cách luộc, rang, sấy khô hay ninh với chân giò, thịt gà thì hương vị thơm ngát đặc trưng của nó vẫn vẹn nguyên.

 

Nhưng hạt dẻ thơm ngon, bùi ngậy nhất và có hương thơm đặc biệt không nơi đâu sánh bằng phải được trồng trên đất Trùng Khánh. Quả có màu nâu đều, tròn trịa, hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái.


Tuy vậy, do đồng bào Tày, Nùng trồng theo lối quảng canh nên sản lượng không đáng kể. Ngay tại Thị xã này ai có cơ may mới mua được đúng Hạt Dẻ Trùng Khánh, mà phải vào tháng 9, tháng 10 hàng năm vì đây là mùa thu hoạch. Sau thời điểm này, dù là người địa phương sành sỏi cũng khó lòng mua được do việc bảo quản tránh bị ẩm mọt rất khó khăn.



Đánh đường hơn 90km từ Thị xã Cao Bằng tìm lên trung tâm huyện Trùng Khánh mất ba tiếng đồng hồ ngồi ôtô, có đoạn xóc "nảy đom đóm mắt".

 

Ông Nông Văn Nhâm, phó chủ tịch huyện phụ trách kinh tế, tiếp đoàn chúng tôi theo phong cách mộc mạc của người miền núi. Nghĩa là khách hỏi gì thì chủ nhà trả lời nấy không hề "vòng vo Tam Quốc".

 

Ông Nhâm cho biết, diện tích trồng cây Dẻ ở đây lúc cao điểm lên đến 500ha, nhưng hiện chỉ còn 300ha trong vườn của khoảng 100 hộ. Nguyên nhân do trước năm 2008, tỉnh cho phép trồng thứ cây đặc sản này nằm trong chương trình 5 triệu ha rừng, nên rút cục nó trở thành "cây dẻ hoang".


Tiếp đó, cơ quan chức năng lại ứng dụng nhân giống Dẻ bằng phương pháp cấy ghép, nhưng khi mang đi trồng thì đa số đều còi cọc, một vài cây có quả thì "chỉ to bằng ngón tay út" nên đồng bào buộc phải chặt bỏ thay thế bằng cây khác, hoặc trồng lại bằng phương pháp truyền thống ươm mầm.



Tuy trồng cây dẻ không tốn công sức chăm sóc, giá thành hạt Dẻ cao hơn hẳn ngô, đậu đỗ nhưng đồng bào ở Trùng Khánh vẫn chẳng muốn mở rộng diện tích. Lý do chính là phong tục thả rông trâu bò ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ và thu hoạch hạt dẻ. Đặc biệt là người tiêu dùng không có căn cứ để nhận biết đâu là hạt dẻ Trùng Khánh đích thực, nên đồng bào sợ trồng nhiều thì lại khó tiêu thụ.


Đến nay huyện chỉ còn bốn xã Khâm Thành, Chí Viễn, Đình Minh và Phong Châu còn diện tích trồng dẻ tập trung, gia đình nhiều nhất là 1ha. Do đó, trong báo cáo phát triển kinh tế của huyện cũng không hề có một dòng nào đề cập đến cây dẻ-thứ cây đặc sản có đủ điều kiện trở thành “mũi nhọn” hàng hoá ở địa phương.


3.000ha có khả thi?



Trong số các dự án mà tỉnh Cao Bằng mời gọi đầu tư trong năm 2010, trong đó có dự án trồng và chế biến hạt dẻ 3.000 ha tại huyện Trùng Khánh, tổng vốn đầu tư lên đến 3 triệu USD bằng giải pháp liên doanh hoặc 100% vốn bên ngoài.

 

Bình luận về dự án, ông Nông Văn Nhâm cho rằng điều đó có thể thành hiện thực nếu giải quyết thấu đáo về thương hiệu, công nghệ bảo quản, đầu ra ổn định và giá cả hợp lý. Bởi lẽ huyện vẫn còn hơn 3.000ha đất trồng màu đủ điều kiện thổ nhưỡng chuyển đổi thành diện tích chuyên canh cây dẻ, để trở thành vùng nguyên liệu tập trung.



Từ năm 2002, Sở Khoa học&Công nghệ tỉnh đã triển khai dự án xây dựng mô hình bảo quản và chế biến một số quả đặc hữu như hạt dẻ,mMắc mật thuộc dự án của chương trình nông thôn miền núi, do Viện Cơ điện Nông nghiệp chuyển giao.

 

Tiếp đó, từ tháng 11/2008, UBND huyện Trùng Khánh đã chủ trì thực hiện dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, xây dựng chỉ dẫn địa lý Trùng Khánh cho sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.


Ngoài phần lớn những công việc chính đã hoàn thành, dự án còn thành lập được Hiệp hội hạt dẻ Trùng Khánh gồm bốn chi hội, với 27 tổ hội tổng cộng 446 hộ tham gia. Hiện bốn xã được thụ hưởng dự án này đã hình thành được gần 80ha dẻ, trong đó 72ha đã cho thu hoạch khoảng 70 tấn/năm, đạt thu nhập bình quân tới 100 triệu đồng/ha.


Riêng Công ty Quảng cáo Tầm nhìn OCC đã thiết kế sản xuất thử dấu hiệu nhận biết về logo, nhãn hiệu sản phẩm hạt Dẻ Trùng Khánh; Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã hoàn tất Điều lệ Hội, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể Hạt Dẻ Trùng Khánh, quy chế quản lý chất lượng sản phẩm…

 

Đây là cơ sở cần thiết tạo thương hiệu cho Hạt Dẻ Trùng Khánh và đa dạng hoá các sản phẩm chiết xuất tinh dầu, bánh kẹo, rượu…từ hạt dẻ, giúp đồng bào các dân tộc ở vùng biên cương xa xôi này trong tương lai gần có thể làm giàu ngay chính quê hương mình.



Tới thăm HTX Đại Nam do bà Vương Thị Tuyết làm chủ nhiệm tại thị trấn Trùng Khánh, chuyên sản xuất rượu trưng cất từ hạt dẻ. Tháng 11/2009, HTX vinh dự được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến tham quan và tặng quà.

 

Nhãn mác đặc thù gắn vào những chai rượu đặc sản đủ chủng loại ở đây do đích thân Bí thư Huyện ủy Nông Văn Chấn sáng tác, điều đó đã nói lên kỳ vọng của đảng bộ và đồng bào địa phương đối với cây dẻ lớn lao như thế nào.



Minh chứng về khả năng phát triển thành hàng hoá của cây dẻ Trùng Khánh càng sống động hơn, khi chị Bế Thị Bằng, Chánh Văn phòng UBND huyện đưa chúng tôi tới tìm hiểu mô hình trồng dẻ của chị Lý Thị Hoà ở tổ 11 thuộc thị trấn. Với hệ thống tường bao vững chãi ngăn gia súc phá hoại, gần 1ha chuyên canh cây Dẻ của gia đình chị lá xanh mướt mát đang vào kỳ đơm nụ.


Ngoài hệ thống chuồng nuôi lợn tạo nguồn phân hữu cơ bón cây, chị Hoà còn tận dụng bóng mát của vườn để nuôi gà diệt trừ mối, nhất là loại côn trùng như xén tóc và ve sầu gây hại cho cây dẻ.

 

Chị bộc bạch trồng cây dẻ không vất vả như trồng rau màu, dù mất mùa do hạn nặng như năm ngoái vẫn có thể thu về được 40-60 triệu đồng/ha. Nên mặc dù đã nghỉ hưu chị vẫn một mình chăm sóc được vườn dẻ, từ ngôi nhà khang trang với các vật dụng nội thất đắt tiền đều do hạt dẻ mang lại.


Một phát hiện thú vị nữa là hoa của cây dẻ khi đốt lên ruồi muỗi đều “biến mất tăm”, có thể chế biến thành hương sinh học đuổi muỗi thân thiện với môi trường. Chị Hoa khẳng định, nếu huyện hỗ trợ về vốn đầu tư, giá cả và nơi tiêu thụ hạt dẻ hợp lý và ổn định “Thì tôi và mọi gia đình ở đây dại gì không mở rộng diện tích trồng cây dẻ!”.



Có thể nói, đường hướng phát triển cây dẻ Trùng Khánh thành vùng nguyên liệu lớn với những sản phẩm hàng hoá mũi nhọn đã và đang hình thành. Nhưng có trở thành hiện thực hay không còn tuỳ thuộc vào sự quyết tâm của huyện và các cơ quan hữu quan tỉnh Cao Bằng.

 

Để một ngày nào đó, cây dẻ Trùng Khánh với những sản phẩm đặc trưng của nó sẽ trở thành thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước, chấm dứt tình trạng “áo gấm đi đêm” như hiện nay.

Văn Hafo - Thanh Tuấn