Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nơi cái không thể biến thành có thể

(19:44:37 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Ngày 3, 4-4-2010 là tròn 45 năm kể từ khi quân và dân Hàm Rồng, Thanh Hóa lập nên chiến công vang dội cả thế giới, đánh bại cuộc tiến công đầu tiên, quy mô rất lớn của Không quân Mỹ nhằm đánh sập cây cầu cực kỳ quan trọng trên tuyến đường huyết mạch vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.


Tiểu đội trưởng dân quân Nguyễn Thị Hiền - thôn Yên Vực, Hàm Rồng, Thanh Hóa đi trực chiến. Ảnh của Mai Nam chụp năm 1966


Chiến dịch Sấm Rền

 

Bộ chỉ huy Mỹ đánh giá cầu Hàm Rồng là một “điểm tắc lý tưởng” nhất trong số 60 điểm tắc đã được xác định trên con đường huyết mạch Bắc - Nam từ Hà Nội đến vĩ tuyến 17.

 

Và theo họ, nếu đánh sập được cầu Hàm Rồng thì sẽ cơ bản ngăn chặn được sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ vào đêm ngày 10-2-1965, Tổng thống Johnson đã quyết định mở cuộc oanh tạc lớn xuống Hàm Rồng bằng lực lượng không quân hỗn hợp để “bịt đầu mút” và “bẻ gãy cán xoong” của Bắc Việt Nam.

 

Để thực hiện chiến dịch có tên “Sấm rền” này, Mỹ đã dựng mô hình cầu Hàm Rồng ở Hạm đội 7 cho các phi công  sừng sỏ luyện tập ngày, đêm, đồng thời liên tiếp cho máy bay trinh sát, do thám lực lượng phòng không của ta trước lúc cuộc công kích bắt đầu.

 

Nhưng quân dân ta ở khu vực Hàm Rồng đã chuẩn bị sẵn sàng.


Ngày đen tối của Không lực Mỹ

 

Trong hai ngày 3, 4-4-1965, Mỹ đã huy động hàng trăm máy bay phản lực hiện đại đủ loại từ Hạm đội 7, sân bay Cò Rạt (Thái Lan) và sân bay Đà Nẵng... đến đánh phá ồ ạt, liên tiếp xuống Hàm Rồng và các mục tiêu quan trọng phụ cận như Đò Lèn, Phà Ghép.

 

Không quân Mỹ đã sử dụng tới 174 lần tốp với 454 lần chiếc máy bay và ném xuống 627 quả bom phá, 58 quả bom nổ chậm (từ 50 đến 1.000 kg)... Riêng ở Hàm Rồng, địch có 85 lần bổ nhào, cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả rốc két.

 

Trong hai ngày thử lửa đầu tiên, các lực lượng pháo binh, không quân, hải quân, dân quân tự vệ của ta đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu vô cùng dũng cảm, bảo vệ vững chắc cầu Hàm Rồng, bắn hạ 47 máy bay Mỹ.

 

Đặc biệt, trong trận này, Không quân ta lần đầu xung trận đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ.  Ngay sau đó, báo chí phương Tây đã đồng loạt đăng tin về sự thất bại đau đớn, nhục nhã của đế quốc Mỹ và có tờ báo đã bình luận: “Đây là ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”.

 

Hai ngày 3 và 4-4-1965 đã đi vào lịch sử như một chiến thắng vang dội của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

 


Cầu Hàm Rồng hôm nay. Ảnh: Hoàng Lam

 

Tọa độ lửa

 

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân (1965 - 1968 và 1972), Mỹ không ngưng nghỉ tìm cách đánh sập cầu Hàm Rồng.

 

Tổng cộng không quân và hải quân Mỹ đã huy động tới 2.857 lần chiếc máy bay hiện đại đủ loại (kể cả “pháo đài bay” B52) để đánh vào khu vực Hàm Rồng 1.069 trận lớn nhỏ (trong đó đánh trực tiếp vào cầu Hàm Rồng là 223 trận) và giội xuống đây 7 vạn tấn bom (trong đó có 11.256 quả bom phá, 94 quả bom nổ chậm, 464 quả bom bi mẹ, 600 quả tên lửa, 2.860 quả rốc két, 6 quả thủy lôi...).

 

Nếu tính bình quân thì cứ mỗi người trong khu vực Hàm Rồng đã phải hứng chịu 70 kg bom đạn. Riêng Nhà máy điện 4-4 cũng hứng chịu tới 600 tấn bom đạn, còn ở thôn Yên Vực thì bình quân 63 quả bom/1 đầu người và Nam Ngạn là 13 quả/1 đầu người.

 

Nhưng toàn bộ cố gắng cùng cái gọi là “sức mạnh Hoa Kỳ” đều trở nên vô nghĩa bởi thế đứng bất diệt của Hàm Rồng. Tính đến năm 1972, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 116 máy bay, trong đó có cả “pháo đài bay” B52 (nếu theo sự công bố của báo chí phương Tây thì số máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Hàm Rồng còn lớn hơn).

 

Trong cuộc chiến vô cùng ác liệt này, Hàm Rồng đã trở thành một vùng “Tọa độ lửa” có tính chất chiến lược để thử sức mạnh giữa Việt Nam và đế quốc Mỹ.

 

Ngay thời kỳ ấy, một khách nước ngoài khi đến thăm cầu Hàm Rồng đã phải thốt lên một cách kinh hoàng và thán phục: “Thật kỳ lạ! Trong lịch sử phá hoại bằng không quân trên thế giới, chưa có chiếc cầu nào được bảo vệ lâu đến như vậy”.

 

Một bức ảnh cầu Hàm Rồng được in trong tạp chí không quân Mỹ với lời chú: “Than ôi! Chiếc cầu vẫn đứng vững!”. Còn đây là lời nhận xét khách quan của Giáo sư Gerhard Grummer viết trong tài liệu “Accuastion de la Jungle” (do Uỷ ban Việt Nam bên cạnh Ủy ban đoàn kết Á - Phi của Cộng hòa dân chủ Đức xuất bản ở Berlin) đã nói hộ chúng ta một phần sự thật sinh động về cuộc chiến ở Hàm Rồng:

 

“Trên hàng không mẫu hạm Coral Sea thuộc Hạm đội 7, tôi nhìn thấy một cái mô hình cầu Hàm Rồng, thường là trước khi tiến hành cuộc oanh kích, các phi công Mỹ nghiên cứu mô hình này rất tỉ mỉ, tính toán những góc độ mới để phóng bom.

 

Nhưng thường mỗi lần làm nhiệm vụ là họ trở về với nỗi cáu sườn vì lại mất 2, 3, 4 có khi 5 hay 6 người trong họ... Chỉ riêng các khẩu đội bảo vệ cầu cũng đã hạ đến 200 máy bay kể từ năm 1965. Nhiều người trong khẩu đội đó đã bị chết, bị bom làm sát thương.

 

Nhưng một người ngã thì lập tức người khác thay thế ngay. Ngày hôm nay chỉ còn cầu Hàm Rồng, bị mảnh bom đã vỡ làm cho vặn vẹo đi, nhưng chiếc cầu này vẫn bất khả chiến bại. Đối với những người Bắc Việt Nam, đây là hình tượng của sức chống trả mãnh liệt trong chiến tranh, đây là niềm tin tất thắng...”.

 

Những anh hùng

 

Trong những ngày bom đạn khốc liệt nhất, quân dân Hàm Rồng đã lấy đá trắng xếp trên sườn cao núi Cánh Tiên thành hai chữ “Quyết Thắng” khổng lồ. Và khi Toà Nhà Trắng huênh hoang tuyên bố sẽ đánh sập được cầu Hàm Rồng để “đẩy Bắc Việt Nam ra khỏi mặt đường” thì cũng là lúc ở khắp các trận địa pháo, lại vang lên tiếng hô nhắc lại lời bất hủ của pháo thủ C4 anh hùng:

 

“Thà gục trên mâm pháo quyết không để cầu sập” và cũng là lúc ở phía đội cầu 19/5 cảm tử, thợ hàn Phùng Sanh Vĩ đã thề cùng đồng đội: “Cầu còn thì mình còn, phải giữ cầu bằng được”. Đó chính là lời thề sắt son của công - nông - binh Hàm Rồng.

 

Với sức hút của cuộc chiến đấu, đến cửa Phật cũng mở rộng để nhà sư Đàm Xuân xông ra trận địa tiếp cơm, tiếp sức cho bộ đội. Ngôi chùa Mật Đa và đền thờ Chu Nguyên Lương ở Nam Ngạn cũng trở thành binh trạm để cứu chữa thương binh.

 

Ở khắp mọi nơi, từ dưới mặt đất hay trên tầng không, từ nhà máy đến các xóm làng, đồng lúa, dòng sông, đồi núi... ở đâu cũng đều là trận địa phụt lửa thiêu cháy máy bay Mỹ.

 

Vô vàn gương anh hùng, dũng cảm của tập thể công – nông – binh Hàm Rồng: Các anh hùng Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh (không quân), Ngô Thị Tuyển (dân quân), Đỗ Chanh (Nhà máy điện 4-4) và các chiến sĩ Nguyễn Văn Điền (Đại đội 4 pháo), Nguyễn Thị Hằng, Ngô Thị Dung, mấy anh em Ngô Thọ Lan (Nam Ngạn) và 80 dũng sĩ Yên Vực cùng biết bao người khác đã từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Hàm Rồng dù tên tuổi đã nhòa vào lịch sử đều góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong việc giữ vững chiếc cầu sắt để mạch máu hậu phương nối liền với tiền phương.

 

Khi đế quốc Mỹ tập trung mọi tiềm tàng sức mạnh về quân sự để tiêu diệt sự sống ở Hàm Rồng thì chính ở đây, sự sống lại vươn dậy và nhân lên hơn bao giờ hết.

 

Nhà máy điện 4-4 ngay sát cầu - một nơi cũng không tính hết được số lần bom giội nhưng vẫn hiên ngang như một pháo đài kiên cố để giữ vững dòng điện cho tỉnh Thanh.

 

Sự sống của Hàm Rồng còn hiện rõ trên sắc vàng của các cánh đồng 5 tấn/ha ở Nam Ngạn, Yên Vực, Đông Sơn chi chít hố bom. Và nếu ai có đến Hàm Rồng thì mới hiểu được những gì nhà thơ Dmitrova người Bulgary đã viết trong cuốn Ngày phán xử cuối cùng: “Làm ruộng đã thực sự là một cuộc chiến đấu ác liệt. Nhiều người nông dân đã hy sinh. Một cuộc chiến đấu sinh tử giành lấy từng bông lúa”.

 

Còn vang vọng mãi

 

Đã qua rồi 45 năm sau chiến thắng lịch sử đầu tiên, các vết thương chiến tranh đã được hàn gắn và nhiều công trình mới đã mọc lên ở Hàm Rồng. Cả khu vực Hàm Rồng đều thay da, đổi thịt theo hướng hiện đại hóa, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ hùng vĩ và thơ mộng.

 

Dấu tích của thời chiến tranh vẫn được bảo tồn, phát huy ở nơi chiếc cầu sắt cũ, và ở trận địa C4 trên cao điểm 54 và Hang Mắt Rồng, v.v... Với thế hệ hôm nay, Hàm Rồng được xem như một hệ thống bảo tàng di tích với ý nghĩa, tầm vóc vô cùng to lớn.

 

Ở khu vực trung tâm phía bờ Nam cầu Hàm Rồng, một quảng trường lớn với cụm tượng đài chiến thắng và đền thờ các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu ở Hàm Rồng được khánh thành đúng vào dịp kỉ niệm 45 năm ngày Hàm Rồng chiến thắng đầu tiên (3, 4-4-1965 – 3, 4-4-2010).

 

45 năm ngày 47 máy bay bị hạ gục tại đây, Hàm Rồng đã trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong ngoài nước với các chương trình tham quan di tích chiến tranh còn lưu giữ (như cây cầu và trận địa C4...), trong tổng thể dày đặc các danh thắng, các di tích lịch sử, văn hóa của các vùng phụ cận và cả xứ Thanh.

Phạm Tấn (TP)