Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sông Hồng, đoạn Tứ Liên - Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng
Mới xin chủ trương đầu tư
Trả lời, ông Nguyễn Xuân Tự - vụ trưởng Vụ Thẩm định giám sát đầu tư (Bộ KH-ĐT) - xác nhận Công ty TNHH Xuân Thiện đã đề xuất và Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng xin chủ trương đầu tư. Theo ông Tự, xin chủ trương đầu tư là bước ban đầu, chưa phải là báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi.
Ông Tự cho biết thực tế chủ đầu tư có đề xuất nhiều phương án, như làm 3, 5 và 7 bậc với các đập và âu tàu. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa giải trình được tại sao là 3 đập, tại sao là 7 bậc. Vì vậy, trong báo cáo, Bộ KH-ĐT cũng đã nêu rõ sẽ cần phải tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề.
Về cơ bản, ông Nguyễn Xuân Tự cho biết ý kiến đánh giá các bộ ngành gửi về đều không quá lo ngại, bởi đây là các đập thủy điện ở mực nước thấp, là những âu tàu chứ không phải đập cao như Hòa Bình, Sơn La.
Các đập sẽ nâng nước lên cao theo từng bậc nên đã có nhiều ý kiến ủng hộ. Tất nhiên, ông Tự công nhận để làm các đập thủy điện trên sông Hồng sẽ không đơn giản và sẽ phải đánh giá rất kỹ việc gây ngập cho các địa phương hai bên sông khi tiến hành dự án.
Chủ đầu tư: các bộ ngành đã đồng ý
Trao đổi, ông Nguyễn Huy Hoàng - phó giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện - khẳng định dự án đã được Thủ tướng cho phép thẩm định, các bộ ngành liên quan đã đồng ý, hiện chỉ chờ Thủ tướng ký quyết định phê duyệt.
“Các bộ ngành đã đồng ý gồm các bộ Công thương, GTVT, NN&PTNT, Quốc phòng, KH-ĐT, EVN, còn các địa phương Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ đều ủng hộ cao” - ông Hoàng cho biết.
Theo ông Hoàng, nếu Thủ tướng phê duyệt ngay thì cuối năm 2016 dự án có thể bắt đầu triển khai được.
“Quy hoạch này có từ năm 2000, ban đầu Nhà nước phê duyệt vốn ngân sách, nhưng sau đó do khó khăn nên không đưa vào mà khuyến khích xã hội hóa. Hiện mọi điều kiện của chúng tôi đã sẵn sàng, vốn cũng là của doanh nghiệp hoàn toàn, không hề dùng vốn ngân sách” - ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cho hay dự án dự kiến triển khai làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2016-2019, giai đoạn 2 từ 2019-2022.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, dự án đặt kỳ vọng rất lớn nhằm biến dòng sông vốn là sông “chết” hồi sinh, khôi phục cảnh quan đẹp, vừa giúp thông thương đường thủy, giảm tai nạn và giảm tải cho giao thông đường bộ, vừa giúp thủy lợi vừa cung cấp điện...
Liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng, ông Hoàng khẳng định do đặc thù địa hình dốc nên chủ đầu tư chỉ nạo vét ghềnh đá hoặc bãi bồi giữa sông, ngoài ra hồ chứa cũng được tận dụng các vách núi để thi công nên không ảnh hưởng nhiều tới môi trường hay xâm phạm đất canh tác của người dân.
“Không mất đất lúa của dân mà còn cung cấp nguồn nước dự trữ phục vụ tưới tiêu, môi trường thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều” - ông Hoàng nói.
Liên quan tới ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng đối với dự án có tổng mức đầu tư lớn như trên, nếu Công ty TNHH Xuân Thiện muốn vay được 70% vốn thương mại thì buộc phải có vốn điều lệ lên tới 7.300 tỉ đồng, trong khi hiện nay vốn điều lệ của công ty chỉ 1.200 tỉ, ông Hoàng nói công ty có nhiều giải pháp để xử lý: “Chúng tôi có rất nhiều lựa chọn, như tăng vốn điều lệ lên, hợp tác đầu tư với đối tác khác, hoặc lựa chọn hình thức tín dụng nhà thầu (cho các nhà thầu tham gia góp vốn bằng máy móc, thiết bị)...”.
Ngoài ra ông Hoàng cho rằng do dự án chia làm nhiều giai đoạn nên chủ đầu tư cũng có thể xoay vòng, lấy nguồn thu giai đoạn đầu tái đầu tư cho giai đoạn tiếp theo...
* GS.TS Vũ Trọng Hồng (nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn): Đụng vào sông Hồng sẽ mất vựa lúa
Phải nói cho rõ: sông Hồng là dòng sông cổ, mà những dòng sông cổ thì không nên động chạm đến nó. Sông Hồng có đáy sông là trầm tích của cả nghìn năm để lại, nếu bây giờ bị phá đi phải mất hàng nghìn năm mới bồi tụ lại được.
Tôi cho rằng nếu động vào sông Hồng, nhiều vấn đề quan trọng chưa chắc các nhà khoa học đã tính được. Trước đây, để tính những diễn biến của dòng sông cổ này khi làm thủy điện Hòa Bình, người ta đã phải lập chương trình để chạy, xem thử việc làm thủy điện Hòa Bình thì dòng sông Hồng có bị thay đổi độ dốc không.
Đến khi có kết luận độ dốc không thay đổi mới làm nhưng bây giờ thì sông Hồng đã dốc rồi. Bộ NN&PTNT đã lên tiếng lòng sông tụt xuống 1m và nước kéo theo chứ không phải lòng sông còn mà nước thấp xuống.
Như vậy, nếu chúng ta làm tiếp mấy cái đập nữa, lòng sông sẽ tụt xuống bao nhiêu? Khi lòng sông tụt xuống, hai bên bờ bị phá, cửa sông bị phá, nước biển xâm lấn vào thì cả vùng đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định xâm nhập mặn tác động, hậu quả là khôn lường.
Khi làm các đập ở đầu nguồn sông Hồng, đương nhiên các con đập sẽ giữ lại bùn cát, các hạt lơ lửng, lúc đó dòng sông không có các chất bồi tích và dòng sông sẽ phá sang hai bên bờ. Đáng lưu ý nhất là không thể lường được dòng sông Hồng sẽ phá như thế nào ở hạ du.
Nếu là dòng sông không chảy ra biển thì có thể còn làm được đập chắn, nhưng đây là dòng sông cổ chảy ra biển, đặc biệt là dòng chảy ngoằn ngoèo, sẽ phá rất nhiều sang hai bên bờ.
Như vậy, nếu làm đập ở thượng nguồn thì chắc chắn ở hạ nguồn, tức là từ Hà Nội trở xuống, sẽ bị phá hai bên bờ. Hà Nội sẽ đối mặt với nguy cơ bị dòng chảy khoét, dòng sông sẽ ăn sâu vào đất liền và việc phải di chuyển dân là chắc chắn.
Đây là điều tối quan trọng trong diễn biến của lòng sông Hồng, đồng thời ở cửa sông cũng sẽ khoét thêm và nước mặn ngoài biển sẽ vào là chắc chắn. Khi nước mặn vào thì nguồn lương thực của một vựa lúa sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, tôi cho rằng đừng đặt câu hỏi về cái lợi hôm nay mà phải đặt những câu hỏi về cái mất để tính cho cả trăm năm sau.
Bài học đã có rồi, đó là khi Trung Quốc làm thủy điện ở thượng nguồn thì chúng ta đã khổ vì phụ thuộc nguồn nước rồi. Nếu bây giờ chính chúng ta lại làm thủy điện, chắc khó lường được các hậu quả xảy ra.