Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trẻ em cũng khai thác vàng (ảnh minh họa - báo TT)
Cuối tháng 3, UBND tỉnh Kon Tum có hai công điện khẩn gửi huyện Đak Glei và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh khẩn trương lập lại trật tự, kỷ cương tại những bãi khai thác vàng trái phép. Tuy vậy, ở những bãi vàng trên địa bàn huyện Đak Glei chỉ tạm yên và đang tiềm ẩn những nguy cơ mới...
Sóng ngầm vẫn còn đó
“Nhà báo ơi, chúng nó vẫn âm thầm làm việc đó. Các phương tiện cơ giới hạng nặng như xe đào, múc chỉ tạm nghỉ, chờ cơ hội thôi, chứ không dừng đâu, nhất là ở Đăk Pét.”- một người dân trong vòng phản ánh với chúng tôi về thực trạng khai thác vàng lậu nơi này.
Một ngày đầu tháng 4, khi màn đêm bắt đầu buông xuống, dọc con suối Đak Mỹ (xã Đak Pét) yên lặng đến bất thường. Sau khoảng một tiếng đồng hồ đảo quanh dọc con suối thì “cọc cọc cọc” những tiếng máy hút đất bắt đầu nổ, báo hiệu một ca làm mới của vàng tặc.
Đầu thôn Pêng Sal Pêng, giữa con suối Đăk Mỹ là hàng chục con người đang tay múc, tay cào, cứ thế họ làm việc cật lực.
Một hố đào rộng, sâu, ụ đất cao…máy được khởi động, hút tất cả những gì có trong hố lên bờ, ở đó đã có gần chục thanh niên trai tráng đang đợi sẵn sàng. Việc khai thác vàng lậu ở đây của người dân một cách ngang nhiên, không có dấu hiệu gì họ tỏ ra sợ sệt. Một số người còn làm dáng…phóng viên ghi hình.
Thôn Đak Đoát gần như mọi việc vẫn không hề thay đổi, có chăng là ba cái máy xúc trước đây hoạt động ngày đêm, giờ đắp mền ngồi chơi. A Gin- người dân trong làng cho biết “Không biết mấy bữa nay có chuyện gì mà chúng không làm. Nó đắp mền cả mấy bữa nay nhưng vẫn còn một cái làm. Đó là máy của A Na thuê làm- một máy xúc loại lớn vẫn hoạt động.
Cả một hố lớn đã được chiếc máy đào xúc rộng hàng chục mét vuông, bên cạnh đó, các chiến tích cũ vẫn còn ngổn ngang. Cả người và máy cứ vô tư làm việc. Không có dấu hiệu gì cho thấy họ khai thác vàng… lậu cả.
Dưới lòng suối Đăk Mỹ chạy dọc qua các thôn, những hình ảnh khai thác rầm rộ không có nhưng máy hút vẫn còn hoạt động. Những tốp người nhỏ vẫn cứ hồn nhiên khai thác khoáng sản.
Không một ai trong xã, chính quyền thôn can thiệp dù trước đó, chỉ cuối tháng 3 vừa qua thôn Đăk Đoat liên tiếp đã họp bàn về việc cấm khai thác vàng (17, 24 và 27/3) nhưng đến nay việc khai thác vẫn diễn ra.
Tại cuộc họp, thôn tiếp tục yêu cầu di dời máy móc ra khỏi địa bàn nhưng vẫn chưa có kết quả vì “khi kiểm tra, máy móc chưa hoạt động nên không thể xử lý được” ông Trịnh Xuân Lộc- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei khẳng định.
Trong khi đó, theo phản ánh của người dân thì việc máy móc không hoạt động là do chúng biết có đoàn kiểm tra, như máy nhà A Na thì vừa mới nghỉ vài tiếng lại hoạt động lại.
Trong khi đó, tại thôn Pêng Sal Pêng, theo báo cáo của trưởng thôn A Môk thì người dân trong thôn mua 11 máy hút cát, đất để hoạt động. Những ngày qua, mặc dù thôn đã ba lần họp dân để thông báo và yêu cầu dân không khai thác vàng nhưng mọi người vẫn cứ làm. “Trời nắng nóng, dân bỏ rẫy đi đãi vàng”.
Theo A Môk , trong các cuộc họp, mặc dù đã yêu cầu di dời các máy đào, xúc ra khỏi địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa thấy có hiệu quả...
Trong báo cáo số 15/TN&MT, Phòng Tài nguyên&Môi trường huyện Đăk Glei với huyện khẳng định “Trong thời gian kiểm tra các điểm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Đăk Pek đã ngưng hoạt động nhưng một số máy móc, phương tiện vẫn chưa ra hết khỏi địa bàn nhằm lợi dụng vào những ngày nghỉ hoặc ban đêm lén lút hoạt động khai thác trái phép” .
Khai thác lậu có tổ chức
Khai thác vàng dưới sông (ảnh minh họa - báo TT)
Qua tìm hiểu, thu thập thông tin có thể khẳng định việc người dân ngang nhiên khai thác vàng trái phép, các phương tiện cơ giới bay vào đây đều có sự tiếp tay từ các đầu nậu đứng sau chống lưng. Với danh nghĩa thuê máy đào ao, cải tạo ruộng đồng… các chủ phương tiện trên đã ngang nhiên vào đây khai thác vàng công khai.
Việc máy đào ngông của nhà A Na hoạt động công khai (dù đã bị cấm) trong ngày 1/4 vừa qua là do A Na là công an thôn. Để hợp thức hóa việc trên, A Na đã làm hợp đồng kinh tế khống thuê máy của Phạm Đình Hoa ở Quảng Nam để đào ao trong một tháng với giá 45 triệu đồng.
Bản thân trong nhà A Na cũng chẳng khá giả gì nhưng anh vẫn tự tin thuê máy đào. Khi được hỏi đã tự nuôi cá chưa thì A Na khẳng định không biết nuôi cá như thế nào nhưng “Mình thuê đào ao, tận dụng máy múc tìm vàng để trả tiền thuê” A Na thú nhận.
Trong khi đó, qua tìm hiểu được biết tại xã Đăk Long, việc khai thác vàng đều do 5 người tổ chức thực hiện. Tại thôn Dục Lang có nhóm của T.Đ.T trú tổ 4 thị trấn Pleik Kần-huyện Ngọc Hồi làm chủ.
T đã thuê bảy người cùng ba xe đào để khai thác một vùng rộng cả nghìn mét vuông. Để thực hiện được việc này, T đã hợp đồng với A BLăng-Chủ tịch UBND xã đào ao nuôi cá trên diện tích trồng cây hàng năm nhưng thưc tế T tự thuê đất đào ao.
Sau khi thấy động, T đã cho máy móc ngưng hoạt động nhưng mọi phương tiện, lán trại vẫn còn nguyên. Cũng với chiêu thức trên, Y Mun ở xã Đăk Pét (huyện Đăk Glei) cũng mang phương tiện gồm máy đào, xà lan, bơm hút, sàn tuyển vàng vào để đào…ao cho A Phăng ở làng Dục Lang xã Đak Long.
Tại thôn Đak Tu, cặp T.V.Đ và T.V.S ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình dẫn gần chục thợ chuyên nghiệp từ ngoài Bắc vào cùng máy móc chuyên dụng để bơm, hút, sàng tuyển vàng sa khoáng, khống chế cả khu vực để khai thác lậu….
Trong khi đó, tất cả máy móc hoạt động tại Đăk Pét đều có chủ. Đó là máy của vợ chồng V T-chủ tiệm vàng ở thị trấn Đăk Glei. Tại đây, vợ chồng VT đều làm hợp đồng với người dân thuê máy đào mỗi ca 5-7 triệu đồng… Gần như người dân nơi đây muốn làm ăn lớn đều thuê máy VT. Tất cả chiến lợi phẩm đều được vợ chồng trên bao thầu thu mua.
Thực tế việc ăn chia sản phẩm giữa người dân và chủ phương tiện thường là 5-5. Khi phát hiện phóng viên đến ghi hình, bà vợ là T đã nổi đóa thách thức “bà khai thác đấy, có giỏi thì đưa tin đi”.
Không những vậy, tối đến, cánh phóng viên đã bất ngờ bị phục kích. Một máy quay của phóng viên đài huyện bị ném đá bể ống kính, 1 số phóng viên khác bị đuổi đánh….dù khi đi có cả lực lượng công an xã dẫn đường.
Không những vậy, đôi vợ chồng VT còn vượt rào khi ngang nhiên mượn việc công (xây tường rào cho trường Tiểu học Võ Thị Sáu) để khai thác vàng nơi này.
Điều đáng nói là hợp đồng giữa vợ chồng VT với DNTN Kim Ngọc (đơn vị chưa được trúng thầu nhưng tự ý làm hợp đồng kinh tế trước) được ký ngày 18/3, trong khi đến ngày 28/3 dự án trên mới được huyện phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Việc đào móng, gia cố tường chưa làm nhưng đơn vị thi công trên đã kịp khoét vào chân móng của tường rào một khoảng rộng, khiến cho ngôi trường như đứng chênh vênh giữa lòng suối.
Trước những bức xúc trên, ông Nguyễn Phúc Phận - Chủ tịch UBND huyện Đak Glei thừa nhận việc khai thác vàng lậu đã và đang diễn ra ở địa phương và khẳng định: Có lực lượng đứng đằng sau chỉ đạo làm. Chúng đầu tư phương tiện cho dân.
Tại thị trấn cũng có một vài đối tượng cầm đầu. Ở các xã như Đak Plô, Đak Nhoong có cả lực lượng ngoài tỉnh. Chúng tổ chức khai thác trong rừng sâu. Cái mà chính quyền bắt được là phần ngọn, các phương tiện chủ yếu loại rẻ như máy hút, với loại này chúng chỉ làm vài bữa là đủ vốn rồi.
Khi chính quyền tập trung làm quyết liệt thì chúng yên, nhưng sau lại tiếp tục hoạt động. Chúng vào làng, xã móc nối với người dân, người nhà cán bộ xã nên xử lý khó.