Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng hệ thống xả thải ra biển của Formosa thiết kế theo quy trình được cấp phép, tuy nhiên họ xả thải cái gì, xả thải như thế nào là vấn đề khác - Ảnh: Hồ Văn
Chiều 23-4 tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ NN&PTNT chủ trì cuộc họp mổ xẻ về tình trạng cá chết hàng loạt vừa qua ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Bộ này khẳng định cá chết do yếu tố độc nhưng là độc gì, do đâu thì “phải cần thời gian mới làm rõ nguyên nhân”.
Đại diện các tỉnh đều cho rằng: tình trạng cá chết nhanh, tức thời chứng tỏ yếu tố độc tố trong môi trường nước là nguyên nhân chính.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung - vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, cần phải tập trung điều tra vào các nhóm độc tố là độc sinh học (tảo) và độc vô cơ (hóa chất).
Còn ông Lê Đức Nhân - phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh - cho rằng độc tố khiến cá chết hàng loạt do con người gây ra.
Ông Lê Trần Hưng, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, đưa ra câu hỏi tại sao cá chết hàng loạt lại xuất phát đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh mà không ở tỉnh khác? Ông Long - chuyên gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản - đưa ra một thông tin: trong tự nhiên có một dòng chảy sát bờ theo hướng từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên - Huế; hướng đối lưu về phía khơi xa là dòng chảy từ Huế đến vịnh Bắc bộ. “Nếu độc tố xuất hiện trong các dòng chảy này thì tình hình sẽ còn phức tạp” - chuyên gia này nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị thảo luận về vấn đề cá chết hàng loạt - Ảnh: H.V.
Ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, người chủ trì cuộc họp - thừa nhận cá chết ở các tỉnh miền Trung là một hiện tượng bất thường, lần đầu xuất hiện nhưng lại diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
“Tôi khẳng định đây là vấn đề mới và khó. Đến nay chúng ta chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, cần phải có thời gian làm rõ” - ông Tám nói.
Tuy chưa chỉ ra được nguyên nhân cá chết nhưng theo ông Vũ Văn Tám, Bộ NN&PTNT “đã làm hết trách nhiệm” nhờ bộ đã loại bỏ nguyên nhân cá chết do yếu tố dịch bệnh, môi trường.
Theo ông, bây giờ điều cần làm rõ là chất độc nào làm cá chết: độc tố do tảo độc sinh học hay độc tố hóa học, các yếu tố kim loại nặng khác.
Trả lời báo Tuổi Trẻ về việc “đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân cá chết, như vậy đánh giá như thế nào về năng lực quản lý, chuyên môn của bộ thông qua việc cử các đoàn chuyên gia được biệt phái khảo sát về tình trạng này?”, ông Vũ Văn Tám cho rằng: “Chúng tôi đã đưa ra được nguyên nhân ban đầu cá chết không có tác nhân của dịch bệnh, cá chết do có yếu tố độc trong môi trường nước”. Vậy “yếu tố độc đó là gì?”, ông Tám nói: “Cái này cần có thời gian nghiên cứu, khi đủ căn cứ sẽ công bố”.
Vẫn những điều lòng vòng mơ hồ
Theo một văn bản báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Formosa có một số vi phạm trong việc thực hiện súc rửa đường ống theo phát hiện của Tổng cục Môi trường, nhưng Formosa khẳng định chất thải vẫn đảm bảo tiêu chuẩn.
Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc các thông số quan trắc có gì bất thường trong thời gian cá chết hàng loạt hay không, ông Võ Tá Đinh - giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh (đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống quan trắc tự động của dự án Formosa) - cho biết Bộ TN-MT sẽ công bố kết quả quan trắc này.
“Việc công bố kết quả quan trắc của dự án này sẽ được thực hiện khi chúng tôi lấy được kết quả quan trắc của cả Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng và dự án Formosa để phân tích” - ông Đinh nói.