Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Do ảnh hưởng của BĐKH những cánh rừng bạt ngàn bây giờ chỉ còn trơ gốc Ảnh: Việt Nhân/VFEJ
Gần 200 năm qua đi, vùng đất này không ngừng mở mang, với sáu lần nối tiếp nhau quai đê, lấn biển khiến Kim Sơn rộng ra gấp tới hơn ba lần khi mới thành lập. Vùng đất này ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước từng sánh vai với “Chị Hai năm tấn” Thái Bình; là vùng nghề chiếu cói thủ công nổi tiếng khắp nơi; là Xứ đạo tâm linh với nhà thờ đá Phát Diệm kiến trúc độc đáo có một không hai của nhân loại.
Hơn thế, vùng đất ven biển này còn là một trong những địa danh, tính trên đầu ngón tay, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Kim Sơn nổi lên như một vùng đất hứa của Châu thổ sông Hồng trong quần thể du lịch văn hóa – thiên nhiên bốn mùa đắt khách…
Nhưng, khi trái đất ấm dần lên; băng đang tan ở hai vùng cực và trên dãy Hymalaya; nước biển ngày một dềnh lên lấn đất, lấn bờ nơi này nơi kia…thì người Kim Sơn mới nhận ra hiểm họa ấy đang tiến diễn ở vùng đất mở chính nơi mình ở.
Sinh quyển tàn phai
Chủ tịch thị trấn Bình Minh, nơi tâm điểm khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Kim Sơn (Ninh Bình), ông Phạm Xuân Nghiêm nói BĐKH ảnh hưởng khá đậm tới vùng đất “bờ xôi ruộng mật” của quê anh. Ngày trước năng suất lúa mỗi vụ trung bình thu tới 650kg/sào. Nay nước mặn xâm thực nặng, tưới tiêu phụ thuộc vào tự nhiên, lượng mưa giảm, thời gian chiếu sáng tăng, sâu bệnh phát triển, kéo theo chi phí sản xuất cao nhưng năng suất lại suy giảm.
Nguồn nước ngọt cho sinh hoạt ngày một khan hiếm, nước ngầm tụt mạch… Bởi thế vùng dự trữ sinh quyển thế giới trên vùng đất này đang có dấu hiệu tàn phai!
Chúng tôi tìm gặp cụ Hoàng Hoa Bắc ở Khối 10. Năm nay cụ vào tuổi 78, quê gốc ở Gio Quan, Gio Linh, Quảng Trị. Tập kết ra Bắc, học hành chinh chiến đó đây, tới năm 1963 về lập gia, lập nghiệp tại nông trường Bình Minh.
Giọng trầm chắc, cụ bảo già nửa đời người sống với nơi đây, tôi thấy trời đất bây giờ khác xưa nhiều quá. Xưa mát mẻ trong lành, nay bức bối oi ả. Xưa mưa thuận gió hòa, nay nắng nhiều rét ít, mà có mưa thì lại như xả cống, xả đập gây lũ ống lũ cuốn tàn sát mùa màng.
Xưa bão lắm mưa nhiều chỉ diễn trên đất Bắc, nay lại đổ cả vào Nam. Thế mới lạ! Cụ ngừng lời, đôi mắt xa xăm như luyến nhớ về đất trời xa xưa… Chúng tôi hỏi Bình Minh “Đất lành chim đậu”, xứ sở của nhiều loài chim quý, mới đây ai đó viết rằng “Chim to không bằng đầu đỏ”.
Thưa cụ, điều này vẫn còn nguyên nghĩa chứ ạ? Cụ Bắc ngồi ngay lên, đưa tay chụp chiếc mũ vải lên đầu, đôi môi tru lại khiến cho hai hõm má chen chật những vết dạn chân chim.
Giọng như đong như đếm: Ấy là chuyện của người viết. Mấy chục năm trước, quả thực đất này là xứ sở cư trú của các loài chim như cò thìa, mòng biển, chim rẽ, cò trắng. Vùng lõi này (ý chỉ thị trấn Bình Minh) cũng là chốn để muôn loài chim sinh bầy đẻ lũ, là đất để nuôi ong mật, nhưng bây giờ thì phiêu dạt tất cả.
Bới đâu ra chim to với đầu đỏ cơ chứ. Lác đác cũng chỉ còn thấy ở vùng đệm tít hút tận chân sóng một ít loài chim nước...Mà cũng phải thôi. Người sinh sôi nẩy nở, chen chỗ của chúng.
Sinh cảnh bị tàn phá, thuốc diệt cỏ, trừ sâu phun lúa, nay lại phun cả cây, cả cói… chúng bạt đi là phải. Người ta cứ đổ lỗi do BĐKH. Chung quy là chỉ tại con người. Con người làm nên, nhưng con người cũng tự hủy hoại mình. Thế mới tiếc!
Nước ngọt cạn kiệt
Ảnh: Việt Nhân/VFEJ
Chúng tôi vào nhà bác Vũ Công Biên, nguyên ủy viên Thường vụ thị trấn Bình Minh, ở khối 5. Bác đang loay hoay sửa công tắc điện máy bơm hai chiều của giếng khoan. Chiếc công tắc được bật, máy bơm rầm rào guồng nước, vậy mà cả phút đi qua giọt nước đầu tiên mới sả vào bể chứa (ảnh kèm theo).
Nhận ra vẻ lạ lẫm của chúng tôi, bác Biên đưa giọng cắt giải dân khối tôi có 120 hộ, nhà nào cũng có giếng khoan. Ngày trước chỉ khoan vài ba chục mét là có nước. Nay mạch bị tụt sâu nên các giếng phải khoan từ 70 – 80m mới gặp nước. Có giếng phải khoan tới trên 100m; giếng của nhà tôi cũng non trăm mét.
Nước ở sâu nên phải dùng van hai chiều và cũng phải máy tốt mới bơm nổi! Nói tới đây, bác chạy vào bếp lấy ra chiếc ấm nhôm, tới bể đựng nước lớn ở góc sân, lấy chiếc gáo dừa múc nước đun sôi, pha trà tiếp khách (ảnh kem theo).
Giọng thân gần bác bảo mấy chục năm trước chúng tôi vẫn ăn uống bằng nước mạch. Nay thì chịu chết. Nhà nào cũng phải xây bể đón nước mưa để ăn, để uống. Nước giếng chỉ dùng cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới tắm vườn tược.
Có điều lạ là, nước giếng bơm lên rất trong nhưng lại có mùi hôi, đưa vào bể chứa chỉ một ngày thành bể đã bám cặn màu vàng, mặt nước nổi váng vàng khè. Dân tôi đồ rằng nước bị nhiễm sắt. Pha trà bằng nước giếng, khi đổ bã thì bã đổi mầu tim tím.
Thị trấn đã gửi mẫu đi xét nghiệm từ lâu nhưng chưa có hồi âm! Ngừng giây lát, bác nói như cốt để chia sẻ: “Tôi đã sang tuổi 70, biết còn sống được bao lâu. Lo là lo cho con cho cháu, cho thế hệ mai sau. Cứ đà này, mạch nước còn tụt, rồi có lúc sẽ cạn kiệt hẳn, hỏi lấy đâu ra nước cho sinh hoạt; lấy đâu ra nước trời để ăn uống, bởi mưa càng ngày càng ít. Lấy đâu cho đủ nước để nuôi mùa màng. Nghe nói, nguyên do chỉ tại cái sự tác động của BĐKH. Dân tôi ít học, nghĩ ngắn nên bảo tại trời kém mưa, sông suối đói nước, người sinh sôi quá nhiều, mạch nước, nguồn nước đâu phải là vô tận. Với lại, nước mạch xấu đi còn vì biển mặn xâm lấn, vì thuốc diệt cỏ, trừ sâu vung vãi vô tội vạ lên đất đai. Chẳng biết các ngài thượng đỉnh tụ họp tại Copenhagen (Đan Mạch) ha giếc gì đấy có biết được nỗi khổ vùng ven biển này của quê hương chúng tôi không nhỉ?”
Mưu sinh nhọc nhằn
Xuất phát từ Bình Minh, theo con đê chắn sóng biển cao ngất ngưởng, thân kè đá, mặt lát bê tông suốt mấy chục cây số, chúng tôi đến với các xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông thuộc phía nam của huyện Kim Sơn.
Phần nội đê được gọi là vùng phát triển bền vững; phần ngoại đê tính từ chân đê đến bãi bồi thấp nhất khi nước triều dâng gọi là vùng đệm. Từ đê nhìn xuống vùng bền vững phần đông là những ngôi nhà nhỏ xíu, dù mái tranh hay mái ngói đều thấp tè thấp tẹt như chỉ cốt để tránh né bão giông dữ dằn của biển cả mênh mông.
Phía vùng đệm nối tiếp nhau là những ao những đầm, những ô những lô người ta thi nhau khai phá tự do để nuôi cấy hải sản; biểu tượng chủ quyền cát cứ là những chiếc lều tranh nép bên bờ đầm, góc chuôm…
Ông Đoàn Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy xã Kim Hải, nói: “Xã tôi là đơn vị mới lập vào giữa năm 1986, nên thua thiệt đủ đường. Dân đông, hiện có tới 769 hộ, với hơn 3000 khẩu. Là người nghèo khổ nhất từ tứ phương tụ về khai quật bãi bồi kiếm sống, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh gần như chưa có gì nên đã khó lại càng thêm khổ. Ngày trước, mưa thuận gió hòa, lũ tiểu mãn về đúng thì đúng vụ, cây cói lên xanh; nay lũ thôi về, cói chết, dân phải chuyền nghề sang nuôi trồng thủy sản.
Những năm trước thuận đất thuận trời nên cũng dễ sống. Cả chục năm nay, có lẽ do môi trường xấu, nước biển không ổn định, nước sông ít không đủ pha loãng nước biển nên độ mặn quá nặng, vì thế con tôm con cua thi nhau chết, cả loài cá bớp phàm ăn, dễ chịu đựng với môi trường nước khắc nghiệt, vậy mà cũng dụi lụi cả đi. Dân tôi giờ thành con nợ.Người nợ ít cũng năm mười triệu, người nợ nhiều không dưới trăm triệu!”...
Nghe ông Hữu nói, tự dưng tôi liên nhớ chuyện đồng nghiệp kể về gia cảnh chị Nguyễn Thị Thanh ở Kim Trung: chồng chết vì căn bệnh hiểm nghèo, chị bị bệnh gút, con nhỏ thấp tim, con lớn đau cột sống, nợ nần đeo đẳng…chỗ vịn là biển mà nghèo khó đâu có buông tha.
Vẫn chất giọng đều đều ông Hữu kể cho nên họ phải lặm lụi bám bãi bám bờ, mót nhặt từ con vạng, con trai, con sò đến cây rong biển. Lắm khi biết họ phá rừng ngập mặn, nơi nuôi dưỡng nẩy nở các loài hải sản, nhân ươm sức sống của biển, để vượt ao vượt đầm, nhưng chúng tôi cũng không nỡ phạt họ, mà có phạt thì họ lấy gì để nộp cho huyện cho tỉnh cơ chứ! Ông ngừng lời, bậm miệng nén hơi thở dài từ đâu len tới…
Hắt theo cái nhìn về phía chân đê sương chiều mờ ảo, ông nói như cốt chỉ để mình nghe: Kể cũng lạ. Con đê to cao là vậy, ai cũng bảo sóng biển nào men lên được, vậy mà trận bão năm mới rồi biển đánh võng, nước trào qua như bỡn, hết hồn hết vía… Đất với trời lạ thật! Điều gì rồi sẽ xảy ra? Dân sẽ chống đỡ sao đây?