Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hình ảnh trong game show Bố ơi mình đi đâu thế - Ảnh: Shanghaiist
Theo Shanghaiist, để bảo vệ trẻ em khỏi những ám ảnh mê muội của sự “nổi tiếng sau một đêm”, Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT) vừa ra thông báo cấm sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình thực tế có trẻ em tham gia, nhất là con cái của các ngôi sao nổi tiếng.
Hãng tin Tân Hoa xã nêu rõ SAPPRFT sẽ “kiểm duyệt gắt gao” các chương trình truyền hình thực tế sau thông báo này.
Một số đài truyền hình địa phương cũng hủy bỏ các chương trình game show có các ngôi sao và con họ tham gia. Trong đó có các chương trình như Bố ơi mình đi đâu thế? và Bố đã trở lại.
Thống kê của SAPPRFT cho biết, năm 2015, trong số hơn 100 chương trình giải trí phát sóng trên các đài truyền hình Trung Quốc, rất nhiều chương trình trong đó có trẻ em tham gia. Doanh thu quảng cáo từ các chương trình này đạt hơn 10 tỉ nhân dân tệ (1,55 tỉ USD).
Tháng 7-2015, cũng chính SAPPRFT ra một văn bản tương tự yêu cầu hạn chế sự tham gia của trẻ em nhằm bảo vệ tuổi thơ hồn nhiên của trẻ nhỏ.
Hình ảnh trong game show Bố ơi mình đi đâu thế ở Trung Quốc- Ảnh: Shanghaiist
Tin xấu cho ngành truyền hình Trung Quốc
Văn bản mới của SAPPRFT quả là tin không vui với ngành công nghiệp truyền hình. Game show Bố ơi mình đi đâu thế là một trong những chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng nhất tại Trung Quốc.
Đây là game show của đài truyền hình Hồ Nam được xây dựng từ một chương trình truyền hình thực tế cùng tên của Hàn Quốc bắt đầu khởi chiếu từ ngày 11-10-2013.
Cách thức tiến hành chương trình gồm có 5 ngôi sao nổi tiếng đi về các vùng nông thôn với con họ, trải nghiệm đời sống nông thôn với các hoạt động thường ngày và thưởng thức ẩm thực…
Game show Bố ơi mình đi đâu thế ngay lập tức thu hút 75 triệu lượt người xem mỗi tuần và còn “đẻ ra” thêm 2 bộ phim bom tấn và vô số chương trình truyền hình thực tế khác cũng bắt chước cách thực hiện tương tự.
Sau văn bản mới nhất của SAPPRFT, đài truyền hình Hồ Nam cũng hủy bỏ mùa thứ tư của game show mang lại lợi nhuận rất “khủng” này.
Đơn vị này cũng đồng thời phải hủy bỏ luôn việc phát sóng các game show dạng “ăn theo” như Bố đã trở lại và Mẹ tôi là siêu nhân. Tuy nhiên đài truyền hình Hồ Nam cho biết họ sẽ phát sóng các chương trình bị thổi còi này trên mạng.
Hình ảnh trong game show Bố ơi mình đi đâu thế ở Trung Quốc- Ảnh: Shanghaiist
Bảo vệ trẻ em
Các nhà quản lý truyền thông Trung Quốc cho rằng, việc ngăn trẻ em không tham gia vào những chương trình truyền hình sẽ giúp chúng được hồn nhiên tận hưởng tuổi thơ như chúng đáng được hưởng.
Tờ Shanghaidaily cho biết, nếu như trước đây những người nổi tiếng luôn cố gắng bảo vệ con họ trước sự soi mói của dư luận thì nay mọi thứ đã thay đổi cùng với sự xuất hiện của các chương trình truyền hình thực tế.
Kiểu chương trình này làm thỏa mãn những khán giả tò mò muốn biết cuộc sống của những người nổi tiếng ra sao. Tuy nhiên đúng như phân tích của giáo sư Ma Xiaoyan khoa truyền thông Đại học Shandong Normal, sự nổi tiếng luôn là con dao hai lưỡi, đặc biệt với trẻ em.
Việc “lên hình” khi còn quá nhỏ có thể gây ảnh hưởng tới hành vi của trẻ em. Mặc dù các chương trình truyền hình dạng này có thể là “mỏ vàng” với nhà đài nhưng cái giá mà những đứa trẻ phải trả thì không hề nhỏ.
Chuyên gia tâm lý học trẻ em Hou Lixia cho rằng, việc trở thành một ngôi sao nhí có thể gây tổn hại khôn lường với trẻ em. Nhất là khi sự đeo đuổi danh tiếng này không phải xuất phát từ chính bản thân đứa trẻ, mà phần nhiều là tư chính cha mẹ các em.