Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khai thác hợp lý vùng đất ngập nước ven biển -Ảnh minh họa: TL
Hơn hai thập niên qua, vùng đất ngập nước ven biển trở thành vùng nuôi thủy sản lớn nhất Phú Yên với diện tích gần 3.000 ha mặt nước và thả hơn 27.000 lồng nuôi. Mỗi năm cho sản lượng trên dưới 9.000 tấn; trong đó có từ 600 tấn đến 650 tấn tôm hùm và 7.800 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 năm qua giá trị sản phẩm thu được trên đơn vị một ha mặt nước nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên từ 223 triệu đồng (năm 2010) lên 640 triệu đồng (năm 2015).
Tuy nhiên, do công tác quy hoạch không theo kịp với tốc độ phát triển tự phát nên hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng nghìn hộ ven đầm, vịnh mà môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ riêng nghề nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng chiếm sản lượng lớn nhất nhưng do ô nhiễm nên hàng năm có từ 340 ha đến 800 ha bị mất trắng hoặc dịch bệnh, giảm năng suất.
Vùng đất ngập nước ven biển tỉnh Phú Yên với nguồn tài nguyên khá phong phú; trong đó có 263 loài và dưới loài tảo phù du, 41 loài cỏ biển và thực vật ngập mặn, 14 loài động vật thân mền hai mảnh vỏ, 224 loài cá; trong đó có 7 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam....Do đó, về lâu dài tỉnh Phú Yên đang thực hiện các nhóm giải pháp chính về: quản lý môi trường nước; tổ chức hình thức khai thác thuỷ sản thích hợp theo hướng bền vững và khôi phục, bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản sinh học. '
Đối với quản lý môi trường nước, Trung tâm giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên đang thực hiện chương trình quan trắc thường xuyên với tần suất mỗi tháng một lần để đánh giá chính xác diễn biển môi trường nhằm đề ra kịp thời giải pháp giảm thiểu nguy cơ có hại đối với nghề nuôi. Trong công tác quản lý, khai thác thuỷ sản, huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu chủ trương tiếp tục dựa vào cộng đồng dân cư tự nguyện đứng ra thành lập theo từng nhóm nghề cụ thể. Qua đó, chính quyền từng xã kiểm soát được tình hình hoạt động; vận động ngư dân không sử dụng những ngư cụ khai thác có tính huỷ diệt.
Ông Nguyễn Bèo, ngư dân thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu) cho biết: “ Thôn chúng tôi có 740 hộ đánh bắt thúng và ghe, bởi vậy chúng tôi chia ra 64 tổ, phân ra 3 cụm bãi trước và bãi sau; thúng theo thúng; ghe theo ghe để đàm bảo tình hình trật tự cũng như khai thác trên biển. Nên nếu có việc gì xảy đều phối hợp với lực lượng biên phòng xử lý dứt điểm; bà con không còn khai thác bừa bãi”.
Trong kế hoạch tái cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu đến năm 2020 chỉ mở rộng diện tích nuôi trồng lên 3200 ha; trong đó 2500 ha nuôi tôm nước lợ nhưng gắn với hình thành các vùng nuôi tập trung sản xuất theo hướng VietGAP; thả nuôi 31 nghìn lồng thủy sản, trong đó 27.000 lồng nuôi tôm hùm.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng trưởng bình quân hàng năm trên 6,5%. Đến năm 2020, sản lượng thủy sản nuôi trồng sẽ đạt 13.500 tấn và giá trị sản phẩm thu được trên một ha diện tích mặt nước đạt 1 tỷ đồng/ha”.