Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nghe ông thứ trưởng nói mà buồn! Tin mới nhất

(08:36:32 AM 16/04/2016)
(Tin Môi Trường) - Trước việc các dự án BOT đồng loạt thu phí đường bộ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng phí đường bộ Việt Nam rẻ nhất Đông Nam Á.

 Nghe ông thứ trưởng nói mà buồn!
Một trạm thu phí tại quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng) - Ảnh: Tiến Thắng


Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông lại nhận định so sánh như vậy là khập khiễng, thậm chí tùy tiện.

Theo ông Đỗ Xuân Hoa - chuyên gia về giao thông, phí sử dụng đường bộ dự án BOT của Việt Nam cao hơn của Thái Lan rất nhiều.

Thực tế Thái Lan quy định 3 mức phí tương ứng với số lốp xe gồm xe 4 lốp, xe có 6-10 lốp và xe trên 10 lốp. Với tuyến đường cao tốc dài khoảng 50km, mức phí thấp nhất áp dụng với xe 4 lốp là 30 baht (khoảng 21.000 đồng).

Mức thứ hai là 50 baht (khoảng 35.000 đồng) áp dụng cho xe 6-10 lốp. Mức cao nhất là 70 baht (khoảng 49.000 đồng) áp dụng với xe trên 10 lốp. Trong khi đó với quãng đường này, mức thu phí này ở Việt Nam đối với xe con đã là khoảng 70.000 đồng.

“Nói mức thu phí Việt Nam rẻ nhất khu vực Đông Nam Á là vô cùng khập khiễng, cọc cạch khi thu nhập của nhiều nước ASEAN gấp hàng chục lần so với Việt Nam” - ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nhấn mạnh.

Theo ông Liên, ở Singapore mức thu phí rất cao còn nhằm hạn chế ôtô cá nhân, nhất là vào những giờ cao điểm.

Còn ở Trung Quốc, vì ngân sách của họ dư dả nên nhà nước bù vốn vào làm BOT. Chính vì vậy phí sử dụng đường rất rẻ. Đối với Việt Nam, vốn làm đường BOT là do dân đóng hết trong khi dân còn nghèo, còn khó khăn.

Ông Liên còn chia sẻ rằng những người kinh doanh vận tải như ông rất buồn sau phát biểu của ông Nguyễn Hồng Trường. Buồn vì người làm quản lý ngành như ông Trường không thấu hiểu được nỗi cơ cực của doanh nghiệp, của người dân mà lại so sánh rất vô tư, thậm chí thể hiện sự cục bộ.

Đáng lẽ lãnh đạo ngành giao thông phải chia sẻ rằng mức phí đường bộ ở Việt Nam chưa phù hợp với mức sống của người dân. Vì theo nguyên tắc thị trường, khi tăng phí, trong đó có phí sử dụng đường bộ, thì dân là người gánh chịu, phí tăng thì giá hàng hóa tăng.

Cần huy động vốn để làm đường, làm cầu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng cũng không phủ nhận một thực tế rằng đôi khi người dân cũng không kham nổi các chi phí để sử dụng những con đường mới.

Đường tốt, phí phù hợp, đó là yêu cầu mà xã hội, từng người dân, mỗi doanh nghiệp đòi hỏi phải được lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đáp ứng bằng những giải pháp cụ thể hơn là những lời chia sẻ, động viên kiểu phí vậy là rẻ, rẻ nhất rồi.

LÊ THANH/TTO