Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sự tích cái tên kỳ quặc (kỳ 4)

(19:43:58 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Cũng đã trên dưới ba mươi năm, kể từ năm 1958, Hữu Loan mới rời Nga Sơn, ra Hà Nội, rồi đi thành phố Hồ Chí Minh. Bạn bè gọi đấy là ông tái xuất giang hồ. Cũng tại bạn bè và cả nhiều người chưa quan biết quá hâm mộ, cứ mời mọc, chèo kéo. Được gặp ông đã vui rồi, mời được về nhà thì còn gì vui bằng.

>> Hữu Loan buôn chuyên (kỳ 3)

>> Người đàn bà của cực nhọc, lam lũ (kỳ 2)

>> Chuyện cô gái tóc dài vương hoa lúa

 

Được ông bằng lòng lưu lại vài ngày thì quá bằng lên tiên. Đoàn Thị Lam Luyến là một người có diễm phúc ấy. Từ thời đi học, cũng như các sinh viên khác, chị mê Mầu tím hoa sim. Là một tâm hồn đa sầu đa cảm, dễ xúc động, ẩn chứa một số phận đa đoan, nhà thơ này càng ngưỡng mộ Ông già vườn Lỗi. Sau những ngày lưu lại ở nhà chị, trên báo xuất hiện bài thơ Chiều Lam huyền thoại.

 

Từ lam vừa là một sắc mầu – xanh lam, vừa là tên bạn thơ, cùng với tấm ảnh chụp hai người. Có ai đó mang tờ báo về cho bà Nhu. Không ai biết bà đã ba máu sáu cơn thế nào, không ai biết gương mặt đẹp của người phụ nữ bên chồng mình bị bà “xử lí” thế nào. Chỉ biết sau đó, khi con cháu cầm tờ báo lên thì thấy chỗ ấy là một lỗ thủng hình chữ nhật, chỉ còn mình Hữu Loan của bà đang nhìn bà như trách móc!

 

Trước khi có vợ - bà Lê Đỗ Thị Ninh, Hữu Loan đã yêu nhiều, và với người yêu nào, ông cũng có thơ tặng. Người ta yêu mình, mình yêu lại thì có sao đâu. Nhưng chỉ lấy một người thôi. Ông đã nói thế và sống như thế. Vợ đầu mất, mấy năm sau ông lấy bà Nhu.

 

Người phụ nữ nào đến với ông, đều để lại dấu ấn trong thơ ông. Những người phụ nữ sau bà Nhu đến với ông, đều được như thế. Nhưng đó không phải là chuyện một người đàn bà đến với một người đàn ông, mà là những tâm hồn phụ nữ đa sầu đa cảm ngưỡng mộ, trân trọng, nâng niu một tài năng, vì tài năng ấy đã khóc vợ làm cho tất cả những người vợ, cả những người sẽ làm vợ, những người có vợ, và những người sẽ có vợ muốn khóc theo.

 

Giá trị nhân bản của Mầu tím hoa sim là ở chỗ ấy. Không phải chỉ một chị Lam Luyến được ông tặng thơ. Còn hai chị Hoài Tố Hạnh, và Nguyệt Cầm ở miền Nam cũng được ông tặng thơ. Dù thế, bà Nhu cũng không chịu được. Không chấp nhận được. Cao tay thì quản chồng bằng những ràng buộc vô hình. Bà Nhu, đơn giản quản chồng bằng tài chính và thời gian.

 

Tiền bạc thì ông nào có biết, có cần. Người ta rước ông đi, đãi đằng ông như vua, như thần tượng. Lại còn tặng ông tiền bạc tiêu pha Có lần, sau buổi nói chuyện, lúc ra cửa, một kẻ chém mạnh vào tay làm rơi túi bản thảo và tiền của ông. Về khách sạn, chả biết làm thế nào nữa. Khóc dở mếu dở, ông khấn thầm bà Ninh phù hộ.

 

 

Vừa mở cửa phòng, vô tình kéo ngăn kéo bàn ra, thấy có một cục tiền. Hỏi xung quanh, không ai nhận, thế mới dám tiêu. Không lẽ có ma? Loại ma này mới ghê gớm đây. Rút lại chỉ còn có cách kiểm soát thời gian. Ở nhà, thì công việc giam chân ông. Ban ngày đánh đá, thồ đá, ban đêm kéo vó tôm, chẳng lo gì.

 

Nhưng đi xa, một bước lên xe, hai bước xuống ngựa. Thiếu gì gái sán đến õng ẹo anh anh, em em,… biết ma ăn cỗ thế nào. Bà Nhu âm thầm thư từ, hỏi han đường đi lối lại, địa chỉ của những người quen. Rồi bí mật vay tiền giắt lưng. Các con giờ cũng đã khôn lớn. Chúng thấy bà có những biểu hiện rất đáng ngờ…

 

Có người vô tình hỏi mẹ cháu vay tiền làm gì thế? Đoán được “âm mưu” của mẹ, chúng bàn nhau lấy trộm tiền bà giấu đi. Bà chửi toáng lên, nhưng vẫn không nguôi ý chí hành động. Rồi một ngày, tỉnh dậy đã thấy bà khăn gói quả mướp, gió đưa lên đường, rông thẳng vào Sè Goòng. Cuối cùng bà cũng lần ra nơi ông tá túc.

 

Sửng sốt thấy vợ lù lù hiện ra như trên giời rơi xuống. – Bà vào đây làm gì, đường sá xa xôi thế. – Ông hỏi lạ! Tôi lo cho ông, tôi, tôi… nhớ ông, nhỡ khi trái nắng giở giời… - Có làm sao đã có anh em bè bạn lo gì! - ....Còn mấy con mẹ mướp nữa phải không? Lại còn tặng thơ, chụp ảnh chưng lên báo nữa chứ….

 

Ông chồng cười rung chòm râu bạc: - Có gì đâu, thơ tặng chơi ấy mà… Với lại, à, bà có biết anh Vũ Bão không? –Tôi chẳng biết bão với gió nào cả. – Anh Vũ Bão có hai câu nổi tiếng, một là vãi linh hồn, hai là… là… bút bi hết mực. Tôi vào loại bút bi hết mực rồi! Chuyện ấy thì có thể bà tin, ông bảy ba tuổi. Lao động nặng nhọc đã vắt kiệt sức lực ông. Lâu lắm rồi ông bà không gần nhau. Nhưng còn cái chuyện thơ thẩn: - Sao ông không làm thơ tặng tôi?...

 

Ý bà là, sao bây giờ không làm thơ tặng bà mà lại có thơ tặng mấy con mẹ phải gió ấy. Bà không biết người ta thường chỉ làm thơ tặng vợ lúc bồng bềnh trên chín tầng mây thôi, chứ khi đã chạm đất là đã diễn nôm thơ ra văn xuôi rồi còn gì. Mấy ai làm được, trừ khi bạn đời đi trước mình. Hữu Loan lại cười rung râu xí xóa: - Thì tôi đã chả tặng bà Hoa lúa để đời còn gì, ngừng một tí ông tiếp: -… tôi đã tặng bà cả cuộc đời tôi rồi còn gì. Nghe ông nói thế, bà im lặng, có vẻ thỏa mãn. Nhưng ông thì không. Ông lại cười, vì điều sắp nói ra: - Tôi biết bà vào đây làm gì rồi. Từ nay tôi gọi bà là… THIẾN THƯ nhé. Bà giật mình, không hiểu cái từ kỳ quặc ấy có nghĩa là gì? Ông cười phá lên vì trò đùa tếu vợ: - Trung Quốc có Hoạn Thư thì Việt Nam có Thiến Thư. Hai bà ghen ngang ngửa như nhau.

N.B.S