Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Màu xanh của biển Bãi Cháy hôm nay.-Ảnh: Báo Quảng Ninh
Đó là tàu Minh Hương 58 tính sai và tăng giá bữa ăn 6 người gần chục triệu đồng. Sau khi thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, ngày 5/4 chính quyền thành phố Hạ Long đã vào cuộc và xác định, tàu khách nói trên vi phạm một số lỗi như khách đã phản ánh đồng thời xử lý các lỗi vi phạm hành chính. Cụ thể phạt 1.000.000 đồng với lỗi không trả lại tiền cho khách khi có nhầm lẫn; phạt 500.000 đồng vì đã không niêm yết giá; yêu cầu hoàn trả lại phần tiền đã tính sai cho khách. Tàu Minh Hương 58 hiện đã bị đình chỉ hoạt động để phục vụ kiểm tra và xử lý vi phạm .
Tiếp tục ngày 8/4, mạng xã hội lại đăng tin con mực 5 cân có giá hơn 4 triệu đồng mà du khách bị ép mua, ép giá mà không biết giá trị thực, cân nặng thực là bao. UBND tỉnh Quảng Ninh lại ra văn bản chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương phối hợp với UBND thành phố Hạ Long và các đơn vị có liên quan chỉ đạo kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý nghiêm tàu du lịch cập bè mua bán hải sản trái phép và cơ sở bán hải sản trái phép; UBND thành phố Hạ Long triển khai ngay biện pháp dẹp bỏ các cơ sở bán hải sản trái phép trên vịnh Hạ Long; chuyển các nhà bè nuôi trồng thủy, hải sản đến các địa điểm không nằm trong các tuyến du lịch trên vịnh Hạ Long; khẩn trương quy hoạch và tổ chức các điểm kinh doanh hải sản phục vụ khách du lịch trên vịnh...
Việc mua bán hải sản trên vịnh Hạ Long vốn là nhu cầu lớn và nhu cầu chính đáng của phần đông khách du lịch. Tuy nhiên, do chưa có mô hình quản lý tốt nên chính quyền địa phương đã cấm các tàu du lịch chở khách đưa khách du lịch ghé tham quan các bè kinh doanh hải sản này. Thực tế do nhu cầu của phần đông khách du lịch nên nhiều tàu du lịch bất chấp lệnh cấm vẫn đưa khách ghé thăm các bè cá trên vịnh.
Trong khi chính quyền thành phố buông lỏng quản lý việc hoạt động kinh doanh của các bè nổi trên vịnh Hạ Long thì nhiều doanh nghiệp đã đệ trình lên UBND tỉnh các dự án điểm kinh doanh hải sản trên vịnh nhằm vừa góp phần đưa hoạt động kinh doanh hải sản trên vịnh Hạ Long vào nề nếp, vừa xây dựng được sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Tuy nhiên, đến nay chưa một dự án nào được phê duyệt chấp thuận.
Quảng Ninh đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc chấn chỉnh kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long; thiết lập các đường dây nóng để người dân phản ánh những bất cập trong du lịch. Thậm chí mới đây, Quảng Ninh đã chuyển toàn bộ Ban quản lý vịnh Hạ Long từ một đơn vị trực thuộc tỉnh về đơn vị hành chính trực thuộc UBND thành phố Hạ Long nhằm tăng quyền hạn xử lý các hành vi vi phạm trên vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, thực tế đến nay Quảng Ninh vẫn lúng túng, chưa tìm ra được mô hình quản lý di sản thiên nhiên thế giới một cách hiệu quả. Trong khi đó, người kinh doanh du lịch bản địa vẫn theo thói quan làm ăn “chộp giật”, thấy lợi trước mắt mà không tính đến lâu dài. Vậy nên lâu nay, khu du lịch Bãi Cháy vẫn bị mang tiếng là bãi chém… với những bữa ăn có giá cao ngất ngưởng không còn là chuyện lạ, chuyện mới.