Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Mắc ca: Từ 220.000 ha xuống còn... 10.000 ha! Tin mới nhất

(21:19:14 PM 09/04/2016)
(Tin Môi Trường) - Từ chỗ gây sốt dư luận với triển vọng phát triển tại Việt Nam 220.000ha mắc ca - cây “tỷ đô” như nhiều ý kiến đánh giá, việc Bộ NNPTNT vừa công bố quy hoạch cây trồng này đến năm 2020 chỉ là 9.940ha khiến không ít người ngỡ ngàng. Vì sao Bộ NNPTNT lựa chọn con số giảm hơn 20 lần so với triển vọng? Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn ông Hà Công Tuấn- Thứ trưởng Bộ NNPTNT.

 Mắc ca - từ 220.000 ha xuống còn... 10.000 ha!
Cây mắc ca từng được kỳ vọng đem lại sự giàu có cho nhiều địa phương, doanh nghiệp, người dân.  Ảnh: Tư liệu


Thưa ông, vừa qua Bộ NNPTNT đã  phê duyệt đề án trồng mắc ca. Theo đó thay vì 220.000ha như kỳ vọng, Bộ chỉ phê duyệt dưới 10.000ha, trong đó chủ yếu là trồng xen. Vì sao Bộ đưa ra con số trên?

- Đúng là quy hoạch mắc ca đã được làm một thời gian tương đối dài. Trong quá trình làm, chúng tôi đã làm rất thận trọng để đảm bảo có đầy đủ căn cứ khoa học. Như chúng ta đều biết, mắc ca là cây dài ngày và mới nhập vào Việt Nam với mục đích lấy hạt để làm ra sản phẩm thực phẩm.

Do vậy, phải có xem xét từ kết quả khảo nghiệm để khẳng định sự phù hợp điều kiện thổ nhưỡng đất đai của những vùng miền với sinh trưởng, phát triển của cây và phải xem xét rất kỹ, toàn diện quá trình từ thu hoạch, chế biến, bảo quản để đảm bảo chất lượng của thực phẩm cũng như phải nghiên cứu thị trường đảm bảo làm sao phát triển bền vững.

Chúng ta đã có bài học trên thế giới khi phát triển cây này rồi. Thực tế, giá hạt mắc ca khô cao nhất hiện nay là ở Australia với giá 3,6 USD/kg, còn ở Nam Phi chỉ 1,5 USD/kg, thậm chí ở Kenya còn dưới 1 USD/kg, mà theo tính toán dưới 1,5 USD/kg là không có lãi.

Nhưng nhiều ý kiến, bao gồm cả các chuyên gia và nhà khoa học lại lấy dẫn chứng từ việc Trung Quốc phát triển rất lớn diện tích mắc ca và  cho rằng, Việt Nam có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tương tự Trung Quốc thì cũng có thể phát triển được?


- Thực tế, hiện cây mắc ca ở Trung Quốc phát triển không như mọi người tưởng. Mắc ca đang bị chết hàng loạt và không ra quả. Chúng tôi đã tham vấn rất nhiều đơn vị trong nước, cũng như tổ chức nhiều hội nghị kể cả với trong nước và quốc tế, từ đó mới khẳng định được quy mô làm sao bước đầu phát triển theo hướng bền vững, có hiệu quả nhất.

Thậm chí, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca thế giới còn khuyên Việt Nam chỉ nên giới hạn diện tích trồng 10.000ha mắc ca đến năm 2030, song dựa trên thực tế ở một số nơi đã trồng, chúng tôi đã cân nhắc quyết định giới hạn diện tích đến năm 2020 là 9.940ha.

Vấn đề chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ quy hoạch những cây khác, tránh được chuyện nay trồng mai chặt gây thiệt hại cho bà con nông dân. Có thể nói, chưa có một quy hoạch nào chúng tôi phải làm kỹ lưỡng và vất vả như cây mắc ca.

Vậy tại sao trước đó, có nhiều ý kiến lại đưa ra con số Việt Nam có khả năng phát triển tới 220.000ha cây mắc ca đến năm 2020. Theo quy hoạch của Bộ, cây mắc ca chỉ được trồng ở 7 tỉnh thuộc 2 khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Ở những nơi, người dân đã lỡ trồng rồi, thì giải quyết thế nào, thưa ông?

- Đã có nhiều người hỏi, tại sao lại đưa ra con số hôm trước là 220.000ha, mà giờ chỉ còn dưới 10.000ha. Số đó không phải do các doanh nghiệp hay địa phương đưa ra, mà thực tế là của Viện Điều tra quy hoạch rừng dựa trên số liệu khảo sát ở những nơi họ cho là có tiềm năng phát triển, chứ không phải quy hoạch.

Rất may là hiện chưa có địa phương nào phê duyệt quy hoạch trồng cây mắc ca, chỉ có Lâm Đồng đã định quy hoạch 23.000ha, nhưng bây giờ họ cũng đã rút lại. Còn đối với những diện tích mà người dân đã trồng ngoài quy hoạch, chúng tôi cũng được biết chủ yếu là trồng xen. Bây giờ cũng không thể bảo dân chặt đi được, chúng tôi chỉ khuyên người dân tiếp tục theo dõi và không trồng mới nữa.

Một số doanh nghiệp, cụ thể như Công ty Him Lam và Ngân hàng Liên Việt có cho rằng, họ đủ sức để phát triển cây mắc ca, nhưng lại không được Bộ NNPTNT ủng hộ?

- Tôi rất cởi mở về vấn đề này và đã mời tất cả các doanh nghiệp đến để trao đổi, có doanh nghiệp tôi cho thời hạn 15 ngày để về xây dựng bản kế hoạch phát triển cây mắc ca, nhưng đến nay không có doanh nghiệp nào đưa ra được cả. Tôi cũng đã trực tiếp đến Lâm Đồng để thăm một số mô hình trồng mắc ca và nói thật là 220ha mắc ca trồng ở đây đã chết, ngay cả khi cây ra quả nhưng bán cũng không có ai mua.

Chúng tôi không muốn gây khó cho ai cả, trên thực tế diện tích trồng mắc ca cũng thấp hơn rất nhiều và cho đến nay cũng chưa có ngân hàng nào hỗ trợ vốn cho người dân trồng mắc ca cả.

Với ông Hưởng (ông Nguyễn Đức Hưởng- Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt- PV), chúng tôi đã nhiều lần mời anh Hưởng đến dự hội nghị về mắc ca, nhưng không thấy anh Hưởng nói gì. Do đó, nếu còn thắc mắc, tôi cũng rất mong anh Hưởng hiến kế để giúp Bộ đưa ra định hướng tốt nhất trong quy hoạch, phát triển cây mắc ca.

Vậy khi ban hành quy hoạch này, Bộ có gặp áp lực gì không, thưa ông?

- Chúng tôi không chịu áp lực nào. Áp lực là phải đưa ra được luận cứ khoa học chính xác, từ đó đưa ra niềm tin, có hiệu quả nhất. Nếu vì sợ mà vội ký khi không có đủ cơ sở khoa học, có thể sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn về sau.

Mặc dù Bộ NNPTNT đã đưa ra quy hoạch đối với cây mắc ca, song cũng giống như một số cây trồng khác, điển hình là cao su, sắn trên thực tế thường bị phá vỡ quy hoạch. Bộ có giải pháp gì để đảm bảo rằng, diện tích thực tế không vượt quy hoạch đã được duyệt?

-  Bây giờ chắc chắn Bộ sẽ phải hướng dẫn và chỉ đạo các Sở NNPTNT đảm bảo việc trồng mới đúng theo quy hoạch. Theo đó, để hướng dẫn nông dân, các tỉnh phải có quy hoạch của từng tỉnh, quy định rất rõ trồng ở đâu, trồng ở chỗ nào.

Mặt khác, dứt khoát phải tăng cường quản lý giống và công bố công khai những cơ sở đủ điều kiện cung ứng giống, cấm toàn bộ những người khác lợi dụng các thông tin về cây mắc ca trong thời gian qua để cung ứng giống không đảm bảo yêu cầu. Thời gian qua,  hưởng lợi nhất chính là những người đã lợi dụng cái này để cung ứng giống không đúng chất lượng, giống thực sinh.

Vừa qua, đã có doanh nghiệp nhập 500 tấn hạt mắc ca về. Nhưng họ lại không có vườn ươm, nên chúng tôi đang cho tìm hiểu xem số hạt đó được đưa đi đâu. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp khi làm điều này cần phải có lương tâm. Qua tìm hiểu, hiện chưa có doanh nghiệp nào có cam kết và ký kết với nông dân trong việc trồng và tiêu thụ hạt mắc ca.

Xin cảm ơn ông!

Trước mắt, từ nay đến năm 2020 chỉ những vùng được quy hoạch mới trồng. Những vùng này phải đảm bảo giống tốt. Ở những nơi khác nếu trồng  rủi ro cao, chúng tôi khuyến cáo không nên trồng”.- Ông Hà Công Tuấn

(Ngọc Lê - Trần Quang/ Dân Việt)