Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu

(09:14:32 AM 06/04/2016)
(Tin Môi Trường) - Để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, tỉnh Bạc Liêu đang nhân rộng mô hình nuôi tôm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu

Mô hình kết hợp lúa - tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Huỳnh Sử


Đông Hải là huyện vùng ven biển đã tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất trong nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp và nuôi tôm sinh thái mà tiêu biểu là mô hình tôm - rừng. Hiện nay, huyện đã có trên 550 hộ nông dân tham gia áp dụng mô hình tôm - rừng với diện tích hơn 2.648 ha và tiếp tục được khuyến khích nhân rộng trong năm nay. Trong số này, diện tích nuôi tôm kết hợp với rừng phòng hộ ven biển là 1.200 ha, rừng trồng trên đất nuôi tôm trên 1.450 ha và tập trung chủ yếu ở 3 xã Điền Hải, Long Điền Đông và Long Điền Tây.

So với nuôi tôm quảng canh, năng suất của mô hình tôm - rừng chỉ đạt từ 700 - 800kg/ha/năm. Do vậy, lợi nhuận bình quân khoảng 30 - 35 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp đạt năng suất trên 900kg/ha, lợi nhuận trên 45 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như hộ ông Đào Văn Khởi, ông Nguyễn Hòa Nhịn, ông Huỳnh Văn Xe (ấp Vĩnh Điền); ông Nguyễn Văn Hùng (ấp Bửu II, xã Long Điền Đông)…

Tuy năng suất đạt thấp hơn các mô hình nuôi trồng thủy sản khác, nhưng ở mô hình này, người dân sẽ tranh thủ được nhiều nguồn lợi từ biển như cua giống, cá kèo giống và thu được nhiều loại thủy sản có giá trị khác sống dưới tán rừng. Đặc biệt, mô hình tôm - rừng chỉ có 5% bị rủi ro, thua lỗ, còn lại 95% đều sản xuất có lãi. Hiện mô hình này phát triển mạnh ở các xã phía Tây của huyện Đông Hải như An Trạch, Định Thành, Định Thành A...

Ở vùng đan xen phía Bắc xã Ninh Quới huyện Hồng Dân và xã Phước Long, Phong Thạnh Tây huyện Phước Long... đã áp dụng mô hình một vụ lúa, một vụ tôm ăn chắc và có đến 90% diện tích nuôi có lãi, chỉ 10% diện tích nuôi hòa vốn hoặc lỗ. Nguyên nhân hộ nuôi bị lỗ là do diện tích đất nhỏ lẻ, bờ bao không giữ nước, khâu chăm sóc, quản lý chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, tại huyện Hồng Dân có 30.000 ha đang áp dụng mô hình ''lúa-tôm''.

Qua các hình thức sản xuất bền vững trong nhiều năm qua cho thấy, mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp lúa - cua, cá, tôm vẫn là mô hình chủ lực của địa phương. Mô hình này không chỉ giúp người dân giảm tối đa các khoản chi phí đầu tư mà còn giảm thiệt hại so với nuôi công nghiệp. Đồng thời, nuôi thêm nhiều loại thủy sản khác trên cùng một đơn vị diện tích nên giảm yếu tố rủi ro khi tôm chết. Ngoài tôm sú là giống nuôi chủ yếu, người dân còn kết hợp nuôi các loại thủy sản khác như cá, cua… với năng suất bình quân từ 1.000 - 1.200 kg/ha/năm (tôm, cua, cá các loại), cho lợi nhuận bình quân khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha/vụ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của người nuôi, các mô hình nuôi trồng thủy sản trên tuy phát triển khá bền vững, nhưng do ảnh hưởng giá cả lên xuống bất thường nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Cao Thăng