Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>> Khánh thành trường Mường Phăng chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ
Gian nan con chữ đến trường
Trường Tiểu học số 3 Mường Phăng hun hút giữa đại ngàn trong sớm mai. Con dốc cứ lên cao, cao mãi, quanh co, khúc khuỷu. Khi đoàn chúng tôi đến, sân trường đã rợp bóng cờ hoa, bà con dân tộc sặc sỡ áo váy, đón mừng lễ khánh thành ngôi trường mới khang trang trong tiếng nhạc và những điệu múa duyên dáng của các em nhỏ vùng cao.
Ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phát biểu trước các em học sinh trong ngày khánh thành trường Tiểu học số 3 Mường Phăng (5/5/2010)
Gặp cô bé Lò Thị Duyên nhỏ nhắn cắp theo một chiếc ghế bằng nan tre, một mình tần ngần tìm vị trí để ngồi giữa các hàng học sinh. Nhìn đôi chân lấm lem bùn, tôi hỏi chuyện em về con đường đến trường, em bẽn lẽn: “Nhà em ở bản Cò Luống, em đi bộ từ sáng sớm để đến xem trường mới, đường bẩn nên khó đi lắm nhưng em quen rồi”.
Bàn chân đứa trẻ nào cũng dính đầy bùn đất, lem luốc. Có đứa còn đi chân đất đến trường.
Cô Phạm Thị Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1, cho hay, có những hôm trời mưa to, đường trơn sình lầy, nhiều em ở xa không thể vào trường được.
Lớp học hầu như không bao giờ đủ khi trống trường đã điểm. Có em dọc đường đi la cà, mải chơi đâu đó quên cả đến lớp. Còn có em chỉ đến buổi sáng, buổi chiều ở nhà theo mẹ lên rẫy, lên nương.
Cô Vàng Thị Úa, 23 tuổi, hỗ trợ điểm bản của trường, lại tất tả đến nhà tìm, đưa các em lên lớp học tiếp.
Vì sự khác biệt ngôn ngữ, mỗi trường tiểu học ở đây có một giáo viên hỗ trợ điểm bản. Ngoài việc chăm lo cho các em đến trường đầy đủ, các cô còn làm phiên dịch viên tiếng dân tộc cho các em học lớp một để hiểu được ý nghĩa từng từ ngữ và cách phát âm.
Giáo viên dạy tiếng Kinh, học trò bi bô tiếng Thái, tiếng Mường, cô giáo hỗ trợ điểm bản phải dịch và diễn giải, hướng dẫn các em viết chữ thông qua tiếng dân tộc mình.
Chỉ một chữ “cái bút” thôi mà Lò Thị Tâm, lớp 1A1, trường Tiểu học số 3 Mường Phăng nghe mãi chẳng hiểu gì. Đến khi em được cô Vàng Thị Úa đọc vần và diễn tả bằng chữ Mường là “Cuij mem”, em mới hiểu ra.
Cô Thanh cho hay, các em lên tiểu học rồi vẫn phải đào tạo lại từ cách phát âm, từ con số chứ không phải thông thạo như các em miền xuôi, lại khó khăn về khác biệt ngôn ngữ nên rất khó dạy.
Cô trò trường Tiểu học số 3 Mường Phăng hân hoan đón nhận ngôi trường mới
Món quà ý nghĩa
Trường Tiểu học số 3 Mường Phăng bao gồm ba điểm trường là bản Noọng Luông 1 (gồm ba điểm bản là Noọng Luông 1, Noọng Luông 2 và Noọng Hái), bản Noọng Nghịu và bản Cang (gồm ba điểm bản bản Cang, bản Yên, bản Cò Luống). Mỗi điểm trường cách nhau trung bình 3 km.
Ngôi trường đã được hãng chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF), gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầu tư xây dựng mới, với tổng số vốn 150.000 đô la Mỹ (tương đương 3 tỷ đồng VNĐ) với bốn khu nhà mới. Đặc biệt có một phòng máy tính để các em được tiếp xúc với công nghệ thông tin hiện đại.
Theo ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng, đây là một món quà mà gia đình muốn gửi tặng chính nơi đã đặt sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ và cha của ông là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo quân đội nhân dân Việt Nam trong trận chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm 1954, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng.
Ông Nam kể lại, ngày trước lên cùng cha mình, ông thấy các em học sinh Trường Tiểu học số 3 Mường Phăng phải mặc áo mưa ngồi lớp học. Các thầy cô giáo chỉ ước mỗi năm có chừng 5 triệu đồng để dát lại nóc nhà cho khỏi dột mà không có đủ. Giờ đây, ngôi trường mới với nhiều trang thiết bị sẽ tạo điều kiện cho con em ở những bản vùng xa được đến trường học tập tốt hơn.
Lò Thị Thơm, lớp 5A1, Trường tiểu học Mường Phăng ở Bản Cang, là một trong những em hay vắng mặt nhất lớp. Bố mẹ cũng chẳng quan tâm nhiều đến chuyện học của con nên Thơm không chăm đến lớp như các bạn cùng trang lứa.
Đôi bàn tay nhỏ bé nhưng đã lấm lem và dạn đi vì cầm cuốc, Thơm hồn nhiên cho biết, “Em thích thì đi học, không thì ở nhà lên nương. Nhưng hôm nay thấy trường Tiểu học số 3 Mường Phăng được xây lên đẹp, em cũng thích lắm”.
Thơm cùng các bạn vượt hơn 3km đường rừng đến xem trường mới. Những khuôn mặt non nớt, hiền lành ngước nhìn lớp học mới và những vị khách từ miền xuôi lên, xì xào bàn tán rồi lại che miệng cười khúc khích.
Có lẽ các em chưa bao giờ nghĩ một ngày mình lại được ngồi trong lớp học sáng sủa, bàn ghế đẹp và mới đến thế.
Bé Quàng Thị Ngân, lớp 5A1, ngó nghiêng cái bảng mới, kéo tay tôi, nói nhỏ “Cô ơi, con thích học tiếng việt lắm, có bảng con sẽ viết chữ đẹp, sau này con muốn làm ca sĩ như mấy anh chị hát trên ti vi ấy”.
Còn anh Mùa A Vừ, Bí thư bản Noọng Luông và Noọng Nhịu, phấn khởi bắt tay chúng tôi ríu rít cảm ơn vì, giờ đây, con em của bản đã có một ngôi trường mới để học hành: “Trường to đẹp thế này thì rồi đây, các con em sẽ không bỏ học nữa mà chúng tôi cũng rất an tâm, vui mừng”.
Dù khó khăn còn đó nhưng những gì mà chúng ta đang cố gắng để xây dựng và phát triển cho tương lai đã mở đầu cho nhiều hi vọng mới. Con đường đến trường học của các em học sinh dân tộc ở Mường Phăng nói riêng và các vùng núi xa xôi nói chung sẽ bớt gian nan hơn khi có thêm nhiều cố gắng của tất cả mọi người.