Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tại xã Phù Ninh, việc khai thác đất trái phép diễn ra công khai, nhiều quả đồi ở đây tan hoang; dọc trục giao thông chính ở các khu 5, 6, 7, 12 và 13 của xã gần như “đại công trường” khai thác đất, nhiều quả đồi cao tới chục mét bị san phẳng.
Cần xử lý triệt để việc khai thác đất trái phép -Ảnh: TL
Theo UBND xã Phù Ninh, trên địa bàn xã có 6 điểm khai thác đất, trong đó chỉ có 2 điểm được huyện cho phép san gạt mặt bằng và hạ cốt nền đất sản xuất, các điểm khai thác khác là trái phép. Tuy nhiên qua khảo sát, trong xã có tới cả chục điểm khai thác đất để vận chuyển đi nơi khác xảy ra trong thời dài. Chỉ sau khi có đơn kiến nghị của người dân, cán bộ xã mới xuống xác minh và tiến hành lập biên bản đình chỉ và có văn bản báo cáo lên UBND huyện để chờ xử lý.
Tại xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, một số hộ dân lợi dụng việc xin san gạt mặt bằng, cải tạo đất rừng đã “xà xẻo” nhiều diện tích đồi rồi chở đất ra khỏi địa bàn. Theo quan sát, tại khu 8 xã Chu Hóa, hàng triệu mét khối đất đồi nằm sát khu công nghiệp Thụy Vân (thành phố Việt Trì), cách Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng hơn 01 km đã bị đào tan hoang, có điểm khai thác sâu tới cả chục mét, trông rất nham nhở, mất mỹ quan. Nhiều đoạn đường ở khu dân cư bị xe chở đất làm hư hỏng nặng, gây ô nhiễm môi trường…
Theo UBND xã Chu Hóa, việc khai thác đất trái phép đã diễn ra từ hai năm nay, xã đã nhiều lần lập biên bản xử phạt và đình chỉ việc san gạt hạ cốt nền đối với hộ vi phạm, tuy nhiên bất chấp pháp luật, một số hộ dân vẫn cho doanh nghiệp vào khai thác đất trái phép.
Tại xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, nhiều quả đồi trồng cây lâm nghiệp màu mỡ cũng đã “ biến mất” do nạn khai thác đất trái phép. Người dân trong xã cho biết, hàng triệu m3 đất đã được vận chuyển đi nơi khác để bán. Theo giá thị trường hiện nay khoảng 50.000 đồng/m3 đất, thì với số đất khai thác trái phép, số tiền thu được từ bán đất là rất lớn.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết, sau khi nhận được phản ánh của dư luận, đơn vị đã cử đoàn thanh tra đến làm việc với các địa phương, qua đó xác minh việc khai thác đất trái phép là có thật. Hiện nay việc khai thác đất san nền tại các địa điểm trên đã bị tạm dừng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu các địa phương báo cáo cụ thể về công tác quản lý đất san nền trên địa bàn để báo cáo lãnh đạo tỉnh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác đất trái phép là do việc kiểm tra xử lý của cấp chính quyền địa phương còn mang tính hình thức, thậm chí có nơi còn buông lỏng quản lý. Sở đã yêu cầu các địa phương rà soát tất cả các trường hợp hạ cốt đất , san nền và có biện pháp xử lý, nếu vượt thẩm quyền cần báo cáo để cấp có thẩm quyền giải quyết.
Được biết, hiện nay, việc trực tiếp giám sát hoạt động khai thác đất trên các địa bàn được giao cho chính quyền cấp xã. Chính quyền cấp xã có nhiệm vụ báo cáo lên các cấp để phối hợp xử lý. Tuy nhiên, chính quyền cấp xã lại cho rằng không đủ thẩm quyền và lực lượng mỏng, chỉ khi sự việc xảy ra, gây bức xúc trong dân mới báo cáo lên cơ quan chức năng...
Do nhu cầu về đất để phục vụ các công trình xây dựng ngày càng tăng nên hiện nay, nhiều cá nhân, doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để “lách” các quy định của pháp luật nhằm khai thác đất trái phép. Bên cạnh đó, dù biết việc làm trên là trái pháp luật song chính quyền một số địa phương vẫn viện các lý do rồi “làm ngơ” để nạn khai thác đất trái phép hoành hành.