Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Học kỹ năng sống bằng trò chơi

(19:43:30 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Mỗi nhóm trên dưới chục người bám chặt lấy nhau thành một con rắn. Bám vào vai, vào thắt lưng, miễn sao không bị đứt ra khi tấn công rắn khác, hoặc rắn khác tấn công vẫn không giật, kéo được đuôi (người cuối cùng ra) khỏi thân là được. Bốn con rắn quần nhau hò hét, kêu dé lên, la oai oái, ngã lăn kềnh, cười nắc nẻ.

>> Lồng lộng tình người

 

Tôi, gã đầu bạc 70 tuổi thoắt sống lại những đêm trăng ở quê chơi trò rồng rắn lên mây với lũ bạn bè tuổi thơ. Rồi mấy chục con người thi nhau rút ra nhận xét: nếu đầu bám chặt lấy đuôi thành một vòng tròn thì bảo vệ được mình, nhưng không thể chiến thắng được kẻ khác. Muốn thắng được đối phương, cả con rắn phải mạnh, trước hết là cái đầu phải mạnh, phải mưu trí (lúc nào thì bỏ đuôi ra để cắn đuôi đối phương) trên cơ sở từng đốt phải mạnh.

 

 

Tác giả chụp với Tshering Wangdi, người Pu tan

 

Trò chơi ấy, yêu cầu cao ở thể lực. Trò chơi chuyển nước lại yêu cầu ở trí tuệ, mưu mẹo, kinh nghiệm. Các nhóm đều được trang bị 1 cuộn thừng to, 1 cuộn dây (buộc hàng) 1 xô nhựa, 1 thùng nước. Làm sao chuyển được nước từ hồ nước (thùng nước) ấy, đến một làng (một vùng giới hạn bằng một hình vuông mỗi chiều 3m), không được bước chân vào làng, mà vẫn đổ được đầy chai nước giữa làng ấy.

 

Các nhóm xúm lại bàn luận. Hai nhóm cùng nghĩ ra một cách, dùng dây thừng buộc xô nhựa đầy nước, khiêng xô nhựa (đã buộc dây để điều chỉnh) vào làng, kéo sợi dây điều khiển để đổ nước vào chai. Một nhóm nước rót mạnh quá làm đổ chai chịu chết không làm sao dựng lên được.

 

Nhóm tôi, rút kinh nghiệm, khéo léo hơn nên cũng đổ được đầy chai, trước tiếng reo hò khoái trá của mọi người. Nhược điểm là thời gian thực hiện lâu nhất. Hai nhóm kia dùng thừng “khiêng” người cùng với xô nước đầy vào làng, nhờ thế nước đổ vào chai ngon lành. Thời gian dùng rất ít. Tôi cũng đề xuất cách làm này. Tiếc rằng không thuyết phục được cả nhóm vì phải qua TNV dịch, mà là dịch ngược nên có phần lúng túng.

 

Trò Chơi dạy người ta bài học: Thách thức thế nào rồi cũng tìm ra được giải pháp. Ấy là nhờ sức nghĩ của mọi người góp lại. Nói thế thì đúng nhưng bảo, ba thợ giầy thành một Gia Cát thì…, câu này là của một lãnh tụ nước nọ nhằm huy động hiến kế của mọi người thôi. Nó chỉ đúng khi cần những mẹo vặt giải quyết những chuyện vụn vặt trong đời sống lao động hàng ngày thôi.

 

Những bài toán xã hội lớn cần phải có những trí tuệ lớn của những bậc trí giả, các nhà tư tưởng lớn. Ba, chứ ba trăm triệu thợ giầy cộng lại cũng chẳng thể bằng được một trí tuệ Gia Cát. Thợ chỉ có thể nghĩ ra mẹo.

 

Thầy mới nghĩ được ra mưu. “Mưu thầy mẹo thợ”, các cụ ta xưa đã nói rồi! Thành công, thành công đến mức độ nào, cả thất bại của nhóm này nhóm khác đều có cùng một nguyên nhân trực tiếp là việc trao đổi thảo luận giữa các thành viên trong nhóm (như nhóm tôi) chưa thật thấu đáo, hoặc sự phối hợp hành động giữa mọi người chưa ăn ý, nhịp nhàng. Cũng có thể cả nhóm chưa bầu được người chỉ huy đích thực của mình (như nhóm đánh đổ chai) các đối tác, các TNV chúng tôi rút ra kết luận như thế.

 

Thật là tài khi người ta nghĩ ra một trò chơi, cốt để rút ra bài học kỹ năng sống mà lại mang tính thời sự khá phổ biến ở các nước đang phát triển – Tắc đường.

 

Mỗi nhóm chọn cho mình một màu. Đó là những tấm nhựa xốp. Thấy nhóm tôi chọn màu đỏ, anh Rây người Philíppin, chuyên viên của AIT phụ trách trò chơi cười phô hàm răng trắng đều đặn: Không được mang ra đường phố đấy nhé! Ngoài kia những người áo đỏ, mũ đỏ, cờ đỏ, đang vẩy máu đỏ quanh dinh thủ tướng để làm reo với chính phủ rồi. Mỗi người đứng trên những tấm nhựa - tượng trưng cho một phương tiện giao thông (xe của mình).

 

Trước mỗi nhóm có vài xe, người chơi chỉ được đi trên những chiếc xe của nhóm mình, sang xe của nhóm khác. Mỗi nhóm chỉ được chọn xe của một đến hai nhóm phía đối diện, không được chọn xe của hai nhóm bên cạnh. Ai di chuyển mà không tìm được xe khác sẽ bị loại. Hiệu lệnh bắt đầu cũng là bắt đầu cuộc chen lấn, xô đẩy, lộn xộn, tiếng la hét, tiếng cười. Một số người bị loại.

 

Triết lý rút ra là: mọi việc dù mâu thuẫn đến đâu đều có thể thương lượng, thoả thuận, để hợp tác với nhau, hai bên cùng có lợi. Nhóm này biết thương lượng với nhóm kia để hoán vị cho nhau thì sẽ không lâm vào cảnh tắc đường, sẽ không có người văng ra khỏi cuộc chơi.

 

Trò chơi cuối cùng, Chuyển người. Các nhóm, người nọ nằm sát người kia, xen kẽ nam với nữ, trở đầu đuôi; chuyển người của nhóm mình theo lối cuốn chiếu, lần lượt từ người đầu xuống cuối hàng, với điều kiện người được chuyển phải không được chạm bất kỳ bộ phận nào của cơ thể xuống đất. Kết cục cũng chỉ chuyển được mấy bạn cả nam lẫn nữ theo cách: người thứ nhất đứng ở đầu hàng đổ người ra phía sau. Không sợ!

 

Đã có những bàn tay của bạn bè đưa ra đỡ, rồi những cánh tay ấy chuyển bạn về phía sau. Nhưng cuối cùng, cũng chỉ những người thấp bé nhẹ cân được chuyển. Cỡ sáu bảy chục cân trở lên đành chịu, những cánh tay liễu yếu đào tơ mà không kham nổi sẽ làm gãy nát vài bộ sương sườn như chơi. Trò chơi này để cuối cùng là có lý do riêng.

 

Những người xa lạ từ 13 quốc gia chưa quen biết, phải qua tiếp xúc trong các trò chơi trên mới thắng được xấu hổ, ngượng ngùng khi đụng chạm. Nó dạy chúng ta phải tin tưởng nhau. Mình ngã sẽ có những bàn tay đưa ra đỡ, giống như những người lính chúng tôi trước kia, xông lên mà không sợ hở sườn, đã có đồng đội yểm trợ. Sợ nhất là tâm trạng cô độc giữa mọi người, mất lòng tin mọi người. Các nhà tổ chức của FK muốn khi ra nước ngoài, các TNV được sống trong tinh thần tin cậy, yên tâm, tổ chức của nước nhà cũng phải sẵn sàng chia sẻ, nâng đỡ TNV như người thân.

 

Một đời làm công chức, không thể đếm được đã dự bao nhiêu lớp tập huấn. Thú thật, không còn nhớ được gì. Trong ký ức tôi, chỉ còn đọng lại những gì nghiêm trang và nghiêm túc, nặng nề và khô cứng. Chưa bao giờ, chưa một ai được cười hay cười được trong các lớp tập huấn ấy vì toàn những chuyện to tát, quan trọng và nghiêm trọng. Nhưng thực tế là chẳng biết để làm gì. Hơn nửa thế kỷ trước, khi đến thăm trường C3 Chu Văn An, Hà Nội, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: Nhà trường là nơi chuẩn bị cho học sinh vào đời. Lâu nay chúng ta mới chỉ dạy kiến thức (dẫu còn sách vở) không hề dạy kỹ năng sống như chúng tôi đang được cẩn thận dạy từ những trò chơi như thế.

 

(còn nữa)

N.B.S