Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn khốc liệt

(10:05:23 AM 27/03/2016)
(Tin Môi Trường) - Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra rằng, cùng với hiện tượng El – Nino, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về ít, cộng thêm nguồn nước ngầm bị tụt hàng năm dẫn đến Đồng bằng sông Cửu Long lún sụt ngày một nghiêm trọng, là những yếu tố chính đang làm cho tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, nhanh hơn dự báo tại đây trong mùa khô 2016 này.

Theo Báo cáo từ nhóm nghiên cứu là các Phó giáo sư, Tiến sĩ của Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên – Đại học Cần Thơ công bố tháng 3/2016, vào mùa khô, các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông trong giai đoạn tích nước nên ảnh hưởng nguồn nước về hạ lưu. Hiện trên sông Mê Kông có 11 dự án hồ thủy điện đã xây dựng xong và 77 dự án đập khác sẽ được thực hiện cho đến năm 2030. Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu nên phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

 

Biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn khốc liệt

Ảnh: TT


* Nước từ thượng nguồn về giảm dần


Thành viên của nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: Mực nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây ngày càng thấp dần. So với năm 2000, mực nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015 đã giảm gần 3m. Những tháng đầu năm 2016, mực nước từ thượng nguồn đổ về đồng bằng sụt giảm liên tục.


Dưới ánh nắng khô khốc sớm hơn mọi năm của tháng Ba, bà Sơn Đại Tân và đứa cháu hai tuổi ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) mắc võng ở cái chái che ghe, ngay dưới lòng con Kênh 12 để nằm nghỉ trưa cho đỡ nóng. Lòng Kênh 12 nước cạn trơ đáy, nứt nẻ nhưng còn mát mẻ hơn ở trên ngôi nhà mà tứ phía đã khô khốc, không còn vũng nước ngọt nào. Bà Tân cho biết, gia đình bà ở đây đã trên 30 năm, chưa bao giờ thấy con Kênh 12 này khô cạn nước cả nhưng năm nay nó đã khô cạn từ tháng Giêng đến nay.


Chúng tôi đi trên đáy con Kênh 12, qua cái chái che ghe nhà bà Tân là bắt đầu tiếng rào rạo đất khô nứt nẻ bị bẹp dúm dưới bước chân. Được dăm chục thước gặp vũng bùn còn đọng chút nước giữa lòng kênh thì có hai đứa trẻ đang ở đó với mặt mũi lấm lem bùn đất. Bé trai đang cầm cái rổ sục xuống bùn cho biết tên là Thạch Tha, 12 tuổi, học lớp 6, Trường THCS Tân Hưng. Cả tháng nay, buổi sáng Tha đi học còn buổi chiều em ra con kênh cạn trơ đáy này bắt cá về nấu ăn. Trên cái thuyền bắt đầu khô trắng nứt nẻ được bỏ lại giữa dòng kênh cạn trơ đáy, bé gái đang cầm cái xô đựng cá cho biết tên Thạch Thị Hồng Hạnh, 13 tuổi, cũng học ở trường THCS Tân Hưng, lúa mất mùa nên mẹ đã bỏ nhà đi, dòng kênh cạn nước, em đi bắt cá về cải thiện bữa ăn cho mấy cha con.


Trên bờ con Kênh 12, người đàn ông nước da đỏ sẫm cháy nắng đi đi lại lại bên đám ruộng bắt đầu cháy khô. Ông cho biết tên Liêu Sơn ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú. Đã gần tháng nay ông Sơn chỉ biết ra đồng mong trời mưa xuống để cứu 17 công lúa thời kỳ trổ đòng vì mặt ruộng nứt toác, xung quanh không còn giọt nước ngọt nào để bơm vào.


Con Kênh 12 nằm cạnh ruộng lúa của ông Sơn những năm trước ghe thuyền tấp nập ngược xuôi nhưng năm nay cạn khô từ trước Tết Nguyên đán. Ông Sơn cho biết: Không còn nước ngọt để tưới, lúa khô héo chết cháy dần. Gần đến ngày được ăn rồi mà cũng ăn không được. Những năm trước, cánh đồng này trồng được ba vụ lúa, năng suất rất tốt nhưng năm nay nhà nào cũng mất trắng vì nắng hạn, xung quanh lại cạn khô, không còn nước tưới.

 

Biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn khốc liệt

Ảnh: TT


* Nước ngầm cạn kiệt


Cùng với nước từ thượng nguồn về đang ngày một giảm dần, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước ngầm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bị sụt giảm hết sức nghiêm trọng. Những năm gần đây, mực nước ngầm tại khu vực này sụt giảm với lượng đo được là khoảng 40cm/năm.


Trong căn nhà cất tạm bợ bên dòng sông Rạch Lợp đã nhiễm mặn, bà Trần Thanh Tuyền ở ấp Chợ, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) ngao ngán cho biết: Nhiều tháng nay, nhà tôi phải sử dụng nước máy do nhà máy nước của xã cung cấp, tháng nào tiền nước phải trả cũng hai, ba trăm ngàn đồng. Có tháng phải khất nợ năm, bảy ngày sau mới có tiền trả. Ở khu vực này mười nhà có giếng khoan thì đến chín nhà bơm không lên nước được.


Tại ấp Trung Tiến cũng thuộc xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) cách ấp Chợ chừng 10 km và chưa có nước máy, đa phần người dân đều dùng nước giếng khoan nhiều năm qua hết sức thoải mái. Nhưng năm nay, người dân đang phải sử dụng nước một cách dè xẻn. Ông Trương Văn Giảng, Trưởng ban nhân dân ấp Trung Tiến cho biết, hầu hết các giếng khoan trong ấp đã phải gắn trợ lực để hút nước mà không lên nổi, dù giếng khoan sâu trên dưới trăm mét.


Cặp bên tuyến Hương lộ 14, tại ấp Một, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) giữa trưa trung tuần tháng Ba, có hai chiếc xe chở bồn đang dừng chờ lấy nước ngọt để đi bán. Một chiếc xe bồn đã được kéo ống nhựa to chỉ bằng đầu ngón tay cái, đưa dòng nước rỉ rả như muốn nhỏ giọt vào bồn chứa; chiếc xe bồn còn lại đang đứng chờ. Anh Nguyễn Văn Tâm, chủ chiếc xe bồn chưa lấy được nước đang loay hoay sửa cái máy bơm cho biết: Từ sáng đến giờ, đây là cái máy bơm thứ hai có công suất 1/2 ngựa bị hư phải thay vì nước tụt sâu quá rồi, bơm lên không nổi.


Bà Lâm Thị Chinh, chủ hai cây nước đang cho máy bơm hút nước vào hai chiếc xe bồn để chở đi bán lại cho người dân buồn rầu: Hai cây nước của nhà tôi khoan đã 20 năm nhưng chưa năm nào nước bị tụt như năm nay. Năm nay các sông, rạch khu vực này đều bị nhiễm mặn hết, nhiều người dân phải hút nước ngầm làm cho nước tụt nhanh chóng. Từ sáng tời giờ thay mấy cái máy bơm để hút nước lên nhưng chỉ được chút ít rồi lại mất nước. Cái thùng 1.000 lít nước mà bơm mấy tiếng đồng hồ rồi chưa đầy.


Rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra rằng, cùng với hiện tượng El – Nino, việc nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về ít, cộng thêm nguồn nước ngầm bị tụt hàng năm làm Đồng bằng sông Cửu Long lún sụt ngày một nghiêm trọng, là những yếu tố chính làm cho tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt và nhanh hơn dự báo tại khu vực này.


Đến trung tuần tháng 3/2016 toàn bộ 13/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bị nước mặn xâm nhập. Thành phố Cần Thơ chưa bao giờ bị nước mặn xâm nhập nhưng nay nồng độ mặn đo tại sông Hậu, điểm Cảng Cái Cui đã trên dưới 2 phần ngàn. Đặc biệt, đã có nhiều tỉnh bị mặn xâm nhập nặng nề như Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang… Riêng Bến Tre, gần như toàn bộ địa bàn đã bị nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Phạm Duy Khương