Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhiều bất cập trong triển khai dự án Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ

(09:44:18 AM 26/03/2016)
(Tin Môi Trường) - Tháng 1/2016, UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt dự án thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành nhằm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tứ giác Long Xuyên.

Trong đó, ưu tiên bảo tồn đồng cỏ bàng còn sót lại ở Đồng bằng sông Cửu Long, tạo môi trường cho loài Sếu đầu đỏ tựu về, duy trì nghề đan bàng truyền thống, phát triển du lịch sinh thái và phục vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, theo các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, việc triển khai thực hiện dự án này tính khả thi và hiệu quả không cao, khó đạt mục tiêu đề ra.

 

Nhiều bất cập trong triển khai dự án Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ

Ảnh minh họa: IE


Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ được thành lập trên cơ sở của dự án bảo tồn đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ hình thành năm 2004. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó có Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, diện tích 1.106,3 ha, phân cấp cho địa phương quản lý. Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ đến nay chưa thành lập được Ban quản lý điều hành do không có biên chế, không có kinh phí hoạt động. Trước đó, đồng cỏ bàng Phú Mỹ hầu như chưa có được đầu tư quy mô, bài bản để bảo tồn, khai thác hiệu quả tiềm năng. Vấn đề nan giải ở đây là không có vốn triển khai thực hiện dự án Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ và khó mời gọi, thu hút nhà đầu tư.

Vùng dự án Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ tình hình tranh chấp, khiếu nại về đất đai chưa giải quyết dứt điểm, người dân không đồng thuận giao đất. Nhiều hộ dân cho rằng họ đã có quá trình khai phá, sử dụng đất khu vực này lâu năm, tốn nhiều công sức, kinh phí để cải tạo đất hoang hóa, chua phèn sản xuất kém hiệu quả thành đất canh tác tốt. Chính quyền địa phương thì nói rằng đây là vùng quy hoạch dự án đồng cỏ bàng, bảo vệ Sếu đầu đỏ nhưng đến nay chưa thấy đầu tư, đất đai bỏ hoang hóa, ít khi thấy Sếu bay về và nếu có cũng chỉ vài con, sau đó bay đi. Mặt khác, sản phẩm đan đát truyền thống từ cỏ bàng giá trị kinh tế thấp, đầu ra khó khăn do ít người mua, nhu cầu thị trường không lớn, khả năng cạnh tranh kém so với những sản phẩm khác.

Dự án Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ diện tích khoảng 2.700 ha, trong đó vùng lõi 940 ha và vùng đệm 1.760 ha. Các hạng mục dự án gồm: trụ sở làm việc, công trình chứa nước ngọt, nhà xưởng sản xuất, sân phơi cỏ bàng, nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm đan đát…; khu phục hồi sinh thái hơn 111 ha; khu bảo tồn kết hợp khai thác hợp lý cỏ bàng hơn 822 ha. Theo các ngành hữu quan tỉnh Kiên Giang, để triển khai thực hiện dự án này hiệu quả, bền vững cần có sự tiếp sức của Bộ, ngành chức năng Trung ương về vốn, nghiên cứu khoa học và mời gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ trong điều kiện ngân sách khó khăn. Đây là dự án bảo tồn thiên nhiên , trong đó ưu tiên đồng cỏ bàng duy nhất còn lại ở Đồng bằng sông Cửu Long và duy trì số lượng Sếu đầu đỏ về đây hàng năm. Trước mắt, tỉnh Kiên Giang tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đất đai trong vùng dự án, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; thành lập Ban quản lý điều hành hoạt động Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ…

Lê Huy Hải