Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhà vệ sinh công cộng gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: H.A Mùi xú uế lan toả khắp nơi
Ông Phạm Thanh Đảo (Tổ trưởng tổ 2) cho biết: “Nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) được xây từ những năm 80, thế kỷ XX, có diện tích hơn 40m2. Trải qua hơn 30 năm, chất lượng công trình đã xuống cấp nghiêm trọng do bể phốt bị nứt, nên nước thải rò rỉ ra ngoài..., vì thế nơi đây thường xuyên bốc mùi xú uế nồng nặc, đặc biệt vào những ngày nắng nóng khiến ai đi qua cũng phải nín thở, nhà nhà đóng kín cửa...
Đáng lo ngại hơn là ngay cạnh NVSCC là một chợ tạm, nhiều người bày bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống và những người bán hàng vẫn phải lấy nước ở bể chứa trong khu nhà vệ sinh này để rửa hàng... do đó ở đây luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh”.
Theo quan sát của PV, hiện tượng ô nhiễm tại 2 tổ dân phố trên là rất đáng lo ngại. Mọi người khi đi qua ngõ 119 phố Hồ Đắc Di đều phải né tránh mùi xú uế từ NVS này bốc ra. Anh Tống Văn Dân (2/24/119 Hồ Đắc Di) cho biết: “Các hộ gia đình nơi đây đều có nhà vệ sinh riêng, nên 10 năm nay không ai có nhu cầu sử dụng NVSCC này nữa. Trước đây, người dân đã làm đơn gửi UBND phường Nam Đồng phá bỏ, hoặc sửa chữa, nâng cấp, nhưng mà nó vẫn tồn tại.
Mặc dù UBND phường đã nhiều lần đưa thợ tới trát, bịt những vết nứt ở bể phốt và thuê người hằng ngày thu phí và dọn VS, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không chấm dứt, bởi người được thuê chỉ trực buổi sáng, còn buổi chiều, buổi tối thì phó mặc. Đặc biệt, có những buổi tối đã có đối tượng nghiện hút trèo cổng vào NVS làm nơi chích hút ma tuý...”.
Ông Lê Văn Diệm (Tổ trưởng tổ 3) cho biết: “Về vấn đề NVSCC, chính quyền địa phương đã có lần giải thích rằng, NVS này nhằm phục vụ cho khu chợ, dành cho khách vãng lai..., nhưng theo chúng tôi, lý do đó không thoả đáng vì việc họp chợ là tự phát. NVS lại nằm ngay cửa ngõ, giữa ngã ba đường, vừa gây ô nhiễm, vừa mất mỹ quan đô thị, gây phản cảm và bức xúc cho nhân dân. Trong khi đó, ngay cổng ngõ 119 là tấm biển “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” - thật là nghịch lý”.
Cần phải phá bỏ
Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Thuý Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Nam Đồng - cho biết: “Khu vực chợ tạm và khu NVSCC hiện do Phòng Quản lý nhà đất 1, thuộc Cty đầu tư, phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng quản lý, nên từ khi nhận được đơn thư phản ánh tình trạng ô nhiễm nói trên, UBND phường chỉ có thể cử người xuống sửa chữa, bịt lại những vết nứt ở bể phốt, mắc nước và thuê người trông coi. Để giải quyết dứt điểm việc này, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa Cty quản lý nhà và đô thị của Bộ Quốc phòng, UBND phường và người dân”.
Theo tìm hiểu của PV, năm 2005, thượng tá Bùi Hữu Ngừng - đại diện cho Cty đầu tư, phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng - đã có ý kiến: Khu NVSCC này đã không sử dụng nữa, do đó 2 tổ dân phố bàn với UBND phường thống nhất biện pháp xử lý. Nếu để tồn tại, thì phải có cơ chế quản lý sử dụng và có biện pháp cải tạo lại cho bảo đảm vệ sinh môi trường xung quanh.
Ông Vũ Tiến Hưng - Chủ tịch UBND phường Nam Đồng - khẳng định: “Trong thời gian tới, chính quyền sẽ tăng cường các biện pháp để làm giảm sự ô nhiễm do NVSCC gây ra và UBND phường sẽ tiếp xúc với Cty quản lý nhà của Bộ Quốc phòng để tìm biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc. Nếu được Cty bàn giao khu đất chợ tạm và NVSCC, UBND phường sẽ tiến hành đập bỏ hoặc cho xây mới NVSCC”.
Nguyện vọng của người dân 2 tổ là chính đáng, do đó nếu cần thiết phải có NVSCC dành cho khu chợ thì nên bố trí ở nơi khác cho phù hợp, bởi khu vực trên dân cư đã quá đông - rất cần thiết có khoảng không trong sạch dành cho nhân dân, nhất là các cụ già và trẻ nhỏ có chỗ để tập thể dục và vui chơi. Mặc khác, còn tạo điều kiện cho xe cứu thương, cứu hoả vào cấp cứu khi có sự cố xảy ra.