Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những người khuyết tật khắp địa bàn tỉnh Ninh Bình vinh dự đến nhận quà là những chiếc xe lăn và máy trợ thính của nhà tài trợ
Giá có cái xe lăn sớm
Anh Trương Văn Thành, sinh năm 1979, ở thôn 3, xã Phú Long, Nho Quan, Ninh Bình, ngồi một mình trên chiếc xe lăn mới cứng ở góc sân, ngó nghiêng mãi tờ giấy hướng dẫn sử dụng và phiếu bảo hành. Nhìn thân hình người đàn ông bảnh trai này, không ai nghĩ là anh bị di chứng chất độc màu da cam.
Chỉ tay xuống đôi bàn chân co quắp và không còn lành lặn, anh ngượng cười “Mình bị tật từ hồi mới sinh, do bố mình đi chiến trường Quảng Trị bị chất độc, nên bây giờ chân mình mới bị thế này, không đi được”
Anh Thành kể, từ ngày được sinh ra, bàn chân anh đã bị teo lại và quắp lại. Anh chỉ có thể di chuyển bằng bò, hai bàn tay xỏ vào đôi dép tổ ong, cứ thế mà lê la khắp nhà. Gia đình anh có ba anh chị em thì số phận run rủi thế nào, mỗi mình anh bị tật. Anh ở với bố mẹ cho đến năm ngoái, được bạn bè giúp đỡ, mới kiếm được cô vợ lỡ thì hơn mình ba tuổi.
Cả tán tỉnh lẫn cưới xin chỉ có đúng một tuần, “thì mình đã không đi được, may trời cũng cho lấy được cô vợ, cho bằng bạn bằng bè”, anh nói về gia đình mới của mình và đứa con sắp ra đời.
Trong đôi mắt sáng, tinh thông, anh Thành như không giấu nổi xúc động, “Giá mà mình có cái xe lăn này sớm, ngồi nghiếc lên cho nó đàng hoàng thì khi đi nói chuyện với người ta cũng đỡ ngại chị ạ”.
Nói rồi anh cười tươi, khoe tôi rằng anh đã biết cách điều chỉnh và đi lại bằng xe lăn rồi. Bên cạnh nhà anh có một ông cụ cũng có chiếc xe lăn như thế này, anh vẫn thường hay bò sang nhà, trèo lên ngồi thử.
Ban đầu anh thử đi còn ngượng lắm, lăn bánh đi mà nó cứ xoay mòng mòng, chẳng tiến theo ý mình gì cả. Nhưng được thời gian, anh điều khiển khá dễ dàng và trong thâm tâm vẫn thầm ước mình cũng được cái thế mà đi cho khỏe.
Đợt tài trợ xe lăn lần thứ 7 này, Tổ chức LDSC đã gửi tặng 75 chiếc xe lăn và 26 máy trợ thính cho thông qua VVAF. Chính quyền ở xã khi có thông tin từ Sở Lao động Thương Binh&Xã hội đã đến thông báo tận nơi những nhà có người khuyết tật. Gia đình anh Thành theo đó cũng làm hồ sơ.
Anh cho biết, trong làng, có tận ba người nữa cũng bị như anh nhưng anh may mắn nhất được đến nhận xe lăn. Mấy người còn lại, dù bị tật, vẫn có thể đi bằng nạng gỗ. Riêng anh, xương bả đùi mất nên chịu, không có cách nào khác ngoài bò.
Anh Trương Văn Thành, thôn 3, xã Phú Long, Nho Quan, Ninh Bình vui mừng khi được sở hữu chiếc xe lăn mới
Có xe khỏi phiền ai
Không chỉ anh Thành, rất nhiều người dù ở tận các huyện khác xa xôi, cũng nhờ bằng được người thân, bạn bè đưa đi nhận quà. Những chiếc xe lăn màu xanh, nhỏ gọn và chắc chắn, được sản xuất tại cơ sở xe lăn tay Kiến Tường, với giá hơn hai triệu đồng là cả một niềm mong ước của những con người nghèo khổ, suốt đời chưa bao giờ biết đi lại là gì.
Chị Nguyễn Thị Huệ, 42 tuổi, ở xóm 2, Kim Tân, Kim Sơn, Ninh Bình, cho biết vùng đất ngập mặn quanh năm, lúa chết rụi, tôm thì thất bát, nợ nần liên miên. Chị Huệ bị teo cơ chân từ hồi lên ba tuổi.
Ban đầu, bố mẹ chị đưa đi khám nhưng không phát hiện ra bệnh gì, chỉ biết càng chích thuốc vào, mông càng lở loét. Cuối cùng một bên chân phải của chị không còn cử động được nữa. Với một bên chân bại liệt đó, chị phải bò ra vườn, ra đồng làm việc, một chân đứng trụ, hai tay cứ thế cắt lúa, cắt cỏ.
Thấy hoàn cảnh chị neo đơn lại bị tật, anh Hùng, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Đăng Hùng, Trung tâm Đào tạo Nghề Dành cho Người Khuyết tật ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình, đã đăng ký hồ sơ giúp, xin nhận tài trợ chiếc xe lăn cho chị. Hôm nay, chính anh cũng.đưa chị vượt mấy chục cây số đến Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Tam Điệp nhận quà.
Anh Hùng cho biết, chồng chị Huệ bị ung thư, đã mất cách đây ba năm. Một đứa con gái duy nhất thì bỏ chị đi vào miền Nam làm thuê, cũng không đủ tiền nuôi con, đành gửi cháu về cho chị nuôi giúp.
Nhà chỉ còn có chị và đứa cháu nhỏ mới lên 7 tuổi, chị kể, nhiều lúc trái gió trở giời, chân đau nhức, chị vẫn phải cắn răng chịu đựng, không biết kêu ai.
Không cầm được nước mắt, chị thở dài: “Hồi chồng mất, vì không đủ tiền, tôi đành cho người ta thuê năm năm mảnh ruộng được cấp, vỏn vẹn có một sào lúa để làm ma cho chồng. Nhờ trời cho tôi sống được thì còn hai năm nữa mới lấy lại ruộng mà cấy”.
Bố mẹ chị Huệ được tám anh em. Chị là con gái duy nhất lại bị dị tật. Các anh, em trai đều lấy vợ cùng làng nhưng cũng nghèo, không giúp gì được. Vả lại, có vay mượn, rồi chị cũng tính chẳng biết lấy gì để trả nợ.
Khi không còn ruộng, chị chỉ biết bòn mót từ bó rau, nải chuối quanh vườn, bán được vài đồng lại dành để đấy đóng tiền học cho cháu. Anh Hùng tâm sự, có dạo, đến thăm thấy chị chỉ dám ăn mỗi ngày một bữa, buổi tối còn chút cơm nguội nào thì ăn, không thì đành nhịn đói.
Chị bảo phải chắt bóp dành tiền đóng học cho cháu. Được căn nhà xây từ hồi nào, dột nát đến nỗi, khi trời mưa thì bên trong nhà cũng như ngoài trời.
Ngồi trên chiếc xe lăn mới, chị cứ loay hoay mãi xe mới tiến được một quãng. Chị cười vẻ sung sướng, “cái xe này tiện thật đấy, có nó, em đi ra quán bán hàng, đi lễ nhà thờ khỏi phiền ai”
Nhìn mấy người cũng đang thử điều khiển xe và thử các máy trợ thính sau khi được các bác sĩ ở hướng dẫn chi tiết từng bước một.
Ông Vũ Văn Trình, Phó Giám đốc Trung tâm Chỉnh hình và PHCN, chia sẻ: “Những người bị khuyết tật, tâm lý rất hạnh phúc trước sự quan tâm dù là nhỏ nhặt nhất của những người xung quanh. Vì vậy, khi được trợ cấp những chiếc xe lăn và máy trợ thính này, họ sẽ cảm thấy được niềm vui và niềm tin trong cuộc sống”.
Những chiếc xe lăn đong đầy mơ ước
Những người sinh ra không còn được lành lặn, do bẩm sinh hay do bệnh tật khiến họ không thể sống và sinh hoạt dễ dàng như người bình thường khác. Nhưng, trên nét mặt họ, vẫn đượm lên niềm vui và tin tưởng.
Tôi cảm thấy thế khi nhìn một em trai nhỏ 18 tuổi, tên là Lã Văn Thức, ngồi ôm đôi chân không còn đi lại được, một bên bàn chân sưng tấy, mưng mủ nước do bị nhiễm trùng vì bị té ngã từ bậc thềm xuống sân nhà, vẫn cười tươi khoe với tôi, “từ nay em có xe mới để đi học rồi”.
Chiếc xe trước mà em tận dụng được để đi học từ một xe ba bánh của một người hàng xóm cho. Nó xộc xệch đến nỗi phải dùng thanh tre nẹp lại cho chắc. Trước đây, bố mẹ em phải đèo em đi học nhưng, từ khi có xe ba bánh, em có thể tự mình đến trường, dù mất gần hai tiếng đồng hồ trên quãng đường dài ba cây số.
Mặc dù không đi được, Thức vẫn cố gắng đỡ đần gia đình những lúc không bận học. Em nhận xếp đèn lồng tại nhà, mỗi ngày cũng kiếm được trung bình 15.000 đồng. Thức ước rằng, mai sau, em sẽ trở thành một kỹ sư tin học, được biết nhiều, được giao lưu với thế giới rộng lớn ngoài kia với bao nhiêu điều mới lạ.
Nụ cười hiền trên đôi môi em, bên cạnh chiếc xe lăn mới, đã khiến tôi phải suy ngẫm rất nhiều sau đó. Có lẽ, đúng như những gì mà ông Ardell Talbot, Hội trưởng Đại diện Tổ chức LDSC, nhấn mạnh, “món quà dường như còn ít ỏi nhưng hi vọng đó sẽ là nguồn động viên mà chúng tôi mang đến cho những người khuyết tật không may mắn, để cuộc sống họ và gia đình họ ngày càng tốt đẹp và ý nghĩa hơn…”