Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cuộc tọa đàm sẽ do nhà thơ Hữu Việt dẫn chương trình, cùng các diễn giả là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Trần Thanh Hà, Trần Nhã Thụy, Bùi Anh Tấn, đạo diễn Ngô Quang Hải.
Tiểu thuyết trinh thám và tiểu thuyết kinh dị đã có lịch sử gần 200 năm nếu tính từ thời Edgar Allan Poe (nhà văn Mỹ - 1809-1849). Trong suốt thế kỷ 20 cho đến nay, tiểu thuyết trinh thám và tiểu thuyết kinh dị đã đạt những thành tựu vô cùng rực rỡ, đến nỗi nếu lật lại danh sách bestseller của các tờ báo lớn ở Mỹ thì các cuốn sách trinh thám và kinh dị không mấy khi nhường vị trí dẫn đầu. Đặc biệt là những cơn sốt sách gần đây trên khắp thế giới: Mật mã da Vinci, Hỏa ngục của Dan Brown, bộ baCô gái đùa với lửa, Cô gái có hình xăm rồng, Cô gái chọc tổ ong bầucủa Stieg Larson, seri Vết cắt hành xác, Bóng ma ký ức, Cô gái mất tích của Gillian Flynn… Giở lại lịch sử văn học Việt Nam: Văn học ta có truyền thống về truyện kinh dị (Liêu trai chí dị), những năm 1940 nó được kế thừa bởi truyện đường rừng, truyện rùng rợn của Thế Lữ, Đái Đức Tuấn… Từ đó về sau này truyện rùng rợn, ma quái hầu như vắng bóng.
Bìa tác phẩm Trại hoa đỏ
Với thể loại trinh thám thì phải chờ cho đến những năm 1930 khi các câu chuyện về thám tử Sherlock Holmes và gã trộm hào hoa Asen Lupin du nhập vào Việt Nam để ra đời serie trinh thám của Phạm Cao Củng (truyện về thám tử Kỳ Phát) và Thế Lữ (truyện về thám tử Lê Phong). Trải qua nhiều biến động xã hội, một thời ở ta chỉ có tiểu thuyết tình báo – gián điệp và tiểu thuyết vụ án, không có cơ hội cho tiểu thuyết trinh thám theo nguyên tắc của Van Dine (người Pháp - nhà lý luận thể loại đầu tiên của thể loại trinh thám – người đã đề ra 20 nguyên tắc viết truyện trinh thám vào năm 1920). Trong bối cảnh cảnh đó thì Di Li là một trong những – nếu không nói là nhà văn duy nhất hiện nay, lựa chọn thể loại trinh thám và kinh dị. Và Trại Hoa Đỏ là cuốn tiểu thuyết đầu tiên kết hợp giữa thể loại trinh thám và kinh dị ở Việt Nam.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng: “Một yếu tố không kém phần quan trọng thúc đẩy sáng tác văn học trinh thám chính là độc giả, với ý nghĩa là một công chúng nghệ thuật mới. Nhà văn và độc giả trong thời đại mới cùng đồng hành sáng tạo. Việt Nam đang có một chiến lược “xuất khẩu văn học” kể từ thời đổi mới. Một số tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam đã được giới thiệu ra thế giới trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trong tương lai gần, Hiệp hội Quốc tế Nhà văn viết truyện trinh thám (AIEP) sẽ mở rộng cửa đón các nhà văn Việt Nam tham gia sáng tác - đó là một niềm tin có cơ sở. Văn học trinh thám Việt Nam đang hồi sinh trong tầm đón đợi của công chúng nghệ thuật thời hiện đại”.
Bìa tác phẩm Câu lạc bộ số 7
Sau Trại Hoa Đỏ, Di Li đã viết tiểu thuyết Câu lạc bộ số 7, xoay quanh vai trò phá án của cảnh sát Phan Đăng Bách và có dự định viết tiếp nhiều cuốn khác nữa. Nếu thế, Di Li sẽ là người duy nhất viết tiểu thuyết seriehiện nay ở nước ta, một kinh nghiệm rất thành công ở các nước phát triển.Ở Câu lạc bộ số 7, kỹ thuật hình sự và điều tra, cách xử lý đề tài, tính hấp dẫn và sự dụng công của nghệ thuật trinh thám đã được Di Li tạo một bước nhảy vọt so với Trại Hoa Đỏ. Đề tài giới tính thứ tư cũng lần đầu tiên được đưa vào văn học. Trong Câu lạc bộ số 7, có nhiều điều khó ngờ tới về những tình tiết ngoắt ngoéo phản ánh những góc khuất của một bức tranh phức tạp là xã hội Việt Nam đương đại: những tội phạm lợi dụng công nghệ cao, những giáo phái kỳ quái và bệnh hoạn, những gã công tử nhà giàu với cuộc đời bi kịch là kết quả của một nguyên nhân tham lam và độc ác, những quan tham thời hiện đại...
Nhà văn Trần Thanh Hà, người ta từng làm luận văn thạc sĩ về đề tài trinh thám bình luận: “Với độ dày của Trại Hoa Đỏ và Câu lạc bộ số 7, có thể nói là khó đọc với người đọc ít thì giờ ngày nay, thế nhưng thật khó bỏ xuống khi chưa đọc xong. Về phương diện kỹ thuật, đây là những cuốn sách trinh thám thành công. Câu chuyện hấp dẫn, những tuyến vụ án được bài binh bố trận kỹ lưỡng, các tình tiết kết nối chặt, hầu như không có sơ hở, độc giả bị lừa hoàn toàn. Trong mấy trăm trang sách, tác giả đã luôn duy trì độ căng thẳng và các cao trào hợp lý. Giữa các chương, tác giả đã đưa vào những trang tả cảnh, những trang tả cảm xúc âm nhạc có tác dụng ‘giải nhiệt’ và chuẩn bị tốt cho các pha căng thẳng tiếp sau, điều này không phải tác giả trinh thám nào cũng làm được. Trinh thám đòi hỏi bản lĩnh và sự tính toán chi li, người không bản lĩnh chỉ lừa độc giả được trong vài quãng. Di Li lừa được độc giả cho đến khi kết thúc. Nói theo một hình tượng trong tác phẩm, Di Li là người giỏi chơi ma trận và đã chơi thắng.”
Nhà văn Di Li hiện là giảng viên tiếng Anh của trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội, giảng viên PR của trường ĐH Hòa Bình, hội viên Hội nhà văn Châu Á-Thái Bình Dương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Di Li cũng từng tham gia nhiều diễn đàn văn học trong khu vực. Chị đã có 28 đầu sách được phát hành bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, bút ký, sách chuyên ngành và sách dịch. Chị cũng có một tập truyện ngắn đã được dịch sang tiếng Anh với nhan đề “The Black Diamond” và tiếng Hà Lan với nhan đề “Cocktail”. Tháng 3 vừa qua, chị đã có hai sự kiện ra mắt cuốn “Cocktail” tại thành phố Heerlen và Rotterdam, Hà Lan.