Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo an ninh nước hướng tới phát triển một xã hội bền vững

(18:25:15 PM 22/03/2016)
(Tin Môi Trường) - Sáng 22/3 tại Thanh Hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2016 với chủ đề “Nước và việc làm”. Hơn 3.500 đại biểu đại diện các ban, bộ ngành Trung ương, địa phương và đông đảo người dân tỉnh Thanh Hóa đã tham dự buổi lễ.TMT xin trích giới thiệu nội dung phát biểu của Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang tại Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng ngày nước thế giới 2016.

>>Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2016

 

Cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo an ninh nước hướng tới phát triển một xã hội bền vững

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng ngày nước thế giới 2016 -Ảnh: Phương Thảo/Tinmoitruong.vn
 

"...Nhận thức được tầm quan trọng của nước, năm 1992, tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) đã thống nhất chọn ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới, nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới tới tầm quan trọng của nguồn nước ngọt và sự cần thiết phải quản lý bền vững nguồn tài nguyên quan trọng này trên phạm vi toàn cầu.


Ngày Nước thế giới năm 2016 có chủ đề “Nước và Việc làm” với mục tiêu mang đến cho chúng ta một thông điệp rất có ý nghĩa, đó là nước và việc làm đều có sức mạnh để thay đổi cuộc sống của con người: Nước là trung tâm của sự sống, môi trường và kinh tế - nhờ nguồn nước được cải thiện. Thu nhập do ...


Là quốc gia nằm ở cuối các lưu vực sông lớn, nguồn tài nguyên nước ở nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức. Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia. Tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, đồng thời nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các ngành sử dụng nước.


Nhận thức rõ những thách thức đó, Việt Nam đã luôn nỗ lực trong đàm phán hợp tác quốc tế nhằm xây dựng cơ chế hợp tác quản lý hài hoà nguồn nước giữa các quốc gia; ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước của quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta còn đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi việc thực hiện cơ chế chia sẻ nguồn nước theo Công ước Liên hợp quốc về sử dụng nước cho mục đích phi giao thông thủy chưa được các quốc gia trong khu vực quan tâm, tham gia và chia sẻ. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây.

...


Nước là cốt lõi của phát triển bền vững. Nước và các dịch vụ do nước mang lại là nền tảng cơ bản giúp ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và duy trì môi trường bền vững. Nguồn nước ổn định sẽ đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, sức khỏe con người và hệ sinh thái; nguồn nước ổn định cũng tác động đến cuộc sống của hơn 7 tỷ người trên Trái đất. 


Nước tạo ra cơ hội có việc làm cho người lao động. Trên thế giới, hiện có khoảng 1,5 tỷ người đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến nước và hầu hết các công việc đều phụ thuộc vào nguồn nước. Nếu nước được cải thiện, người lao động sẽ có việc làm tử tế và mang lại thu nhập, góp phần vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ cho người lao động và tạo môi trường làm việc ổn định, an toàn, bình đẳng với mức thu nhập công bằng.


Theo Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa năm 2002, mỗi người dân đều có quyền được tiếp cận và sử dụng nước. Tiếp cận và sử dụng nước là điều kiện tiên quyết cho xóa đói giảm nghèo. Nước tác động trực tiếp đến đời sống của người lao động, khoảng 75% người nghèo trên thế giới sống ở vùng sâu vùng xa, khu vực nông thôn và cũng là vùng thiếu nước- nguồn tài nguyên quan trọng nhất để họ kiếm sống và duy trì cuộc sống. Nước ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi người, nếu nguồn nước luôn được cung cấp đầy đủ và kịp thời, chất lượng nước đảm bảo thì việc chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thủy sản của họ sẽ đạt sản lượng cao hơn và mang lại thu nhập tốt hơn, nhiều người có công ăn việc làm hơn, cuộc sống của người nghèo vì thế cũng được cải thiện hơn.

...

Cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo an ninh nước hướng tới phát triển một xã hội bền vững

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2016 ngày 22/3 tại Thanh Hóa -Ảnh: Phương Thảo/Tinmoitruong.vn


Nước là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo nhưng không phải là vô tận. Hơn lúc nào hết, tại thời điểm chúng ta đang tổ chức Lễ mít tinh, cả nước đang chứng kiến việc thiếu nước nghiêm trọng do hiện tượng Eninô gây ra cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Người dân ở các khu vực này đang phải gồng mình đối mặt và chống chọi với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán và xâm nhập mặn được xem là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua. Tính đến thời điểm này, Đồng bằng sông Cửu Long có gần 139.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất do thiếu nước và nhiễm mặn và khoảng 340.000 ha diện tích có khả năng bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Bến Tre. Hơn nửa triệu dân ở các tỉnh ven biển trong vùng đang bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ở những huyện ven biển, một số vùng người dân đang phải mua nước ngọt với giá từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng/m3 nước. Với họ, nước đang quý hơn cả vàng.  


Chính phủ và các Bộ, ngành đã rất quan tâm, đi nắm bắt thực tế, làm việc với các địa phương bị tác động để chỉ đạo kịp thời các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm đối phó với tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn tại các khu vực này. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ là “Không để người dân bị đói, thiếu nước sinh hoạt do hạn hán”; “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp”; “Kịp thời có các giải pháp cấp bách, có lộ trình, bước đi phù hợp, tầm nhìn dài hạn; chủ động, bình tĩnh kết hợp các biện pháp trên nhiều lĩnh vực, tăng cường quản lý, hợp tác quốc tế với các nước thượng nguồn sông Mê Công để giải quyết hài hòa về vấn đề dòng chảy trên lưu vực”. Là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang cùng các Bộ, ngành, UBND các tỉnh nỗ lực triển khai các giải pháp đối phó với thực trạng nói trên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Những gì người dân Đồng bằng sông Cửu Long ngày hôm nay đang phải đối mặt có thể sẽ xuất hiện nhanh hơn nữa và lặp lại thường xuyên, nặng nề hơn do biến đối khí hậu, mà trước tiên là lên tài nguyên nước. Chính vì vậy, ngoài những biện pháp đối phó hiện nay, cần phải có giải pháp dài hạn hơn cho cả vùng lúa gạo này, nơi đang cung cấp khoảng 1/5 lượng lúa gạo xuất khẩu trên thế giới và nuôi sống khoảng 145 triệu người dân...


Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quan trọng này theo phương pháp tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm đưa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến quản lý tài nguyên nước vào cuộc sống, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tài nguyên nước, các chương trình, kế hoạch hành động đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:


- Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về tài nguyên nước đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.


- Hai là, tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tổ chức thực hiện có chính sách để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.


- Ba là, tổ chức triển khai thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa trong trên các lưu vực sông; đồng thời rà soát các quy trình đã ban hành đi đôi với kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm.


- Bốn là, thành lập 06 tổ chức lưu vực sông để triển khai cơ chế điều phối chung trên từng lưu vực nhằm huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề chung trên phạm vi toàn lưu vực.


- Năm là, thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Hồng và Mê Công với các quốc gia thượng nguồn; tổ chức triển khai thực hiện các kiến nghị, đề xuất, giải pháp của Nghiên cứu, đánh giá tác động tích lũy của hệ thống thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.


- Sáu là, đẩy mạnh công tác cảnh báo, dự báo diễn biến lượng mưa, tài nguyên nước và xâm nhập mặn phục vụ công tác điều tiết nguồn nước, đảm bảo đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

...

Hôm nay, nhân dịp ngày Nước thế giới, tôi kêu gọi các cấp, các ngành hãy cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo an ninh nước hướng tới phát triển một xã hội bền vững. Để làm được điều đó, cần nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong mọi ngành, lĩnh vực. Đây là yêu cầu nhất quán và thống nhất trong các chính sách điều phối, phối hợp của chính quyền các cấp ở Trung ương và địa phương.


Đối với các địa phương trên cả nước, tôi đề nghị cần nhận thức một cách sâu sắc yêu cầu cấp bách phải bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, các cấp chính quyền cần quán triệt sâu rộng trong tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng đầu nguồn nhằm duy trì và phát triển nguồn nước, nguồn sinh thủy cho các dòng sông, hồ chứa để cấp nước, phòng, chống lũ hiệu quả hơn không chỉ cho chính mình mà còn cho cả các khu vực rộng lớn ở hạ du. Đối với các địa phương vùng đồng bằng, ven biển, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, cần tích cực trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, rừng chắn cát, gia tăng các công trình giữ nước để bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.


Cũng nhân dịp này, tôi đề nghị mọi tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên cả nước hãy có những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn và cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ các dòng sông, các nguồn nước không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau. Mong rằng cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước sẽ chung tay sớm khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra cho các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua...".

.........................

 

.Tựa đề bài do TMT đặt.

TMT giới thiệu