Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần hướng dẫn người dân khai thác nguồn nước ngầm đúng kỹ thuật

(16:41:56 PM 20/03/2016)
(Tin Môi Trường) - Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay nắng nóng, khô hạn đã làm hàng trăm công trình thủy lợi ở Tây Nguyên cạn kiệt nước. Hàng loạt doanh nghiệp, hộ dân đã phải thuê người khoan giếng khai thác nguồn nước ngầm để chống hạn, cứu các loại cây trồng.

Tuy nhiên, điều cần nói hơn là các đơn vị, cá nhân khai thác nguồn nước ngầm không đúng kỹ thuật, không đúng quy hoạch gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm cho nguồn nước ngầm ở Tây Nguyên ngày càng suy giảm.

 

Cần hướng dẫn người dân khai thác nguồn nước ngầm đúng kỹ thuật

Cần hướng dẫn người dân khai thác nguồn nước ngầm đúng kỹ thuật -Ảnh minh họa: TL


Anh Nguyễn Văn Liệu, ở thôn 2C, xã Ea H’Leo, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) cho biết, gia đình có 2.000 trụ tiêu, vụ này dự tính cho thu hoạch 8 tấn tiêu hạt khô. Tuy nhiên, do thiếu nước, vườn tiêu của gia đình đang bị héo dần. Từ trước Tết Nguyên đán 2016 đến nay, anh đã đầu tư đào giếng sâu 40 mét nhưng không có nước nên đành bỏ. Sau đó, gia đình tiếp tục đầu tư 230 triệu đồng thuê thợ khoan 5 giếng, mỗi giếng sâu từ 60 mét trở lên nhưng nguồn nước cũng chỉ đủ để tưới cầm chừng cho vườn tiêu.

Ở thôn 2B, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, gia đình anh Ngô Văn Trí có 1,5 ha hồ tiêu sắp cho thu hoạch cũng đang có nguy cơ chết héo. Anh Trí đã đầu tư 140 triệu đồng thuê thợ khoan một giếng sâu trên 70 mét nhưng vẫn không có nước.

Địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hàng trăm hộ dân ở các huyện Krông Năng, Krông Búk, Cư M’gar cũng đầu tư cả trăm triệu đồng khoan giếng khoan sâu từ 60 mét trở lên nhưng cũng không tìm ra nguồn nước để chống hạn cho cây cà phê…Nhiều nơi ở các tỉnh Tây Nguyên, các hộ dân sau khi đào giếng sâu từ 40 mét trở lên lại tiếp tục thuê thợ khoan sâu xuống thêm vài chục mét hoặc khoan ngang để tìm nguồn nước chống hạn cho cây cà phê, hồ tiêu.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hàng loạt các đơn vị, hộ dân ở Tây Nguyên khoan khai thác nguồn nước ngầm bừa bãi, tuy nhiên vẫn chưa có đơn vị chức năng nào giám sát, kiểm tra, ngăn chặn, hoặc hướng dẫn khai thác cho đúng quy trình kỹ thuật, đúng quy hoạch.

Từ thực tế trên, các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, kiểm tra lại các giếng khoan, giếng đào, các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới mặt đất để tổ chức hướng dẫn, cấp phép hành nghề theo đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành khoan giếng phải được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền nhằm góp phần khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước.

Quang Huy